1 năm sau cái bắt tay triệu đô với Sunlife, ACB vươn lên thành “vua bán bảo hiểm” trong khối nhà băng như thế nào?

11/02/2022 14:15 PM | Kinh doanh

Cuối năm 2020, ngành tài chính xôn xao trước cái bắt tay chiến lược giữa NHTMCP Á Châu (ACB) và Sunlife về phân phối bảo hiểm nhân thọ. Sau một năm chính thức triển khai, ACB đã thu được lợi nhuận từ mảng bảo hiểm với đối tác mới như thế nào?

Vượt qua những rào cản của phương thức bán bảo hiểm truyền thống, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã và đang ngày càng phổ biến và trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày 18/11/2020 được coi là sự kiện nổi bật trên thị trường bảo hiểm Việt Nam khi ACB chính thức "bắt tay" hợp tác độc quyền với Sun Life Việt Nam về phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Sun Life Global ước tính, giá trị của thương vụ này lên đến 370 triệu USD (khoảng 8.500 tỷ đồng). Đây được xem là thương vụ có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực bancassurance từ trước đến nay.

Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kéo dài trong 15 năm và bắt đầu triển khai từ đầu năm 2021 trên toàn bộ mạng lưới 371 chi nhánh tại 48 tỉnh, thành phố của ACB.

Báo cáo tài chính 2021 của ACB nói gì đến thương vụ hợp tác triệu đô?

Theo một lãnh đạo ACB, mảng kinh doanh bảo hiểm đã đóng góp trên 1.300 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận gần 12.000 tỷ đồng của Ngân hàng năm 2021.

Có hai khoản thu nhập từ việc hợp tác bảo hiểm, một là khoản phí trả trước được phân bổ cho nhiều kỳ, hai là khoản hoa hồng bảo hiểm theo doanh số bán thực tế phát sinh.

Theo BCTC từ quý I đến quý IV ACB công bố, có thể nhìn thấy khoản phí trả trước ACB được nhận từ Sunlife cho thương vụ hợp tác là 8.217 tỷ đồng (theo số dư thời điểm 30/06/2021 đã được kiểm toán) và khoản thu nhập này được hạch toán cho nhiều kỳ với giá trị 142 tỷ đồng/quý, khoảng 568 tỷ đồng/năm, tương đương nhận định các công ty chứng khoán đã đưa ra trước đó.

Sau một năm hợp tác với Sunlife, ACB đã thu được lợi nhuận từ mảng bảo hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Nguồn: tổng hợp từ báo cáo của VCBS

Thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm không được ACB bóc tách cụ thể trong báo cáo tài chính nhưng từ trước khi ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Sunlife, ACB vốn có tiếng là nhà băng có hoạt động bán bảo hiểm khá tốt. Theo thông tin từ Hiệp hội các doanh nghiệp bảo hiểm, năm 2019, doanh thu bán bảo hiểm của ACB đạt 939 tỷ đồng, đứng thứ 6 toàn hệ thống ngân hàng. Sáu tháng đầu năm 2020, ACB vươn lên vị trí thứ 3 về doanh số bán bảo hiểm và đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của AIA Việt Nam trong 9 tháng năm 2020.

Dành ra một tháng cuối năm 2020 sau khi thanh lý hợp đồng với AIA và Manulife để chuẩn bị cho việc hợp tác lâu dài với Sunlife, ACB đã có sự khởi đầu thuận lợi khi giành được vị trí số 1 toàn hệ thống trong tháng 1/2021 với doanh thu phí 137 tỷ đồng (tính theo APE – Phí phải đóng tương đương cho cả năm).

Chạy nhanh ngay từ đầu năm 2022 để hoàn thành chỉ tiêu phí bảo hiểm

Năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư vẫn sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.

Với ACB, mảng dịch vụ và đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao với thu nhập phí kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021. Mục tiêu này sẽ được vị Tân Tổng Giám Đốc của ACB, ông Từ Tiến Phát, vốn có nhiều năm phụ trách khối Khách hàng cá nhân thực hiện quyết liệt và cụ thể.

Đầu tiên phải kể đến các gói sản phẩm ưu đãi giảm phí, quà tặng khi tham gia bảo hiểm Sunlife được thiết kế dành cho từng đối tượng khách hàng cụ thể (i) khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, (ii) khách hàng tham gia bảo hiểm tại chi nhánh/phòng giao dịch ACB, khách hàng tham gia bảo hiểm online, (iii) khách hàng phổ thông, khách hàng ưu tiên... được tung ra ngay thời điểm đầu năm 2022.

Bên cạnh đó, theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi, trong bảng chỉ tiêu kinh doanh giao tới từng nhân viên năm 2022, ACB đã tính đến yếu tố duy trì phí hợp đồng trong các năm tiếp theo. Đây là điểm mới của nhà băng này trong việc triển khai kinh doanh bảo hiểm cho các đơn vị kênh phân phối. Điều này có mặt tích cực là giúp tránh được việc nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng theo kiểu "ăn xổi", tham gia một năm đầu lấy lãi suất tốt, ưu đãi,.. sau đó bỏ dở hợp đồng.


An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM