Uống nước tía tô thay nước lọc được không?

18/11/2023 11:54 AM | Sống

Tía tô là loại rau quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Việt, ngoài việc là rau gia vị thì tía tô còn có nhiều công dụng chữa bệnh. Vậy, uống nước tía tô thay nước lọc được không? Hãy cùng xem giải đáp trong bài viết dưới đây.

Lá tía tô gồm những thành phần nào?

Tía tô là loại rau thơm phổ biến có tác dụng chữa bệnh. Trong y học cổ truyền tía tô có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế - tâm – tỳ, kích thích ra mồ hôi.

Hạt tía tô có hàm lượng tinh dầu lớn, giàu các axit béo chưa bão hòa, chủ yếu là axit alpha-linoleic.

Lá tía tô chứa khoảng 0.2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, ceton, furan,... Chiết xuất lá tía tô có các chất chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm giúp tái tạo mô tế bào, đặc biệt khi hấp thụ qua da bằng phương pháp xông hơi.

Uống nước tía tô thay nước lọc được không? - Ảnh 1.

Công dụng của lá tía tô trong bảo vệ sức khoẻ

Ngoài ra, lá tía tô còn chứa nhiều protein thực vật, chất xơ, vitamin A, C cùng nhiều khoáng chất do đó tác dụng của lá tía tô giúp cơ thể tăng cường chuyển hóa và trao đổi chất.

Công dụng của lá tía tô

Có không ít nghiên cứu chỉ ra rằng lá tía tô có thể hỗ trợ điều trị cúm, ngộ độc thực phẩm, hen suyễn, virus đường hô hấp, tiểu đường,...

Các công dụng tiêu biểu của dược liệu tía tô có thể kể đến là:

Chống lại tác nhân gây bệnh đường hô hấp

Đã có nghiên cứu chứng minh dịch chiết xuất từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 bằng nhiều cách. Chính điều này khiến cho lá tía tô trở thành dược liệu tự nhiên thân thiện có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa sự sinh trưởng của virus SARS-CoV-2 cũng như các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác

Ngoài ra, chiết xuất từ loại lá này còn điều trị bệnh hen suyễn rất tốt vì nó làm tăng khả năng lưu thông khí và cải thiện chức năng của phổi. Đây là thông tin được trích dẫn từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives Of Allergy And Immunology.

Làm đẹp da

Hoạt chất Priseril ở lá tía tô có vai trò cải thiện sắc tố và loại bỏ tế bào chết trên da tương đối hiệu quả. Xét trên phương diện này thì lá tía tô giúp cho da trở nên đều màu và tươi sáng hơn. Mặt khác, thành phần vitamin E trong lá tía tô còn tăng cường độ ẩm và giúp da trở nên mịn màng.

Uống nước tía tô thay nước lọc được không? - Ảnh 2.

Lá tía tô có công dụng làm đẹp da

Chống dị ứng, bảo vệ hệ tim mạch và thần kinh

Chiết xuất thu được từ lá tía tô có thể ngăn cản sự xuất hiện của phản ứng dị ứng bên trong cơ thể. Thành phần Omega-3 trong loại lá này tương đối cao nên chống viêm, chống oxy hóa tốt đồng thời cũng là nguồn năng lượng để tăng cường chức năng nhận thức của não bộ, nhờ đó mà chống lại nguy cơ mất trí nhớ ở người già. Đặc biệt, Omega-3 nếu được hấp thụ hàng ngày còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch.

Điều trị gout và tốt cho tiêu hóa

Có đến 4 hoạt chất trong lá tía tô có thể làm giảm enzym xanthin oxidase - tác nhân làm hình thành axit uric gây ra bệnh gout. Lý giải về lá tía tô có tác dụng gì qua các thử nghiệm đã được thực hiện cho thấy rằng, việc hàng ngày sử dụng chiết xuất từ lá tía tô sẽ cải thiện triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, bệnh trào ngược dạ dày và chứng táo bón nhẹ ở hội chứng ruột kích thích.

Phòng bệnh ung thư

Một lượng lớn luteolin, axit rosmarinic và triterpene trong lá tía tô đã được chứng minh có khả năng chống lại các tế bào ung thư đang tiềm ẩn bên trong cơ thể.

Chữa bệnh về da

Uống nước lá tía tô có thể cải thiện tình trạng mẩn ngứa, mề đay trên da. Việc dùng loại nước này hàng ngày đặc biệt hiệu quả với việc đẩy lùi các triệu chứng buồn bực, ngứa ngáy ở người bị nổi mề đay.

Hỗ trợ giảm cân

Nước từ lá tía tô có nhiều protein thực vật, khoáng chất, chất xơ và vitamin nên sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của dạ dày từ đó giảm nguy cơ bị thừa cân và béo phì.

Ổn định các bệnh lý tự miễn dịch

So với nhiều loại dầu thực vật khác thì dầu hạt tía tô chứa nhiều axit omega-3 alpha-linolenic hơn cả. Vậy lá tía tô có tác dụng gì trên phương diện này? Axit omega- 3 rất tốt đối với kiểm soát tình trạng tự miễn dịch như hen suyễn, lupus và viêm khớp dạng thấp.

Bệnh nhân bị hen suyễn có thể đáp ứng điều trị bằng dầu hạt tía tô tương đối tốt vì đây là dược liệu có thể ức chế co thắt đường thở và phản ứng với chất kích thích bị hít phải. Không những thế, dầu hạt tía tô còn ức chế sự di chuyển của tế bào bạch cầu đến phổi, ngăn ngừa nguy cơ sốc phản vệ - đáp ứng miễn dịch bất thường với mức độ nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng khi không được cấp cứu ngay.

Cách nấu nước tía tô

- Rửa sạch khoảng 200g lá tía tô tươi, giữ nguyên cành và lá cây, cắt khúc nhỏ.

Uống nước tía tô thay nước lọc được không? - Ảnh 3.

Không nên uống nước tía tô thay nước lọc hàng ngày

- Đổ 2.5 lít nước cùng lá tía tô sau khi rửa sạch vào nồi đun sôi, để nhỏ lửa trong 2-3 phút rồi tắt bếp.

- Lọc lấy nước tía tô để sử dụng.

Có nên uống nước tía tô thay nước lọc?

Vì những lợi ích của lá tía tô mà nhiều người có thói quen đun nước lá tía tô để uống. Không ít người còn uống nước lá tía tô thay nước lọc.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên uống nước tía tô với lượng vừa phải, uống quá nhiều trong thời gian dài có thể gây chướng bụng, khó tiêu. Ngoài ra, bạn chỉ nên sử dụng nước lá tía tô trong 24 giờ để đảm bảo chất lượng và mùi vị.

Để nước lá tía tô giữ nguyên giá trị bạn không nên đun sôi lá tía tô quá 15 phút vì các tinh dầu trong lá, cành cây sẽ bị bốc hơi làm giảm tác dụng của nước lá tía tô.

Theo BVĐK Vinmec

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM