2 chiến lược đại náo ASEAN của "đại gia bán bút" Thiên Long: "Gieo hạt giống" ở Campuchia và "nuôi bò sữa" ở Thái Lan, Philippines
Theo đại diện của Thiên Long, người tiêu dùng Thái Lan dễ thay đổi hành vi, tâm lý tiêu dùng, đánh trúng vào tâm lý thì sẽ góp phần tạo nên thành công.
Mới đây, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA, đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp để chia sẻ về việc đưa hàng Việt ra thế giới, trước thềm triển lãm tại Bangkok, nơi sẽ có sự góp mặt 10 doanh nghiệp Việt Nam như Thiên Long, Vinamilk, Vinamit, Minh Long, Cỏ May…
2 chiến lược thâm nhập thị trường ASEAN của Thiên Long
Tại buổi gặp gỡ này, đại diện công ty Thiên Long, đơn vị đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 50 quốc gia, trong đó có Thái Lan, anh Lê Nhật Quý Thiệu – Nhân viên phát triển thị trường đang làm việc tại Thái Lan, đã chia sẻ những bí quyết để đưa hàng Việt vào thị trường ASEAN nói chung và Thái Lan nói riêng.
Trong khu vực ASEAN, Thiên Long làm thị trường theo 2 “miếng đánh” khác nhau.
Thứ nhất, làm thị trường theo kiểu “gieo hạt giống”, Thiên Long đi vào những thị trường mới nổi, như Campuchia, Myanmar, đầu tư vào khi thị trường chưa phát triển để lấy thị phần, danh tiếng.
Thứ hai, đối với thị trường kiểu như “con bò sữa”, đây là những thị trường có dân số đông, mức tiêu dùng tương đối như Philippines, Thái Lan.
Trong ASEAN, còn một dạng thị trường nữa có phân khúc khá cao là Malaysia, Singapore. Tại hai quốc gia này, Thiên Long đã vào được, đó là sự khẳng định thương hiệu Thiên Long so với khu vực ASEAN.
“Thị trường hiện nay chúng tôi đang muốn phát triển và đã có những bước đi cơ bản là thị trường Indonesia, đây là thị trường tiềm năng và dân số đông nhất trong khu vực”, anh Lê Nhật Quý Thiệu cho hay.
Kết quả là năm 2016, Thiên Long đã đạt tăng trưởng tại Philippines là 122%, trong khi ở thị trường Myanmar là 49%. Ở những thị trường truyền thống như Campuchia, Lào tăng trưởng năm 2016 lần lượt đạt 34% và 50%.
Case study: Bài toán Thái Lan - Khó mà dễ!
Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các thị trường khu vực, nhất là tại Thái Lan, anh Lê Nhật Quý Thiệu chia sẻ thêm, Thái Lan là một thị trường rất cạnh tranh nhưng không phải là thị trường khó thâm nhập, mà ngược lại rất dễ vào.
“Vì người tiêu dùng Thái Lan, với bất kỳ sản phẩm nào cũng dễ thay đổi hành vì, tâm lý tiêu dùng, chỉ cần thương hiệu đó đánh trúng vào tâm lý của họ”, anh Thiệu cho biết.
Khi chưa qua Thái Lan, Thiên Long từng nghĩ đây là thị trường rất khó, nhưng qua thực tế lại khá dễ bởi sự nhạy cảm của người tiêu dùng Thái với những mặt hàng mới.
Thiên Long chọn Bangkok là “điểm đến đầu tiên” vì đây là khu vực có mức chi tiêu cao nhất, từ đó làm bàn đạp tấn công ra khu vực miền Trung, khu vực đông Bắc, khu miền Nam.
“Tôi nghĩ không riêng Thiên Long, những doanh nghiệp Việt khác muốn vào cũng nên đi theo hướng đó”, anh Thiệu nhận định.
