Làm gì để tránh sập bẫy khuyến mãi ảo dịp Online Friday 2018?

07/12/2018 09:46 AM | Kinh doanh

Để tránh sập bẫy khuyến mãi ảo dịp Online Friday 2018, người tiêu dùng cần lưu ý so sánh giá giữa các nơi bán, lựa chọn đơn vị uy tín, chọn kênh thanh toán phù hợp…

Online Friday 2018 – sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm do Bộ Công Thương tổ chức thường niên dưới sự chỉ đạo của Chính phủ chính thức diễn ra tại website https://onlinefriday.vn ngày 7/12/2018.

Theo Ban tổ chức, Online Friday 2018 có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia với 5.000 mã sản phẩm giảm giá.

Tuy nhiên, trong cơn bão khuyến mãi đến từ các doanh nghiệp, sẽ có rất nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh trong nước ồ ạt ăn theo để tung khuyến mãi, thu hút người tiêu dùng.

Do đó, người tiêu dùng vẫn cần lưu ý những nguyên tắc tối thiểu để đảm bảo không bị sập bẫy khuyến mãi ảo, khuyến mãi gian dối, bị lừa mua hàng bởi các thông tin dụ dỗ, lừa dối, chế độ bảo hành không như cam kết... đến từ những đơn vị kinh doanh thiếu uy tín.

Trước hết, khi đã xác định được mặt hàng cần mua, người tiêu dùng cần truy cập vào các trang so sánh giá như Topgia.vn, Websosanh.vn… để biết được mức giá mới nhất của cùng một sản phẩm đang được bán trên thị trường.

Sau đó, người tiêu dùng cần gọi điện trực tiếp tới địa chỉ bán hàng, gặp nhân viên bán hàng để hỏi kỹ về giá cuối cùng cũng như các khuyến mãi đi kèm. Lý do là hiện nay nhiều doanh nghiệp thường để giá bán trên website không phải là giá bán cuối cùng tốt nhất.

Khi đã lựa chọn được địa chỉ có giá bán tốt nhất, cần kiểm tra thêm đó có phải là địa chỉ uy tín, có thương hiệu hay không.

Lựa chọn tìm hiểu kỹ về cửa hàng, đơn vị kinh doanh uy tín rất quan trọng để có thể hạn chế việc quyền lợi bị xâm phạm về sau (như sản phẩm chất lượng kém không đúng với quảng cáo, không được bảo hành, bị doanh nghiệp phủi trách nhiệm ngay sau khi hàng được bán ra).

Nếu cẩn thận hơn (nhất là khi mua những mặt hàng giá trị lớn), cần tìm hiểu các công cụ hỗ trợ nếu có tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch như email, điện thoại của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương…

Khi tiến hành thanh toán, nếu chưa tin tưởng vào doanh nghiệp bán hàng, người tiêu dùng có thể lựa chọn hình thức trả tiền sau khi nhận hàng (COD), không thanh toán ngay qua kênh online để tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn chụp giật giao hàng kém chất lượng, sản phẩm không đúng với mặt hàng đã đặt mua. Khi nhận được cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thanh toán để đảm bảo không gặp phải rủi ro.

Bên cạnh đó, giữa cơn bão khuyến mãi hấp dẫn đang đổ bộ ngày Online Friday, người tiêu dùng nên tính toán để mua sắm thông minh hơn, cần tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thực sự cần thiết, thay vì mạnh tay chi tiền chỉ vì sản phẩm được giảm giá.

Theo Phương Hoàng

Từ khóa:  online friday
Cùng chuyên mục
XEM