10 năm nữa, xu hướng mua sắm tại các siêu thị như BigC, Coop Mart, Lotte Mart sẽ ra sao?
Kênh siêu thị và đại siêu thị tại Việt Nam với sự tham gia của các công ty lớn trong và ngoài nước đang rất sôi động. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm nữa, lượng hàng hóa tiêu thụ qua kênh ngày được dự báo sẽ đi ngang.
Trong một cuộc gặp gỡ gần đây, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kantar Worldpanel, đã đưa ra những con số cho thấy kênh siêu thị, đại siêu thị có xu hướng đi ngang trong tương lai.
Cụ thể, năm 2007, theo Kantar Worldpanel, lượng hàng hóa tiêu thụ qua kênh siêu thị, đại siêu thị như BigC, Coop Mart, Lotte Mart là 10% thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên 12,8%.
Nhưng theo dự đoán của Kantar Worldpanel, đến năm 2025, lượng hàng hóa phân phối qua kênh siêu thị như BigC, Coop Mart, Lotte Mart, Emart sẽ chiếm khoảng 12%, giảm 0,8% so với hiện tại.
Siêu thị vẫn là điểm đến của nhiều gia đình
“Tôi thích đi siêu thị vì sản phẩm rất đa dạng, có nhiều sự lựa chọn”, chị Bình ở quận Gò Vấp, TP HCM, chia sẻ với chúng tôi. Cứ cuối tuần, chị và cậu con trai lại chọn siêu thị gần nhà để mua sắm đồ, có khi là tích đồ cho cả tuần.
“Tôi thích đến siêu thị vì nhiều chương trình giảm giá mà có khi tại các cửa hàng tạp hóa, tôi không biết đến chương trình đó”, bà nội trợ tên Nga, tại quận Bình Tân, TP HCM, nói với chúng tôi.
Còn chị Trang ở quận 12 cho biết hàng tuần vẫn qua siêu thị ở Gò Vấp để mua sắm. Mỗi lần đi chị mang theo cả con và cho chúng tham gia các trò chơi, rồi các con của chị ăn uống luôn tại đó luôn.
Vì những lý do như mặt hàng đa dạng, chương trình khuyến mại nhiều, tổ hợp các dịch vụ, nhiều gia đình vẫn chọn kênh siêu thị là điểm đến mua sắm. Và theo Kantar Worldpanel, kênh này chiếm khoảng 12,8% lượng hàng hóa phân phối trong thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2016.
Tuy nhiên, xu hướng lựa chọn kênh siêu thị sẽ đi ngang trong tương lai
Trong thời gian gần đây, người ta chứng kiến rất nhiều đại gia cả trong nước và ngoài nước tham gia vào bán lẻ. Các mô hình như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên như nấm khiến khách hàng của các kênh bán lẻ phải chia ra.
Cuộc sống ngày càng bận rộn, người ta chọn những chỗ gần, thay vì phải đến siêu thị để tiết kiệm thời gian. Người Việt Nam sử dụng xe máy nhiều, và câu chuyện gửi xe máy để vào siêu thị có thể cản bước nhiều người bước chân vào siêu thị và chọn một địa điểm nào đó tiện lợi hơn. Đa phần, người khách hàng sẽ phải xếp hàng để chờ thanh toán, đây cũng là một trở ngại vì người mua phải mất thời gian chờ đợi.
Bên cạnh đó, các cửa hàng tạp hóa cũng thay đổi nhiều kể từ việc sắp xếp đến nhân sự để phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường. Đó là lý do tại sao, nhiều người vẫn chọn đại lý gần nhà để mua cho tiện.
Với nhiều người, đồ của siêu thị luôn đắt hơn ở ngoài, dù có đồ đắt hơn, đồ rẻ hơn. Thế nên, chỉ khi nào có nhiều tiền và tinh thần thoải mái, muốn mua sắm họ mới tới siêu thị.
Thêm vào đó, việc lựa chọn địa điểm để mở một siêu thị không hề đơn giản. Một địa điểm đủ rộng, đủ mật độ dân cư, giá cả phải chăng đang là bài toán rất khó đối với các doanh nghiệp đang muốn mở rộng chuỗi siêu thị hoặc lấn sân vào lĩnh vực này.