Theo anh Thiệu, nếu doanh nghiệp Việt có sản phẩm giá trị cao ở miền Nam sẽ dễ phát triển vì đây là khu vực phát triển du lịch tốt nhất Thái Lan. Còn doanh nghiệp có sản phẩm phân khúc thấp thì nên phát triển ở khu vực Đông Bắc, vì đây là khu vực đông dân, lại giáp Lào, Campuchia và Việt Nam nên tiềm năng là không ít.
Anh Thiệu cho biết thêm, doanh nghiệp nên học ngôn ngữ bản địa để hiểu sâu hơn về thị trường cần đến.
Tựu trung lại, để tạo nên một Thiên Long tăng trưởng hàng năm ở mức 2 con số và đưa các sản phẩm của công ty tới hơn 50 quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp này đã có những chiến lược rất khôn ngoan:
Đầu tiên là chiến lược tập trung vào mảng B2B với các đối tượng: nhà sách, siêu thị, trường học và các doanh nghiệp . Đi kèm đó là các chính sách đổi trả, chăm sóc khách hàng linh hoạt.
Thứ hai, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn sức khỏe. Do đó, các sản phẩm củacông ty được sử dụng rộng rãi ở nhiều thị trường khó tính.
Cuối cùng là không đầu tư ngoài ngành. Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành như Bến Nghé, Hồng Hà tham gia vào nhiều lĩnh vực nóng trên thị trường như bất động sản , chăn nuôi… thì Thiên Long chỉ tập trung đầu tư vào các công ty con hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh: Công ty TNHH SXTM Thiên Long lo khâu sản xuất; Thiên Long Toàn Cầu lo về các hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm mới, chăm sóc khách hàng; Tân Lực (bao gồm hai công ty Tân Lực Miền Bắc và Tân Lực Miền Nam) chuyên tập trung vào bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp, bán hàng qua mạng và bán sản phẩm quảng cáo.
Với những sách lược khôn ngoan, cây bút Thiên Long đã đi đến nhiều nẻo đường mới ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long gây bất ngờ với giới đầu tư khi có mức tăng trưởng hàng năm khá ấn tượng trong nhiều năm vừa qua.
Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, tổng doanh thu của Thiên Long đều tăng trưởng trung bình 13%/năm. Từ hơn 1.200 tỷ đồng (năm 2012) đến hơn 1.600 tỷ đồng (năm 2014). Lãi ròng cũng tăng tương tự, từ hơn 100 tỷ đồng (năm 2012) đến 147 tỷ đồng (năm 2014), đạt 10% so với tổng doanh thu.
Năm 2016, TLG đạt 2.162 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14,8% so với năm trước, vượt 0,6% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 327,4 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2015. Hết năm 2016, 2 nhãn hàng FlexOffice và Colokit của Thiên Long có mặt tại hơn 50 quốc gia.
Hiện Thiên Long kinh doanh 4 nhóm sản phẩm là bút viết (bút bi Thiên Long và bút cao cấp Bizner), dụng cụ văn phòng, dụng cụ học sinh và dụng cụ mỹ thuật. Theo đó, nhóm bút viết vẫn là nhóm đóng góp doanh thu chủ lực của Thiên Long trong 3 năm qua và chiếm đến 65% thị phần bút viết trên cả nước.
Với mong muốn truyền tải nhiều hơn nữa các bài học kinh doanh hay và hữu ích, chúng tôi xin đón nhận tất cả đóng góp thông tin từ độc giả gần xa về các tấm gương điển hình trong kinh doanh, hoặc chia sẻ từ chính Doanh nghiệp có câu chuyện kinh doanh hay, cách làm độc đáo, lối tư duy sáng tạo và văn hóa kinh doanh văn minh.
Doanh nghiệp và quý độc giả có các thông tin chi tiết hoặc bài viết hay muốn chia sẻ rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email info@cafebiz.vn . Ban biên tập sẽ xác minh, chọn lựa và đăng tải các câu chuyện hay và thú vị. Rất mong sớm nhận được phản hồi từ doanh nghiệp và quý vị độc giả .