Từ mai, người dân ở TP.HCM muốn đi lại sang tỉnh khác có được không?

30/09/2021 10:52 AM | Xã hội

Từ mai, các trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chỉ thị và Sở GTVT TP.HCM.

Theo UBND TP, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2.

Đồng thời, một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

 Từ mai, người dân ở TP.HCM muốn đi lại sang tỉnh khác có được không? - Ảnh 1.

Đường phố TP. HCM trong những ngày giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vắc xin tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.

Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết 86, phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nghiêm chỉnh thực hiện việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chỉ thị mới của TP.HCM, từ 1/10, người dân đang ở TP.HCM không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP.

Trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chỉ thị và Sở GTVT TP.HCM.

Việc lưu thông liên tỉnh sẽ được áp dụng đối với các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về TP.HCM và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM.

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại Thành phố.

Chỉ thị cũng yêu cầu người dân khi tham gia lưu thông nội ô phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; (2) Đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu. Đồng thời, thực hiện nghiêm 5K.

Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,...) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.

B Bình

Cùng chuyên mục
XEM