“25 tuổi mua túi hiệu, 32 tuổi không có tiền đóng viện phí”: Người chị U40 tự thú về cái giá của lối sống sang chảnh

24/12/2023 08:00 AM | Sống

“Giá như từng có người nói cho tôi biết rằng việc sống quá thoải mái thời trẻ có thể gây ra những nỗi ân hận suốt cả cuộc đời”.

*Dưới đây là những dòng tâm sự, cũng là lời nhắn nhủ mà Ly LengXing - Người phụ nữ 38 tuổi đến từ Đài Loan (Trung Quốc) muốn gửi tới các bạn trẻ còn độc thân. LengXing từng tự mua cho mình được 5 chiếc túi hàng hiệu trong 6 năm đi làm, từ năm 23 tới năm 29 tuổi nhưng vào năm 32 tuổi, cô lại không có đủ tiền để đưa con gái mắc bệnh tan máu bẩm sinh đi viện.

Không lâu sau khi tốt nghiệp Đại học ngành tài chính, tôi đã xin được việc tại một công ty kiểm toán khá lớn, thuộc nhóm Big4. Bắt đầu với vị trí Junior, sau hơn 3 năm, tôi đã lên được vị trí Senior Leader của một nhóm nhỏ 5 người. Trong suốt khoảng thời gian kể từ lúc đi làm cho tới khi kết hôn, tôi luôn nghĩ rằng mình phải tranh thủ tận hưởng cuộc sống độc thân tự do, để sau này không còn gì nuối tiếc khi bước chân vào hôn nhân, trở thành một người mẹ.

Ảnh minh họa

Suy nghĩ ấy khiến tôi tin rằng việc mình đi du lịch bất cứ khi nào rảnh, mỗi năm mua vài chiếc túi hiệu là điều chẳng có gì sai trái. Tôi đã nỗ lực làm việc chăm chỉ và được thăng tiến, tự thưởng cho bản thân là điều rất bình thường. Thời điểm đó, tiết kiệm là khái niệm chưa bao giờ xuất hiện trong danh sách ưu tiên của tôi.

Chính bản thân tôi cũng không thể ngờ suy nghĩ tưởng chừng chẳng có gì quan trọng này lại khiến tôi phải sống trong sự dằn vặt suốt nhiều năm về sau.

1 - Không thể báo hiếu cha mẹ, còn để cha mẹ phải lo cho con của mình

Thời còn độc thân,có những tháng, tôi không tiêu hết số tiền lương mình kiếm được vì quá bận, nhưng việc đầu tiên tôi nghĩ tới khi thấy tiền lương tháng này còn dư là lên kế hoạch đi du lịch hoặc dồn tiền để mua túi hiệu.

Sau khi kết hôn vào năm 30 tuổi, tôi vẫn cứ hời hợt với thói quen tiết kiệm, một phần vì lương của chồng gần gấp đôi lương của tôi. Chúng tôi sống khá thoải mái với mức thu nhập khoảng 10.000 NDT/tháng (khoảng 34 triệu đồng).

Ảnh minh họa

Lấy nhau được gần 1 năm, tôi sinh con gái đầu lòng. Trong suốt thai kỳ, tôi hoàn toàn khỏe mạnh, các xét nghiệm cũng không cho thấy dấu hiệu bất thường, nhưng khi chào đời, bé lại mắc bệnh tan máu bẩm sinh.

Điều này không chỉ giáng một đòn vào tinh thần của vợ chồng tôi, mà còn khiến chúng tôi rơi vào cảnh lao đao vì thiếu tiền.

Sau khi sinh con, tôi nghỉ làm để tập trung chăm sóc con gái nhỏ. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình tôi chỉ có thể sống nhờ vào nguồn thu nhập duy nhất là lương của chồng tôi.

Khoản tiền lương 7000 NDT (khoảng 23,7 triệu đồng) của anh ấy không đủ để lo cho 2 người lớn và 1 em bé ở viện nhiều như ở nhà. Gần như tháng nào, con gái tôi cũng phải nằm viện ít nhất 10 ngày để truyền máu, hoặc điều trị các bệnh lây nhiễm vì sức đề kháng quá kém do căn bệnh bẩm sinh.

Có những tháng, chúng tôi phải muối mặt xin tiền bố mẹ 2 bên mới đủ để đóng viện phí cho con.

2 - Không dám ly hôn vì không có nhà, cũng không có tiền

Áp lực về tiền bạc khiến vợ chồng tôi cãi nhau như cơm bữa. Thành thật mà nói, đã không ít lần tôi nghĩ tới việc bỏ quách nhau đi cho xong, nhưng rồi tôi nhận ra, mình không đủ năng lực để ly hôn tại thời điểm đó.

Tôi không có nhà, cũng không có tiền. Căn nhà chúng tôi đang ở là của bố mẹ chồng. Tôi không có công việc và con tôi còn quá nhỏ, lại ốm yếu.

Đương nhiên, nếu ly hôn, anh ấy vẫn sẽ chu cấp cho con, tôi cũng có thể về nhà bố mẹ của mình để sống và "làm lại cuộc đời". Nhưng tôi lúc đó đã 32 tuổi rồi, chưa báo hiếu bố mẹ được điều gì, giờ lại bồng bế nhau về ăn bám ông bà, lòng tự trọng của tôi không cho phép.

3 - Đôi khi, tiền sẽ cho chúng ta cả sự tự do lẫn sự tự tin

Hiện tại, con gái tôi chuẩn bị vào lớp 1. Bé cũng đã khỏe mạnh hơn, có thể đi học đúng tuổi và không còn cảnh ở viện nhiều như ở nhà nữa. Tôi cũng đã đi làm lại được gần 3 năm để san sẻ gánh nặng tài chính với chồng. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua được khoảng thời gian sóng gió trong hôn nhân mà không rơi vào cảnh "tan đàn xẻ nghé".

Bước qua được quãng đời tăm tối, khó khăn ấy giúp tôi nhận ra giá trị của việc sống tiết kiệm.

Ảnh minh họa

Khi còn độc thân, tôi đã dùng hết tiền số tiền mình kiếm được để tận hưởng cuộc sống. Khi trưởng thành, tôi sống trong cảnh "muối mặt" vì phải xin tiền bố mẹ để lo cho con. Thời điểm đó, tôi thậm chí còn không dám mua một hũ kem dưỡng da cho mình vì không có tiền.

Nếu bạn còn trẻ, còn độc thân và xác định sau này, mình sẽ kết hôn và sinh con với người mình yêu, hãy coi tiết kiệm là ưu tiên số 1. Đừng đốt tiền vào những thú vui sang chảnh như tôi. Dù không ai mong con mình sinh ra sẽ đau ốm, nhưng cũng không có thể chắc chắn điều đó sẽ không xảy ra. Còn tình yêu ấy à? Nó sẽ lao đao, sẽ hao hụt dần đi khi người ta sống với nhau mà ngày nào cũng phải cũng phải lo chuyện tiền nong.

Khi bạn đã trở thành một người vợ, một người mẹ, bạn sẽ hiểu đôi khi, tiền sẽ cho chúng ta cả sự tự do lẫn tự tin trong cuộc sống. Đừng chỉ ưu tiên mỗi việc rong chơi, hưởng thụ cuộc sống khi còn độc thân, hãy ưu tiên cả thói quen tiết kiệm nữa.

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM