Vì sao giới nhà giàu châu Á lại 'chuộng' đầu tư thị thực châu Âu đến vậy?

25/07/2017 15:51 PM | Kinh tế vĩ mô

Liên minh Châu Âu (EU) hiện nay đang phải đau đầu với cuộc khủng hoảng di cư khi những di chứng của cuộc tị nạn cuối năm 2015 khiến xã hội nhiều nước thành viên lâm vào bất ổn. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia EU vẫn duy trì hoặc thậm chí xây dựng mới những chương trình cấp thị thực cho nhà đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn của giới nhà giàu Châu Á.

Đối với các quốc gia Châu Âu, nền kinh tế tăng trưởng chậm cùng với sự hồi phục chậm chạp sau cuộc khủng hoảng 2008, tình hình nợ công và những bất ổn trong nền kinh tế khiến họ thực sự cần những nhà đầu tư giàu có từ Châu Á.

Về phía ngược lại, Châu Âu với tiêu chuẩn sống cao tại các nước phát triển cũng thu hút giới nhà giàu Châu Á. Thêm vào đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và nhiều tài sản đang ở mức giá rẻ cũng đang trở thành cơ hội đầu tư tốt cho các doanh nhân tại đây. Hơn nữa, việc nhiều nước có chính sách thuế ưu đãi cũng khiến các chủ doanh nghiệp muốn nhập cư vào đây để có thể tiết kiệm chi phí đóng thuế.

Với những nguyên nhân trên, không có gì là lạ khi các chương trình thị thực cho nhà đầu tư lại thu hút người Châu Á đến vậy. Số liệu của Hiệp hội bất động sản và môi giới (REPBA) cho thấy doanh số bán nhà của Bồ Đào Nha, một trong những nước tiên phong của thị trường thị thực, đã đạt 1,53 tỷ Euro (1,66 tỷ USD) kể từ khi thực hiện chương trình này.

Trong năm 2015, đã có hơn 2.700 người nhập cư vào Bồ Đào Nha qua chương trình định cư bằng đầu tư và 80% trong số đó là người Trung Quốc.

Vì sao giới nhà giàu châu Á lại chuộng đầu tư thị thực châu Âu đến vậy? - Ảnh 1.

Số liệu năm 2014 của cổng thông tin bất động sản Juwai, Trung Quốc cho thấy tổng giá trị đầu tư bất động sản của người dân nước này vào đảo Síp đã tăng 351%/năm sau khi chương trình định cư bằng đầu tư được giới thiệu. Điểm hấp dẫn là đảo Síp thuộc EU và hệ thống đóng thuế của nước này khá thoáng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đảo Síp cũng là nước có thời gian làm thủ tục nhập tịch cho nhà đầu tư nước ngoài nhanh nhất Châu Âu với thời hạn chỉ khoảng 3 tháng. Các nhà đầu tư chỉ phải chi ít nhất 2 triệu Euro (2,2 triệu USD) cho các dự án bao gồm việc mua nhà với mức giá tối thiểu 500.000 Euro.

Chuyện đảo Síp thèm khát nguồn vốn từ nước ngoài là điều dễ hiểu khi nền kinh tế của quốc gia nhỏ này vẫn gặp nhiều khó khăn để hồi phục từ sau khủng hoảng kinh tế.

Trong số những nước thực hiện chương trình thị thực đầu tư, Hy Lạp là quốc gia thành viên EU có mức giá thấp nhất. Chỉ với 250.000 Euro (350.000 USD), nhà đầu tư đã có thể tham gia nộp hồ sơ cho chương trình thị thực vàng tại đây.

Tình hình này không có gì là khó hiểu khi Hy Lạp đang ngập trong các khoản nợ công và vẫn cần đến sự cứu trợ từ Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Vì sao giới nhà giàu châu Á lại chuộng đầu tư thị thực châu Âu đến vậy? - Ảnh 2.

Rủi ro tiềm tàng

Theo tổ chức RICS, rủi ro trên thị trường thị thực của đảo Síp và Hy Lạp là rất lớn khi nền kinh tế 2 nước này gặp nhiều khó khăn, qua đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống. Bởi vậy, phần lớn những người chấp nhận nhập cư vào 2 nước này chỉ để trở thành công dân EU và sang nước khác sinh sống, hoặc để tận dụng những lợi ích về hệ thống thuế chứ không thực sự giúp đỡ cho đất nước.

Ngoài ra, những vụ việc tham nhũng trong mảng này cũng khiến thị trường định cư trở gặp phải nhiều chỉ trích. Năm 2014, những vụ tham nhũng trong chương tình thị thực vàng đã buộc chính phủ Bồ Đào Nha thắt chặt quy định, hạn chế bớt số thị thực cấp ra cho nhà đầu tư nước ngoài.

Với nhu cầu ngày một lớn hiện nay, chính phủ nhiều nước đang thiếu nhân viên trong mảng thị thực đầu tư bởi hệ thống đào tạo, tuyển chọn nhân sự cho các cơ quan nhạy cảm này là khá khắt khe.

Tồi tệ hơn, việc gia tăng quan điểm chủ nghĩa dân tộc ở Châu Âu, nhất là sau sự kiện Anh rời EU (Brexit) khiến những lời chỉ trích cho các chương trình thị thực đầu tư ngày một gia tăng.

Thậm chí, chính những nhà đầu tư Trung Quốc cũng nhận ra sai lầm khi mua tài sản tại các quốc gia có nền kinh tế gặp khó khăn. Hầu như những nhà đầu tư này đều yêu cầu các công ty môi giới nâng giá bán bất động sản sau 3-4 năm định cư bởi họ nhận ra mình đã phải trả quá nhiều tiền so với giá trị tài sản thực tính theo lạm phát.

Vì sao giới nhà giàu châu Á lại chuộng đầu tư thị thực châu Âu đến vậy? - Ảnh 3.

Chính điều này đã tạo nên bóng bóng thị trường bất động sản tại nhiều nước Châu Âu. Giá nhà tại thủ đô Lisbon-Bồ Đào Nha đã tăng 12,4% năm 2015 còn những khu căn hộ ven biển tại đảo Síp tăng 30% chỉ trong vòng 3 năm.

Trên thực tế với nền kinh tế khó khăn, những người dân địa phương không thể mua được những căn hộ đắt đỏ rao bán trên thị trường. Chính những nhà đầu tư nước ngoài muốn nhanh chóng hồi vốn đã đẩy giá nhà lên cao cho những người nước ngoài đến sau muốn định cư bằng chương trình đầu tư.

Tại đảo Síp, giao dịch của những căn hộ đắt tiền ven biển là khá thấp và điều này tiềm ẩn những nguy cơ lớn cho nền kinh tế.

Những người đầu tư nhà Trung Quốc tại đảo Síp thường chỉ xuất hiện 2 năm một lần nhằm duy trì trạng thái công dân, còn lại họ cho thuê những khu bất động sản của mình nhằm thu hồi vốn.

Tuy nhiên, đây không phải là điều mà chính phủ các nước mong muốn khi họ đang cần những nhà đầu tư thực sự, những doanh nhân có thể tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

BT

Cùng chuyên mục
XEM