2 con sinh đôi 8 tháng tuổi liên tục tự cắn lưỡi đến bị thương nặng, bố mẹ nghe chẩn đoán của bác sĩ mà bàng hoàng
Căn bệnh lạ "tự ăn thịt mình" một cách không kiểm soát chỉ có thể chữa trị bằng cách nhổ hết răng của bệnh nhân.
Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một trường hợp bệnh hi hữu vừa được bệnh viện nhi tỉnh Hà Nam tiếp nhận điều trị. Bệnh nhân là 2 bé trai song sinh mới 8 tháng tuổi. Suốt một thời gian dài, gia đình nhận thấy 2 trẻ cùng có sở thích kỳ lạ là tự cắn mình. Các bé ban đầu thích cắn môi, lưỡi, sau đó thì chuyển sang các ngón tay và nhiều phần cơ thể khác một cách không thể kiểm soát được.
Lúc đầu dù thắc mắc nhưng bố mẹ chỉ cho rằng đó là biểu hiện nghịch ngợm của trẻ nhỏ nên chỉ can thiệp mỗi khi cặp sinh đôi tự cắn mình. Tuy nhiên càng về lâu về dài, tình trạng này không hề giảm mà chỉ tăng thêm. Những vết cắn khiến 2 em bị chảy máu đau đớn nhưng chúng vẫn không dừng lại.
Đến khi con có biểu hiện bị thương, chảy máu quá nhiều, bố mẹ mới đưa tới bệnh viện để điều trị. Vì là trường hợp lạ, sau một thời gian kiểm tra và thống nhất, các bác sĩ tại bệnh viện nhi mới đưa ra kết luận khiến bố mẹ rất ngạc nhiên. Hai bé trai bị mắc một hội chứng lạ gọi là hội chứng Lesch-Nyhan, hay còn gọi là hội chứng tự hủy hoại bản thân.
Người mắc căn bệnh lạ này bị gọi là có sở thích "tự ăn thịt mình", tự cắn bản thân nhưng không thể kiểm soát được ngay cả khi thấy đau đớn. Lesch-Nyhan là một hội chứng vô cùng hiếm gặp. Tại Trung Quốc, từ trước đến nay chỉ có 200 trường hợp bệnh từng được ghi nhận mà thôi. Hiện hai bé trai đang được các bác sĩ đầu ngành điều trị tích cực để thuyên giảm bệnh tình.
Hình ảnh một số trường hợp mắc bệnh Lesch-Nyhan
Vào năm 2019, tại Dương Châu, Trung Quốc cũng từng có một trường hợp mắc bệnh "tự hủy hoại" thương tâm nổi tiếng. Một bé trai 4 tuổi đã tự cắn chính mình đến mức thiếu máu, suy thận và qua đời.
Hội chứng Lesch-Nyhan xuất hiện do một rối loạn di truyền hiếm gặp đến từ sự thiếu hụt enzym hypoxanthine-guanine phosphoribosyltransferase (HGPRT), là hậu quả do các đột biến trong một gen nằm trên nhiễm sắc thể X. Vậy nên nếu người mẹ mang gen bệnh lặn thì tỷ lệ mắc bệnh của con cũng cao.
60% bệnh nhân Lesch-Nyhan buộc phải nhổ toàn bộ răng để ngăn không cho họ tự cắn chính mình và hành hạ cơ thể. Nếu được điều trị tốt, người bệnh nhẹ có thể sống 30 đến 40 năm. Những người bệnh nặng sẽ phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn vì các chứng như khó nuốt, viêm phổi hít, suy hô hấp co thắt thanh quản hoặc suy thận.