2 nữ tu, một người sống tới 98 tuổi, còn một người chỉ sống tới 59 tuổi, nhà tâm lý học nói điểm khác biệt chỉ nằm ở vài chữ

23/03/2020 09:16 AM | Sống

Cuộc sống tốt đẹp đến từ việc duy trì thái độ tích cực và lạc quan mỗi ngày, tìm ra lợi thế của riêng bạn và nỗ lực hết mình, sau đó học cách tăng thêm sức mạnh, kiến thức và vẻ đẹp cho bản thân, học cách trân trọng hạnh phúc xung quanh và kết bạn, đồng thời hãy luôn là một người lương thiện, bạn sẽ luôn được hạnh phúc bao quanh.

Một nhà tâm lý học ở Hoa Kỳ đã nghiên cứu lối sống của 180 nữ tu trong một tu viện. Kết quả phát hiện ra, một nữ tu tên là Oppen sống đến 98 tuổi, sức khỏe vẫn rất tốt, hầu như không có bệnh tật; một nữ tu khác tên là Danali lại chết vì đột quỵ ở tuổi 59.

Hai nữ tu này ăn cùng một loại thức ăn, không có thói quen hút thuốc và uống rượu, họ có tiền sử sinh con và kết hôn tương tự, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, và có cùng tình trạng y tế, nhưng tại sao lại có sự khác biệt lớn về sức khỏe như vậy?

Các nhà tâm lý học đã xem qua cuốn tự truyện của họ, và thấy rằng người nữ tu sống lâu thường sử dụng các từ ngữ như "rất vui vẻ" và "mong chờ đầy hạnh phúc" để bày tỏ cảm xúc của mình. Ngược lại, rất khó để thấy được những từ ngữ mang hàm nghĩa tích cực trong hồ sơ của người nữ tu còn lại.

Khám phá này đã khơi dậy sự tò mò của các nhà tâm lý học, họ bắt đầu một cuộc điều tra về cuốn tự truyện của 178 nữ tu khác. Các nhà tâm lý học không được biết về tuổi thọ của các nữ tu này, chỉ phán đoán dựa trên những ghi chép của họ.

Kết quả cuối cùng khiến mọi người rất kinh ngạc. Dữ liệu cho thấy 90% nữ tu luôn cảm thấy hạnh phúc có tuổi thọ hơn 85 tuổi vẫn còn sống, trong khi chỉ có 34% nữ tu luôn cảm thấy không hạnh phúc vẫn còn sống. Tương tự, 34% nữ tu hạnh phúc vẫn còn sống ở tuổi 94, trong khi chỉ có 11% nữ tu luôn cảm thấy buồn bã, đau khổ vẫn còn sống. Dường như tuổi thọ có liên quan mật thiết đến hạnh phúc, nhưng nhiều người không chú ý đến nó.

Vì lý do này, Martin Seligman, cha đẻ của tâm lý học tích cực của Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu về chủ đề "hạnh phúc", hy vọng chia sẻ cho nhiều người biết hạnh phúc thực sự là gì.

2 nữ tu, một người sống tới 98 tuổi, còn một người chỉ sống tới 59 tuổi, nhà tâm lý học nói điểm khác biệt chỉ nằm ở vài chữ - Ảnh 1.

1. Hạnh phúc không phải mỹ tửu hay xe sang, hạnh phúc phải tới từ sự nỗ lực

Nhiều người cho rằng hạnh phúc là kiếm được nhiều tiền, chạy xe sang, uống rượu ngon và sống trong một ngôi nhà lớn, tất nhiên, những điều này sẽ mang lại cho mọi người cảm giác vui vẻ, nhưng đây không phải là hạnh phúc thực sự. Bởi vì những trải nghiệm kích thích dopamine này sẽ chỉ mang lại hạnh phúc ngắn hạn chứ không mang lại hạnh phúc lâu dài. Có những người sở hữu tài sản hàng tỷ đồng, nhưng trái tim họ vẫn trống rỗng, họ không cảm thấy hạnh phúc.

