2 lá phổi của nam phi công người Anh đông đặc, dễ trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi

10/05/2020 10:20 AM | Xã hội

Theo BV Bệnh Nhiệt đới cho biết việc thở máy đối với nam phi công người Anh (BN91) đã không còn hiệu quả. 2 lá phổi đều rơi vào tình trạng đông đặc, nếu tiếp tục kéo dài sẽ khiến cơ quan này dễ trở thành "ổ dịch" cho vi khuẩn sinh sôi trong cơ thể bệnh nhân.

Sáng 10/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết nam phi công người Anh được điều trị tại Khoa Nhiễm D vẫn trong tình trạng nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục dẫn lưu, lọc máu, tiên lượng còn rất nặng.

Đến nay, đây được xem là ca bệnh nặng nhất đang được điều trị tại Việt Nam, trải qua hơn 50 ngày điều trị vẫn chưa có tiến triển, nam phi công vẫn phụ thuộc vào ECMO.

Đặc biệt, theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết nếu trước đó bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, thì bây giờ cả hai phổi đều rơi vào tình trạng này.

2 lá phổi của nam phi công người Anh đông đặc, dễ trở thành ổ dịch để vi khuẩn sinh sôi - Ảnh 1.

Nam bệnh nhân 91 đang điều trị tại Khoa Nhiễm D của bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, ca bệnh 271 còn lại của TP.HCM tại BV Dã chiến Củ Chi có sức khỏe ổn định.

Việc cả 2 lá phổi đều đông đặc, nếu tiếp tục kéo dài sẽ khiến phổi trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong cơ thể bệnh nhân. Trước đó, trong cuộc họp chuyên môn chiều 7/5 tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế tiếp tục đề nghị cân nhắc phương án ghép phổi cho bệnh nhân, với nỗ lực tìm mọi cách cứu chữa.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho biết muốn ghép phổi còn phải tùy thuộc nhiều khả năng, trước hết phải chờ hết tình trạng phổi viêm nhiễm và có nguồn phổi hiến sẵn. Theo các chuyên gia, nếu bệnh nhân 91 không được ghép phổi thì không còn biện pháp điều trị hiệu quả, đây là hy vọng cuối cùng. Dù Việt Nam đã có 3 bệnh viện thực hiện ghép phổi, nhưng báo cáo về ghép phổi ở bệnh nhân Covid còn rất ít. Ngoài ra, để ghép phổi, các bác sĩ còn phải đánh giá nhiều điều kiện toàn trạng khác.

Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã liên tục chạy ECMO hơn 1 tháng nhưng phổi còn bị đông đặc, tràn dịch phải đặt dẫn lưu. Riêng việc xét nghiệm virus SARS-COV-2, nam phi công hết âm tính rồi đến dương tính, rất khó đoán. Việc thở máy của nam phi công cũng đã không còn hiệu quả.

Dự kiến hôm nay, ngày 10/5, bệnh nhân này sẽ tiếp tục được hội chẩn liên viện để đánh giá khả năng ghép phổi.

Theo Văn Tiên

Cùng chuyên mục
XEM