"2 đau, 2 đỏ, 2 nếp gấp" trên cơ thể cảnh báo cục máu đông gây bệnh tim mạch
Cục máu đông là những khối thạch giống như máu hình thành trong động mạch và tĩnh mạch. Cục máu đông có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi và đau tim.
Theo thống kê thì trong số các bệnh về tim và mạch máu não có tới 80% trường hợp là do hình thành cục máu đông trong mạch máu.
Vậy nếu cơ thể xuất hiện cục máu đông thì triệu chứng sẽ như thế nào?
Theo Sohu, khi cục máu đông hình thành trong cơ thể, bạn thường có “2 cơn đau, 2 nếp gấp và 2 vết đỏ”, cụ thể:
Hai loại đau do cục máu đông
- Đau đầu
Đau đầu là một tình trạng rất phổ biến khi thần kinh căng thẳng, thay đổi thời tiết, chênh lệch áp suất, do cảm cúm hay cảm lạnh, viêm xoang, ... nhưng nếu cơn đau đầu xảy ra đột ngột và dữ dội mà không phải đang mắc bệnh hoặc sốt thì rất có thể cơn đau này liên quan tới sự xuất hiện của cục máu đông trong não.
Nếu cơn đau đầu kèm theo co giật, đặc biệt vào ban đêm khiến bạn tỉnh dậy, ngón tay tê cứng, cứng gốc lưỡi, yếu cơ, rối loạn nói, mất thăng bằng, mất thị lực đột ngột hoặc tê liệt mặt/nửa người,... hãy nhanh chóng di chuyển tới bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và tìm kiếm vị trí cục máu đông xuất hiện và xử trí ngay lập tức bởi đột quỵ não là trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp.
- Đau ngực
Đau ngực hay đau tức ngực đột ngột kèm theo đổ mồ hôi liên tục trong thời gian dài mà không phải do chấn thương trên 15 phút - thì hãy cẩn thận. Đau ngực do cục máu đông có thể là dấu hiệu của tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thậm chí là một cơn nhồi máu cơ tim.
Hai loại đỏ do cục máu đông
- Vệt đỏ trên da
Vệt đỏ trên da có thể là một dấu hiệu của tình trạng huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là huyết khối tĩnh mạch sâu, thường là ở chân.
Nếu bạn nhận thấy có vệt đỏ trên da xuất hiện bất thường cùng với sưng, đau hoặc cảm giác ấm nóng khi chạm vào khu vực có vệt đỏ, bạn nên tìm sự tư vấn y tế ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
- Chân tay sưng đỏ
Chân hoặc tay bị sưng đỏ, có cảm giác ấm nóng khi chạm vào là một trong những dấu hiệu cục máu đông phổ biến nhất. Điều này xảy ra do cục máu đông ngăn chặn dòng lưu thông máu (tắc nghẽn máu) tới các chi và máu đọng lại ở chân, tay gây sưng đỏ và phù nề.
Do vậy, nếu phát hiện chân hoặc tay sưng đỏ đột ngột, nhất là khi chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ bởi triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với bệnh gout hay các bệnh xương khớp khác.
Hai loại nếp gấp do cục máu đông
- Nếp gấp dái tai
Nếp gấp dái tai có thể không phải là dấu hiệu điển hình của cục máu đông. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên quan giữa nếp gấp dái tai và bệnh tim mạch.
Nếp gấp dái tái được mô tả là đóng góc khoảng 45 độ xảy ra chủ yếu ở người không được cung cấp đủ máu cho tim do xơ cứng động mạch khiến mạch máu dái tai bị đứt, gián đoạn.
- Nếp nhăn trên sống mũi
Nếp nhăn có thể hình thành do nhiều nguyên nhân như lão hóa, cử chỉ khuôn mặt hay thậm chí là do di truyền. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của cục máu đông.
Cụ thể, nếp nhăn trên sống mũi thường được tìm thấy ở người béo phì với lượng lipid trong máu cao, dễ bị xơ vữa động mạch khiến máu không thể lưu thông thuận lợi khắp cơ thể.
Điều trị cục máu đông phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh. Cục máu đông có thể được điều trị bằng thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ kèm theo xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc lá và uống rượu bia. Trong những trường hợp cần can thiệp ngay lập tức, phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ cục máu đông.
Nguồn: Sohu