Hai hôm trước tôi có nói chuyện với một người bạn, cậu ấy nói bạn cùng phòng thời đại học của mình là con ông cháu cha, dù cả đời này không cần đi làm thì tiền cũng tiêu không hết, ngay từ lúc đẻ ra đã có xuất phát điểm cao hơn người khác. Trong thời gian học, trong khi các bạn học khác không nỡ bỏ tiền ra đi du lịch thì cậu bạn đó đã đi đó đi đây, bay đủ các nước, ngồi máy bay đều là hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao. Nhưng, không ai ngờ rằng, một người có cuộc sống đáng ngưỡng mộ như cậu ấy lại mắc bệnh trầm cảm.

Có người nói, thế hệ thứ nhất giàu có hạnh phúc hơn con cái của họ rất nhiều, bởi lẽ họ thông qua nỗ lực của mình để có được tiền tài, thứ họ thu lại được không chỉ là sự giàu có mà còn là sự rèn luyện, sự phấn đấu để từ đó cảm thấy biết ơn và trân trọng những gì mình đang có. Còn những con ông cháu cha sinh ra là đã ăn mặc thừa thãi, không có tư tưởng đi phấn đấu, càng không phải trải qua khó khăn, cộng thêm với việc không vượt qua cái bóng thành công của cha mẹ, chỉ có thể thừa kế gia nghiệp, rất khó có thể tự mình nắm bắt được vận mệnh của mình.

Nhà tâm lý học nói với chúng ta: Khi bạn sử dụng ưu thế và khả năng của mình đi ứng phó với một thử thách và hoàn thành thành công một nhiệm vụ, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.

2 nữ tu, một người sống tới 98 tuổi, còn một người chỉ sống tới 59 tuổi, nhà tâm lý học nói điểm khác biệt chỉ nằm ở vài chữ - Ảnh 2.

2. Chuyện cũ theo gió bay, quá khứ cứ để nó là quá khứ

Thông thường, một người hay chán nản có thể dễ dàng rơi vào những ký ức buồn bã về những chuyện đã xảy ra, vào những lo lắng về cuộc sống tương lai, từ đó nghi ngờ về khả năng của mình. Để hạnh phúc, trước tiên bạn phải học cách buông bỏ những cảm xúc này.

Thực tế có rất nhiều người khi gặp phải khó khăn hay sống không được như ý muốn đều đổ lỗi do hoàn cảnh gia đình hay cha mẹ không có trách nhiệm...

Hoàn cảnh gia đình có ảnh hưởng lớn tới một người như vậy ư? Trên thực tế, có ảnh hưởng lớn tới một người hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân người đó. Nước Mỹ có một cặp anh em sinh đôi. Người em không có nghề nghiệp cố định, không thi đỗ đại học liền đi làm kiếm tiền, nhưng làm việc nào cũng không quá 1 năm, lí do là không hợp. Sau này, cuộc sống khốn khó tới mức tới gia đình cũng li tán, phải ở trong một chiếc xe bị bỏ đi.

Khi người khác hỏi vì sao lại lâm vào hoàn cảnh này, anh ta khóc lóc nói từ nhỏ ba mẹ đã không quan tâm, ba là một tên nát rượu, mẹ suốt ngày cờ bạc, anh ta hoàn toàn không nhận được tình thương của cha mẹ, tất cả khiến anh ta nên nông nỗi như ngày hôm nay, khiến anh ta luôn cảm thấy tự ti, làm gì cũng không tốt.

Nhưng thực tế quả thực như vậy ư? Thực ra, anh ta vẫn còn một người anh, người ta không thể nào đoán ra được ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình khi nhìn vào người anh. Người anh là một luật sự thành công, làm việc vô cùng chăm chỉ, ngay từ khi còn trẻ đã có thể tự do về tài chính, mua biệt thự, còn thành lập một câu lạc bộ những người khởi nghiệp tài năng, trở thành nhà đầu tư chính. Góc nhìn của người anh đó là, ngay từ khi còn trẻ, anh đã sống rất hạnh phúc.

Suy cho cùng, hoàn cảnh gia đình dù có sai trái, nhưng nó không hề mang tính quyết định tới cuộc đời một con người. Nếu nói khi còn nhỏ bạn không thể thay đổi, chỉ có thể chấp nhận, vậy thì sau khi trưởng thành, sống ra sao đều do bạn quyết định, không thể nào đổ hết mọi tội lỗi cho hoàn cảnh gia đình.

