20 công ty lớn nhất chiếm 97% tổng lợi nhuận toàn ngành thời trang
Top 20 công ty thời trang hàng đầu chiếm tới 97% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Theo nhận định của chuyên gia, lĩnh vực kinh doanh thời trang toàn cầu đang ngày càng trở nên phân cực rõ ràng.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, có thể nhận thấy rõ sự phân cực: Ở một bên là các hãng thời trang và nhà bán lẻ nhờ vào quy mô, thương hiệu, giá cả, mô hình kinh doanh hoặc tất cả những điều trên kết hợp lại tạo ra phần lớn lợi nhuận của cả ngành. Trong khi đó, một bên là rất nhiều các nhãn hiệu không mấy tên tuổi còn lại.
Mới đây, công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Company và trang tin thời trang The Business of Fashion đã đưa ra một báo cáo về tình hình thời trang năm 2019. Họ đã xem xét hơn 500 công ty thời trang trong đó có khoảng 300 công ty được niêm yết công khai, số còn lại tuy là công ty tư nhân nhưng cũng cung cấp đủ dữ liệu cần thiết như khu vực địa lý, danh mục sản phẩm và phân khúc giá.
Sau khi đánh giá tổng thể, McKinsey đã chỉ ra rằng 20% công ty hàng đầu đã tạo ra 128% tổng lợi nhuận của ngành thời trang trong năm 2017.
Một vấn đề đáng lưu ý là top cuối những công ty kinh doanh thua lỗ đã gây thiệt hại 34% lợi nhuận của ngành. Trong khi đó, chỉ riêng 20 công ty dẫn đầu đã chiếm tới 97% tổng lợi nhuận và đây là một sự tăng trường dần đều trong nhiều năm.
Tỷ lệ doanh thu của top 20 công ty hàng đầu trong ngành thời trang.
Từ bảng số liệu thống kê, có thể dễ dàng nhận thấy rằng top 20% công ty hàng đầu dường như luôn chiếm thế thượng phong trong ngành thời trang. Trong suốt gần một thập kỷ qua, họ luôn chiếm trên 60% tổng doanh thu của cả ngành, nổi bật nhất là giai đoạn 2015-2017 khi tỷ lệ đều đạt mức trên 90%.
Sự phân cực dường như càng trở nên rõ nét hơn khi số lượng các công ty thua lỗ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2017.
Theo McKinsey, một số thương hiệu thời trang thành công đáng chú ý là Inditex (Công ty mẹ của Zara), H&M, hai nhãn hiệu thể thao Nike và Adidas cùng hai tập đoàn thời trang cao cấp LVMH và Richemont. Tuy doanh thu của họ không phải lúc nào cũng đặc biệt cao so với các hãng khác nhưng họ hoạt động hiệu quả hơn và hưởng lợi thế không nhỏ từ quy mô.
Có 12 công ty đã liên tục nằm trong top 20 doanh nghiệp thời trang hàng đầu kể từ năm 2008. Những "người chơi" nổi bật thường là các thương hiệu xa xỉ, thời trang thể thao và thời trang tiện dụng. Đối với họ, đầu tư vào thương hiệu và hiệu quả hoạt động là hai động lực chính giúp củng cố sự bền vững.
Zara được đánh giá là hãng có hiệu quả hoạt động tốt còn Nike và Kering, công ty sở hữu Gucci và Balenciaga là nhà xây dựng thương hiệu đáng chú ý trong làng thời trang.
Doanh thu của 10 công ty hàng đầu trong năm 2017.
Bên cạnh đó, báo cáo của McKinsey còn chỉ ra một dạng phân cực khác của ngành. Các thương hiệu cao cấp và thương hiệu tập trung vào giá trị sản phẩm đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong khi đó, những nhà sản xuất tầm trung phải chật vật cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại.
Tất nhiên, ngoài những cái tên nổi bật, còn rất nhiều nhãn hiệu không mấy tên tuổi khác góp phần tạo ra doanh thu cho ngành thời trang dù khá khiêm tốn.