2 năm sau khi Evergrande vỡ nợ, ông Hứa Gia Ấn chính thức không còn là tỷ phú đôla, tài sản đã bốc hơi 98%

25/10/2023 14:25 PM | Kinh doanh

Từ ông trùm bất động sản, chủ tịch Evergrande nguy cơ trắng tay ở tuổi xế chiều.

2 năm sau khi Evergrande vỡ nợ, ông Hứa Gia Ấn chính thức không còn là tỷ phú đôla, tài sản đã bốc hơi 98% - Ảnh 1.

Theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) - Chủ tịch hãng bất động sản China Evergrande Group hiện chỉ còn 979 triệu USD. Nguyên nhân là cổ phiếu hãng này đã giảm 86% kể từ khi được giao dịch trở lại cuối tháng 8.

Đáng nói, ông Hui từng là người giàu nhì Trung Quốc năm 2017, với 42 tỷ USD. Như vậy, tài sản của ông hiện đã giảm tới 98%.

Ông còn đang bị giới chức Trung Quốc điều tra vì "tình nghi có các hành vi phạm pháp", theo thông báo của Evergrande cuối tháng trước. Đây là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc buộc Hui chịu trách nhiệm về tình hình tài chính của Evergrande.

Ông Hui sinh năm 1958 tại một thị trấn nông thôn ở Hà Nam, Trung Quốc. Cũng như nhiều tỷ phú nước này, sự nghiệp của ông phản ánh quá trình chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc từ thập niên 80.

Hui từng phải lái máy kéo và làm việc trong nhà máy xi măng trước khi vào học tại Học viện Gang thép Vũ Hán. Sau khi tốt nghiệp và làm việc một thời gian tại Công ty Sắt thép Wuyang, ông thành lập Evergrande năm 1996.

Quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc giúp Evergrande tăng trưởng chóng mặt. Suốt vài thập kỷ, họ mạnh tay đi vay và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như xe điện, thể thao.

Câu chuyện cuộc đời của ông Hui, từ một cậu bé nghèo khó trở thành ông trùm bất động sản, từng được coi là biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Người dân đổ xô đi mua các căn hộ của Evergrande, thậm chí nhiều năm trước khi chúng hoàn thiện. Thời kỳ đỉnh cao nhất, tập đoàn này bội thu nhờ giá nhà tăng vọt.

Rắc rối chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 2020 - thời điểm thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt sau chiến dịch giảm tốc tăng trưởng. Các biện pháp hạn chế do COVID-19 cũng khiến những người có ý định mua nhà trở nên lo sợ.

Tuy nhiên, đến năm 2021, Evergrande và các hãng địa ốc khác tại Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Nguyên nhân được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản.

Từng là hãng bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande giờ chỉ được biết đến là công ty nặng nợ nhất thế giới, với hơn 300 tỷ USD. Năm 2021, Hui từng bị giới chức Trung Quốc thúc giục bỏ tiền túi để trả nợ cho công ty.

Ông đã phải bán cổ phiếu công ty và tài sản cá nhân, trong đó có cả tác phẩm nghệ thuật, thư pháp, khi chính phủ Trung Quốc từ chối cứu trợ Evergrande. Năm ngoái, Hui được cho là bán thêm biệt thự trị giá hơn 200 triệu USD tại London (Anh).

Việc chủ tịch bị điều tra khiến kế hoạch tái cấu trúc của Evergrande càng thêm bế tắc. Nếu không thể tái cấu trúc nợ, Evergrande có thể bị buộc thanh lý tài sản. Ngày 30/10, một tòa án tại Hong Kong sẽ đưa ra quyết định về việc này.

“Evergrande gặp rắc rối chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nói chung”, giáo sư Lan Deng thuộc Đại học Michigan, một người nghiên cứu về ngành địa ốc Trung Quốc, nhận định. “Không chỉ các ngân hàng, nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nếu xét tới việc nền kinh tế nước này có mối ràng buộc sâu sắc như thế nào với ngành bất động sản”.

Các kết quả kinh doanh bị trì hoãn từ lâu cuối cùng cũng được tiết lộ vào tháng 7/2023. Evergrande công bố khoản lỗ tổng cộng 81 tỷ USD cho năm 2021 và 2022. Doanh thu của tập đoàn giảm một nửa vào năm 2021 xuống còn khoảng 250 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD) và tiếp tục giảm một lần nữa vào năm 2022 xuống còn 230 tỷ nhân dân tệ.

“Các nhà phát triển như Evergrande đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ kế hoạch bán nhà trước khi hoàn thiện. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Điều chính phủ cần làm không phải giúp các công ty hay tỷ phú có đòn bẩy tài chính cao, mà là hướng lĩnh vực này đi theo một con đường tăng trưởng hợp lý”, Gan Li - giáo sư Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam, nói.

Theo: BI

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM