10 chuyện ngược đời trong cách dạy trẻ ở Việt Nam

03/02/2017 15:47 PM | Sống

Một bản liệt kê 10 vấn đề “ngược đời và trái khoáy trong cách thức dạy trẻ ở gia đình, trong trường học và ngoài xã hội ở nước ta đang được nhiều phụ huynh quan tâm.


Giáo dục ở Việt Nam cả ở gia đình, trong trường học và ngoài xã hội có những điều ngược đời... (Ảnh chỉ mang tính minh họa - Đinh Quang Tuấn)​

"Giáo dục ở Việt Nam cả ở gia đình, trong trường học và ngoài xã hội có những điều ngược đời..." (Ảnh chỉ mang tính minh họa - Đinh Quang Tuấn)​

Ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ một số cơ sở đào tạo giáo dục cho trẻ em ở Hà Nội nhìn nhận:

1. Dạy trẻ theo cách dạy... thú cưng

Chúng ta bắt con cá phải biết leo cây và con khỉ phải biết bơi dưới nước.

Con nhà người ta học được hoặc học giỏi cái gì thì mình cũng muốn, thậm chí bắt con mình làm được điều đó.

2. Phục vụ con một cách mù quáng

Truyền hình ngày 30 tết đăng chuyện một người cha lớn tuổi từ Nam Định lên Hà Nội làm thuê vất vả đến mức quên cả Tết để kiếm tiền nuôi con đang học... đại học.

Mà không phải cậu con trai đi làm tự nuôi mình chứ chưa nói tới chuyện nuôi cha.

Chuyện cha mẹ không chịu để cho con mình lớn là căn bệnh trầm kha của xã hội ta.

Nhiều cha mẹ coi việc phục vụ hay làm hộ con một cách mù quáng này là một niềm vui hay trách nhiệm hay đơn thuần là sự quan tâm hay bù đắp gì đó. Thật là sai lầm ngoài sức tưởng tượng.

Những đứa trẻ của chúng ta lớn lên hoặc là những cây tầm gửi và cây leo, hoặc là những chiếc ly thủy tinh có thể rơi và vỡ nát bất kỳ lúc nào.

3. Không để cho trẻ ra ngoài khi trời mưa hoặc rét

Các trường học và cha mẹ có một phản ứng gần như tự động là không cho học sinh ra ngoài khi thời tiết không thuận lợi và hủy các chuyến đi học tập dã ngoại của trẻ em.

Người Nhật Bản , trái lại, coi đây là cơ hội để rèn cho trẻ sự cứng cỏi và khả năng thích nghi. Thậm chí họ còn đưa trẻ đi học khi chúng ốm để chúng quên việc bị ốm đi và nhanh chóng hồi phục. Tất nhiên ốm nặng hay bệnh truyền nhiễm là ngoại lệ.

4. Nuôi con cho... béo

Nuôi con cho béo mới là khỏe mạnh là một trong những cách tiếp cận dinh dưỡng và giáo dục thể chất sai lầm nhất của các cha mẹ Việt Nam.

Trẻ em không cần béo hay thậm chí không được phép béo. Đó là nguyên tắc mà chúng ta vô tư vi phạm và dẫn tới việc chúng ta xâm phạm và xâm hại cuộc đời của tụi nhỏ.

Ở Pháp, người ta có thể tước quyền nuôi con (ở tuổi ấu thơ ) của cha mẹ nếu họ để cho con mình thừa cân quá mức quy định. Rõ ràng họ muốn cảnh báo cho cha mẹ là thừa cân là một căn bệnh nghiêm trọng.

Trẻ con cần vận động hơn là cần ăn.

Vận động, tôi xin nhấn mạnh, mới là thứ cần nhất cho một đứa trẻ. Cả vận động về cơ bắp và vận động về não bộ.


Trẻ con cần vận động hơn là cần ăn

"Trẻ con cần vận động hơn là cần ăn"

5. Học giỏi là tất cả

Học giỏi là tốt nhưng chỉ biết học hoặc chỉ biết học giỏi thôi thì... cực xấu.

Thật khó cho chúng ta tìm ra được các cô cậu học trò học giỏi mà chơi giỏi (nghệ thuật và thể thao) và năng động (về vận động và xã hội ), chứ chưa nói tới biết làm... việc nhà.

Con chỉ cần học giỏi thôi, còn lại tất cả việc nhà là do cha mẹ hoặc người giúp việc làm là suy nghĩ kỳ quặc của cha mẹ Việt chúng ta.

Chúng ta đang đào tạo ra những con gà công nghiệp và những con robot và cả các chiến binh thi cử. Không hơn không kém.

6. Phê bình trước toàn trường

Là sự xâm phạm tới cả tính riêng tư của cá nhân và sự xúc phạm tới nhân phẩm của một con người.

Cha mẹ, giáo viên và nhà trường phán xét về một đứa trẻ và dạy cho nó phán xét nhau.

Tôi cực lực phản đối việc này vì sự thiếu nhân văn của nó.

