193 cử nhân mua bằng 'chui' của ĐH Đông Đô xử lý thế nào?
Những người biết không tuyển sinh, không đào tạo nhưng lại được cấp bằng thì những người này nhận và sử dụng bằng cấp giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại ĐH Đông Đô, đường dây cấp văn bằng 2 ngôn ngữ Anh 'chui' tại Trường ĐH Đông Đô đã 'vươn vòi' đến nhiều tỉnh thành để liên kết các cơ sở đào tạo và cấp 193 bằng cử nhân giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo…
Vậy, dư luận đang đặt ra câu hỏi, trường ĐH Đông Đô cấp 'chui' 193 bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh - Vậy người mua bằng gian dối bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV về vụ việc nêu trên, luật sư Hoàng Tùng - (Trưởng VPLS Trung Hòa – Hà Nội) cho biết, hành cấp bằng chui của các bị can trong vụ việc tại đại học Đông Đô thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật.
Các đối tượng cấp bằng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Các bị can Hòa, Quang, Thùy (từ trái qua) - Ảnh: CA cung cấp. |
Còn đối với những “cử nhân” được cấp bằng giả trong vụ việc của đại học Đông Đô thì về mặt pháp lý, bằng cấp mà những người này nhận được không có giá trị. Vì vậy, họ không phải là cử nhân hệ văn bằng 2 theo quy định của pháp luật.
Những cá nhân được cấp văn bằng 2 nhưng không qua tuyển sinh, đào tạo này đang cầm bằng giả và có người đang sử dụng tấm bằng này. Việc biết rõ bản thân không tham gia tuyển sinh, không được đào tạo, mua bằng cấp, sử dụng bằng cấp giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư, căn cứ khoản 3, khoản 5 điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Điều 16: Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
Trường hợp không chỉ sử dụng đơn thuần bằng giả nêu trên, những người có bằng giả lại dùng bằng giả đó để thực hiện những hành vi trái pháp luật thì có thể phải chịu TNHS về Tội sử dụng giấy tờ giả (quy định tại Điều 341BLHS)
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.