1 thói quen nhiều người Việt đang làm để rau luộc trông "ngon mắt", bác sĩ nói: Phải dừng ngay

08/10/2024 11:45 AM | Sức khỏe

Khi luộc rau, để giúp cho rau xanh, nhìn đẹp mắt, các bà nội trợ đã áp dụng nhiều cách khác nhau.

Nội dung chính:

- Một cách luộc rau làm tăng lượng muối thêm vào cơ thể. 

- Tác hại của việc tiêu thụ quá nhiều muối.

- Những cách giảm tiêu thụ muối. 

Chị Trần Nguyên Phương (37 tuổi, sống tại khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội) luôn được mọi người trong gia đình khen là luộc rau khéo. Đĩa rau chị luộc luôn có màu xanh đẹp mắt. 

Chia sẻ về bí quyết luộc rau của mình, chị Phương bật mí chị thường thêm một chút muối hạt vào khi nước đã sôi. Sau đó chị thả rau vào, luộc ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn. Theo chị Phương, cách luộc rau này không chỉ giúp rau xanh, nhìn ngon mắt hơn mà còn làm cho nước luộc rau có vị đậm đà. 

1 thói quen nhiều người Việt đang làm để rau luộc trông "ngon mắt", bác sĩ nói: Phải dừng ngay- Ảnh 1.

Thêm muối vào nước luộc rau là thói quen của nhiều bà nội trợ (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cách luộc rau này được các chuyên gia khuyến cáo "nên dừng lại ngay" để tránh dung nạp thêm muối vào cơ thể.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết khi luộc rau, mọi người không nên cho thêm muối vì sẽ hình thành thói quen ăn mặn, không tốt cho sức khỏe.

Muối có vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể. Đây là gia vị nêm vào giúp cho thức ăn trở nên ngon miệng hơn. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối lại gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe cũng như nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối người Việt đang ăn mỗi ngày là 9,5g. Lượng muối này cao gần gấp đôi lượng muối được khuyến nghị (5g/ngày). Trong thời gian qua, các bộ, ban, ngành y tế đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân về việc giảm ăn mặn. Tuy nhiên, đây là thói quen khó bỏ của không ít người.

Tiêu thụ quá nhiều muối liên quan tới nhiều bệnh lý

Theo bác sĩ Hưng, một chế độ ăn quá mặn sẽ làm ảnh hưởng tới huyết áp, tim, thận, dạ dày, xương,... Nếu ăn nhiều hơn 5g muối/ngày, cơ thể sẽ bị mất cân bằng chỉ số natri và kali, khiến thận lọc nước kém. Điều này dẫn tới nguy cơ cao bị tăng huyết áp do có nhiều chất lỏng không được lọc, cũng như gây thêm áp lực cho các mạch máu, thậm chí làm tắc nghẽn động mạch.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác cho sức khỏe.

Bác sĩ Hưng cho hay: Giảm muối phải giảm từ từ và bằng những hành động đơn giản, ví như không cho thêm muối vào nước canh luộc rau, giảm lượng muối nêm vào thức ăn… Người Việt thường chung sống nhiều thế hệ trong một gia đình. Việc giảm muối không chỉ tốt cho người cao tuổi mà còn tốt cho tất cả các thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt, việc làm này sẽ giúp các thế hệ sau hình thành thói quen không ăn mặn.

Để giảm lượng muối tiêu thụ, mọi người nên:

- Giảm dần lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn.

- Hạn chế sử dụng và hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn ăn.

- Hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp có nhiều muối và tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên.

Mẹo luộc rau ngon không cần muối

Để luộc rau ngon, mọi người có thể thực hiện theo các bước sau:

- Khi nước sôi già, cho rau vào, đảo một lần rồi đậy vung lại.

- Đợi nước sôi trở lại, đảo rau một lần nữa rồi đậy vung, đợi nước sôi lại và vớt rau ra ngay.

Cách luộc rau này giúp giá trị dinh dưỡng trong rau không bị hao hụt nhiều mà rau vẫn có màu xanh đẹp mắt. Cần lưu ý không luộc rau quá lâu vì thời gian tiếp xúc với nhiệt dài thì lượng vitamin cũng giảm đi.


Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM