249 triệu USD đổ vào khu công nghệ cao Đà Nẵng
Lũy kế đến nay, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 249 triệu USD, sử dụng 34,6ha đất, trong đó có 3 dự án FDI 100% vốn Nhật Bản và 7 dự án trong nước.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng cho biết, dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có tổng mức đầu tư hơn 8.841 tỷ đồng với quy mô diện tích bao gồm Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và Khu phụ trợ là hơn 1.500 ha.
Đây là một trong 3 Khu Công nghệ cao cấp quốc gia, với vị trí và quy mô diện tích có tầm chiến lược cho sự phát triển thành phố về phía Tây Bắc để trở thành Khu đô thị Công nghệ cao của Đà Nẵng.
Lũy kế đến nay, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 249 triệu USD, sử dụng 34,6ha đất, trong đó có 3 dự án FDI 100% vốn Nhật Bản và 7 dự án trong nước. Hiện đã có 2 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản thuộc lĩnh vực cơ khí chính xác đi vào hoạt động sản xuất (van điện từ, khuôn đúc), đạt doanh thu, giá trị xuất khẩu trên 65 tỷ đồng/năm.
Năm 2018 với chủ đề trọng tâm là "Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư", Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố đặt mục tiêu thu hút trên 4 dự án với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD, trong đó thu hút đầu tư chiến lược có thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, ưu tiên phát triển công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, Ban quan lý cũng cho biết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao hiện vẫn chưa đồng bộ về hệ thống giao thông, đèn điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1... nên dẫn đến không đảm bảo an ninh trật tự của Khu Công nghệ cao.
Hiện mới chỉ có 10/18 tuyến đường nội bộ hoàn thành và bàn giao; kết nối hạ tầng giao thông giữa Khu Công nghệ cao đến trung tâm thành phố và các địa phương lân cận chưa được hoàn thiện, trong đó có tuyến xe buýt đến Khu Công nghệ cao, tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài...
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng đề nghị thành phố cho Ban làm chủ đầu tư tất cả các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Khu Công nghệ cao, chuyển lại Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao về trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao.
Đồng thời, thành phố rà soát và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn quy hoạch khu vực phía Tây thành phố với các tiện ích về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển khu vực, kết nối giao thông với Cảng Liên Chiểu, nhà ga đường sắt, tuyến đường cao tốc và các cơ sở giáo dục, y tế, trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí…; sớm triển khai xây dựng Nút giao thông khác mức tại lối vào Khu Công nghệ cao giữa tuyến La Sơn – Túy Loan và lối vào đường Trung tâm Khu Công nghệ cao.