Xúc xích chứa chất gây ung thư và câu chuyện “Quýt làm Cam chịu”

09/05/2016 08:36 AM | Kinh doanh

Chỉ vì trùng tên một một thương hiệu, tổ chức hoặc người nổi tiếng mà không ít doanh nghiệp phải đối mặt với những rắc rối 'từ trên trời rơi xuống'.

Thời gian vừa qua, dư luận hoang mang trước thông tin về việc hơn 2 tấn xúc xích nhãn hiệu Viet foods của Công ty TNHH thương mại thực phẩm Hùng Anh có chứa chất gây ung thư. Hệ quả tất yếu là danh tiếng công ty bị ảnh hưởng và người tiêu dùng ‘ngoảnh mặt, quay lưng’ với các sản phẩm của Viet foods.

Thế nhưng, có một thương hiệu khác lại vô tình trở thành ‘nạn nhân’ trong câu chuyện này. Đó chính là Công ty cổ phần thực phẩm Việt Nam Vietfoods – doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, thạch rau câu, thạch sữa chua và không có bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến xúc xích.

Vì tên gọi của hai thương hiệu chỉ khác nhau một dấu cách nên không ít người đã nhầm tưởng sản phẩm xúc xích không an toàn kia là do Vietfoods sản xuất. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của công ty, khiến Vietfoods vô cùng bức xúc.

Thực tế, chuyện các doanh nghiệp bị vạ lây do trùng tên không phải hiếm gặp trên thế giới.

Hồi cuối năm 2015, thương hiệu thời trang Marks & Spencer (Hong Kong) cho biết một loại nước hoa của họ đang gặp rắc rối vì có tên giống với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS.

Tên đầy đủ của loại nước hoa này là Autograph Isis, được đặt theo tên của một vị nữ thần Ai Cập và nó cũng là một phần của thương hiệu M&S trong suốt 20 năm qua. Sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến nhiều người tiêu dùng đưa ra những nhận xét tiêu cực về sản phẩm, thậm chí đòi đổi tên loại nước hoa này.

Ngoài M&S, nhiều công ty trên thế giới có tên là ISIS cũng gặp phải tình huống tương tự. Một số doanh nghiệp trong số đó đã quyết định đổi tên vì không chịu được áp lực từ dư luận.

Tất nhiên, tẩy chay sản phẩm do nhầm lẫn thương hiệu là điều khó tránh. Thế nhưng, có những trường hợp dù người tiêu dùng hiểu rõ 2 thương hiệu không liên quan đến nhau nhưng vẫn ‘giận cá chém thớt’. Điển hình là chiến dịch tẩy chay cà phê Costa diễn ra vào năm ngoái, tất cả chỉ vì thương hiệu này trùng tên với tiền đạo Diego Costa của Chelsea.

Trong một trận đấu giữa hai câu lạc bộ Chelsea và Arsenal, tiền đạo người Tây Ban Nha Diego Costa đã có hành vi gây hấn với Gabriel Paulista khiến hậu vệ của Arsenal phải lĩnh thẻ đỏ và rời sân. Tuy nhiên trong tình huống này trọng tài bắt chính Mike Dean chỉ “xử nhẹ” Costa. Nhờ công lao của Costa mà Chelsea được chơi hơn người, qua đó thuận lợi trên con đường giành thắng lợi chung cuộc.

Sự việc trên khiến các cổ động viên Arsenal không khỏi phẫn nộ, thậm chí họ còn kêu gọi mọi người tẩy chay một nhãn hiệu cà phê mang tên Costa dù rằng thương hiệu này chẳng liên quan gì đến tiền đạo của đối phương.


CTCP Kinh Đô không liên quan đến dự án Kinh Đô Tower 8B Lê Trực

CTCP Kinh Đô không liên quan đến dự án Kinh Đô Tower 8B Lê Trực

Việt Nam, ngoài trường hợp Viet Foods-Vietfoods, việc trùng tên cũng khiến không ít doanh nghiệp tự dưng gặp ‘tai bay vạ gió’.

Năm 2012, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Viễn thông tin học có tên viết tắt là INCOM, trụ sở ở Minh Khai (Hai Bà Trưng – Hà Nội) bị xử phạt do phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, nhiều người lại tưởng nhầm đó là công ty Cổ phần truyền thông Quốc tế, trụ sở ở Cầu giấy – Hà Nội vì doanh nghiệp này cũng có tên viết tắt là INCOM.

Trước sự cố từ ‘trên trời rơi xuống’, Công ty Cổ phần Truyền thông Quốc tế phải lên tiếng giải thích và gửi công văn thông báo đến một số khách hàng.

Một câu chuyện khác lại liên quan đến hai công ty cùng có tên Kinh Đô. Khi những thông tin về sai phạm của Dự án Kinh Đô Tower tại 8B Lê Trực tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người ngay lập tức liên tưởng rằng dự án này có liên quan đến Công ty cổ phần Kinh Đô (tên gọi hiện nay là Tập đoàn Kido). Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm bánh kẹo, kem, sữa chua, mì ăn liền, dầu ăn, hạt nêm và do ông Trần Kim Thành làm Chủ tịch HĐQT.

Thực chất, chủ đầu tư của dự án lại là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đôhoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bao gồm: xây dựng, đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại,..

Nghiêm trọng hơn, có những doanh nghiệp trùng tên hoặc tên gọi tương tự đã kiện nhau ra tòa để bảo vệ thương hiệu của mình.

Vài năm trước, Công tycổ phần Nhựa Bình Minh đã kiện Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Sản xuất ống nhựa Bình Minh vì cho rằng doanh nghiệp này đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại và nhãn hiệu "Bình Minh". Sau một thời gian dài theo đuổi vụ kiện, phần thắng đã thuộc về Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh.

Theo một chuyên gia về thương hiệu, để hạn chế những rắc rối liên quan đến tên gọi, các công ty cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật khi đặt tên cho doanh nghiệp. Trong quá trình chọn tên, các công ty nên vào hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia để kiểm tra các tên doanh nghiệp hiện có. Khi gặp những sự cố tương tự Vietfoods, cần đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời đến với khách hàng và người tiêu dùng, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra.

Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM