Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao?

02/02/2022 10:12 AM | Sống

Trong Tết Nguyên đán, mâm cúng hoá vàng cũng được chuẩn bị cầu kì, chu đáo không kém gì lễ cúng giao thừa hay mồng 1.

Theo truyền thống của người Việt Nam, khi Tết kết thúc, các gia đình cần sửa soạn mâm lễ để đưa tiễn ông bà, tổ tiên. Lễ cúng này được gọi là lễ hóa vàng. Thông thường ngày hóa vàng sẽ diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 10 âm lịch.

Cách chuẩn bị lễ cúng hóa vàng cũng giống như lễ cúng gia tiên, bao gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Mâm cỗ cúng hóa vàng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đầy đủ các món đặc trưng của mâm cúng ngày Tết như món xào, canh, miến...

Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao? - Ảnh 1.

Gà luộc

Gà luộc là một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ trong những dịp lễ cúng của người Việt. Để tránh sát sinh vào dịp đầu năm, nhiều gia đình cẩn thận chuẩn bị gà được cắt tiết và làm sạch từ đêm 30 cho mâm cúng các ngày. Đặc biệt lưu ý, gà luộc trong mâm cúng phải là gà trống to, chắc, có đôi chân đẹp.

Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao? - Ảnh 2.

Bánh chưng, bánh tét

Điều quan trọng nhất không thể nào thiếu trong mâm cỗ dịp Tết của người Việt đó chính là bánh chưng/bánh tét. Độ dẻo của hạt gạo nếp hòa quyện với phần thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ, ăn cùng với nhân đậu xanh được xem là hình ảnh đại diện cho cả dịp Tết âm lịch. Dù ở đâu đi chăng nữa, bánh chưng/bánh tét chính là linh hồn không thể thiếu trong dịp đầu xuân như thế này.

Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao? - Ảnh 3.

Canh bóng/mọc, canh khổ qua

Nếu canh bóng/mọc là đặc sản của miền Bắc vào dịp năm mới thì canh khổ qua nhồi thịt là đặc sản của miền Trung và miền Nam. Canh bóng/mọc của người miền Bắc thường ninh cùng rau củ, nấm hương để tăng thêm vị ngọt cho bát canh nóng hổi, phù hợp với tiết trời se lạnh của mùa xuân. Còn món canh khổ qua mang ý nghĩa ăn xong thì "mọi nỗi khổ đau của năm cũ sẽ qua đi", chào đón một năm mới tốt lành hơn.

Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao? - Ảnh 4.

Nem rán

Một trong những món ăn không thể thiếu nữa trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt chắc chắn phải kể đến món nem rán, hoặc nét biến hóa mới lạ là món chả giò. Lớp bánh tráng bên ngoài giòn rụm, vàng ươm gói phần nhân từ thịt heo, miến, mộc nhĩ, su hào... quả là kiệt tác của nền ẩm thực Việt.

Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao? - Ảnh 5.

Nộm su hào cà rốt

Dùng nguyên liệu đơn giản mà lại có tác dụng giảm bớt độ ngấy của các món như nem rán, thịt quay, cũng như kích thích vị giác đủ mặn, ngọt, chua, cay, món nộm su hào cà rốt chắc chắn là món ăn điểm xuyết không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết rồi. 

Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao? - Ảnh 6.

Văn khấn lễ hoá vàng

Bài khấn theo "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" - NXB Văn hoá Thông tin

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần).

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch tôn thần.

Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mùng ..., tháng Giêng, năm Tân Sửu.

Chúng con là: ..., tuổi: …

Hiện cư ngụ tại: …

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.

Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.

Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

Mâm cúng hóa vàng Tết Nhâm Dần gồm những gì, văn khấn ra sao? - Ảnh 7.

Sau khi cúng xong, gia chủ có thể hóa vàng để thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Có 2 điều lưu ý khi hóa vàng:

- Hóa của gia thần trước, hóa phần vàng mã của tổ tiên sau.

- Hóa phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm cuối cùng.

Đốt vàng mã xong xuôi, cả gia đình tề tựu dùng bữa cơm thân mật, kết thúc những ngày Tết.


Tiên Yên

Cùng chuyên mục
XEM