Bất luận là đắm chìm trong những cảm xúc trong quá khứ hay phát tiết ra bên ngoài, đều sẽ khiến cảm xúc bị phóng đại lên nhiều lần và giam cầm một người vào trong vòng luẩn quẩn. Đây là thủ phạm cho sự thiếu bình tĩnh và cảm giác thỏa mãn trong trái tim.

Cảm giác của bạn với quá khứ, bất luận là hài lòng, tự hào hay đau khổ, xấu hổ, hoàn toàn phụ thuộc vào kí ức của bạn. Phải học cách tha thứ, quên đi và biết ơn. Lòng biết ơn có thể làm tăng sự hài lòng đối với cuộc sống bởi nó phóng đại những ký ức tốt đẹp về quá khứ.

2 nữ tu, một người sống tới 98 tuổi, còn một người chỉ sống tới 59 tuổi, nhà tâm lý học nói điểm khác biệt chỉ nằm ở vài chữ - Ảnh 3.

3. Tưởng tượng về tương lai: tương lai không nhất thiết tệ như bạn nghĩ

Cứ cách vài ba hôm trên mạng lại xuất hiện một vài bài viết với tiêu đề "25 tuổi bị bạn đồng lứa bỏ lại phía sau...", "30 tuổi còn không thay đổi sẽ không còn kịp nữa..." Mỗi khi những bài viết như này xuất hiện nó sẽ lan tỏa cảm giác hoang mang, lo lắng cho bạn đọc. Kiểu hoang mang này không chỉ sản sinh sự phủ định với quá khứ mà còn khiến họ cảm thấy mong manh về tương lai. Nhưng thực tế quả thực như vậy ư? Những lo lắng này có khả năng chỉ là bởi những suy nghĩ tiêu cực trong đầu bạn đang tác oai tác quái.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, V. và T. nằm trong diện cắt giảm nhân viên, với lý do công ty cần cắt giảm đội ngũ nhân viên của mình để sống sót qua khủng hoảng. V. là một người lạc quan, cô vui vẻ nhận trợ cấp thất nghiệp từ công ty và ra về. Cuộc sống của cô vẫn như thường lệ. Cô vào các trang web tuyển dụng mỗi ngày để tìm cơ hội mới, bên cạnh đó vẫn ngày ngày xem bộ phim truyền hình mình thích, gọi điện và trò chuyện với bạn bè.

Nhưng T. thì lại khác. Sau khi bị cho nghỉ việc, ngày nào T. cũng ủ rũ chán nản, vốn dĩ là một người khá hài hước, nhưng bỗng nhiên trở nên im lặng ít nói, đến chuyện cười cũng không buồn kể nữa. Vì suốt ngày nhăn nhó ủ rũ nên cơ thể cũng trở nên thiếu sức sống.

Sự khác biệt giữa V. và T. nằm ở chỗ, V cảm thấy bị nghỉ việc cũng chỉ là chuyện nhỏ, nó chỉ là một bước ngoặt nho nhỏ trong cuộc sống, rất nhanh rồi sẽ qua. Nhưng T. thì lại cảm thấy như trời đang sập xuống, cho rằng mình sau này không còn đủ năng lực đi kiếm việc mới nữa, vì vậy, tâm lý cứ mắc kẹt ở đó, không thoát ra được.

Vậy phải làm sao để thay đổi tâm thái này? Bạn có thể thử đóng các vai khác nhau và nói chuyện với chính mình như một diễn viên. Ví dụ, khi có một giọng nói trong đầu rằng: "Trình độ của bạn quá tệ, bạn hoàn toàn không thể làm được công việc này!", lúc này, bạn phải buộc mình phải bác bỏ nó: "Tôi đã từng xếp hạng đầu trong ba tháng liên tiếp, tôi có thể thử!", đừng bao giờ để suy nghĩ bi quan trong lòng đánh bại bạn!

Cuộc sống tốt đẹp đến từ việc duy trì thái độ tích cực và lạc quan mỗi ngày, tìm ra lợi thế của riêng bạn và nỗ lực hết mình, sau đó học cách tăng thêm sức mạnh, kiến thức và vẻ đẹp cho bản thân, học cách trân trọng hạnh phúc xung quanh và kết bạn, đồng thời hãy luôn là một người lương thiện, bạn sẽ luôn được hạnh phúc bao quanh.

Róse

Cùng chuyên mục
XEM