7. Không biết dùng nhà vệ sinh

Nghe thì có vẻ buồn cười đó, nhưng cả học sinh và trẻ nhỏ và cả người lớn Việt Nam chúng ta không biết sử dụng... nhà vệ sinh đúng cách.

Không biết xếp hàng khi đi vệ sinh công cộng.

Không giữ vệ sinh chung (xả nước và lật nắp ngồi khi đi tiểu - với học sinh nam...).

Nhiều bé gái và học sinh nữ khi vào nhà vệ sinh không chốt cửa và bật đèn.

Rửa tay làm vung vãi nước...

8. Giỏi Toán là có tư duy sáng tạo

Toán học dĩ nhiên là quan trọng và tất cả mọi con người đều phải học và nắm chắc những điều căn bản của nó, nhưng việc cho rằng trẻ con phải học Toán giỏi làm nền móng cho các môn học khác và giúp cho trẻ con trở nên sáng tạo là rất ngây thơ và ngây ngô.

Sáng tạo và tư duy của nó có thể đạt được qua bất kỳ hoạt động nào, từ học thuật cho tới vận động và nghệ thuật. Thậm chí là hoạt động xã hội.

Toán học là thơ ca của tư duy (lời của Albert Einstein), tức là nó rất đẹp. Học toán chỉ cần thấy nó đẹp là được rồi, bất kể đẹp theo cách nào. Không cần phải giải toán giỏi làm gì.

9. Học giỏi là để ấm thân mình

Đó là sự ích kỷ tai hại mà chúng ta tạo ra cho các thế hệ con cái của mình qua bao năm qua. Chúng ta khuyến khích đứa con của mình trở thành một cái cây đơn lẻ vươn lên tìm ánh nắng chỉ cho mình.

Tinh thần và ý thức cộng đồng của chúng ta vì thế mà là con số KHÔNG. Tranh giành nhau đường đi hay khoảng trống trên đường giao thông, hay tranh cướp nhau trong các lễ hội là những biểu hiện sinh động cho điều này.


Con ngoan trò giỏi là khái niệm đã trở nên lỗi thời? (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

"Con ngoan trò giỏi là khái niệm đã trở nên lỗi thời"? (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

10. Con cái là trang sức của cha mẹ

Làm con ngoan trò giỏi (khái niệm đã trở nên lỗi thời về cả định nghĩa, cách tiếp cận và thực hành) mang một sứ mệnh cao cả là làm đẹp mặt cha mẹ.

Cha mẹ suy nghĩ như vậy và lấy quyền làm cha mẹ của mình yêu cầu các con phải làm điều đó. Biết bao đứa con đáng thương bị cha mẹ bắt tham gia vào các cuộc đua làm thiên tài từ bé và trong suốt quá trình học phổ thông của mình.

Thành tích, giải thưởng mà trẻ đạt được qua các cuộc đua đường trường và đường dài có một vai trò rất lớn là làm cho cha mẹ thấy tự hào và để khoe, như là một thứ trang sức chính hiệu...".

Góc nhìn của anh Nguyễn Tuấn Hải được nhiều người hưởng ứng.

Nối dài danh sách này, chị Nguyễn Hương có ý kiến phản đối quan niệm “nét chữ là nết người”. Theo chị Hương, “Việc bắt trẻ con nắn nót từng điểm đặt bút rồi nét này nọ không làm nó lớn lên nhân cách tốt hơn những đứa chữ không đẹp”.

Một facebooker là Co Jane đưa ra một vấn đề nan giải nữa là học văn mẫu. Theo chị, đây là cách học vừa làm thui chột khả năng sáng tạo, tính cá nhân hóa, sự đa dạng trong ý tưởng, óc phản biện.

“Tai hại hơn là khi trưởng thành nếu cá nhân đó vẫn tiếp tục đi học đi làm trong môi trường với hệ tư tưởng 'xuyên suốt' đó thì họ sẽ không dám bày tỏ chính kiến, sự bất bình với những điều bất hợp lý”.

Còn chị Bùi Vũ Quỳnh Anh cho rằng “Yêu cầu con trẻ nhận sai trong khi bản thân lại kiệm lời xin lỗi (hay làm một đằng, dạy một nẻo)” cũng là một vấn đề cần cảnh báo.

“Việc này diễn ra trong cuộc sống hàng ngày như bố mẹ nói xấu cô giáo nhưng lại "đi tiền" cô. Lớp học dự giờ "đột xuất" nhưng lại được tập dượt trước. Dạy con phải thương người nhưng cư xử tồi với người khác...”…

Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh cho rằng, đó là những "phác thảo" về các khía cạnh cực đoan - và tác giả có cách sử dụng từ ngữ "mạnh". Trong thực tế, vấn đề nào cũng có hai mặt. Phụ huynh tỉnh táo và điềm tĩnh sẽ biết cách lựa chọn những gì phù hợp nhất với con em mình.

Theo Phương Chi

Cùng chuyên mục
XEM