Trung Quốc: Đề xuất cấm sếp nhắn tin phân công công việc cho nhân viên ngoài giờ làm việc, cơn ác mộng của giới ‘làm công ăn lương’ sắp chấm dứt

15/05/2019 13:52 PM | Xã hội

Một người phàn nàn: "Chúng tôi phải trả lời tin nhắn công việc gần như mọi lúc mọi nơi. Sếp biết tôi rất hay online nên ông ấy yêu cầu tôi trả lời ngay lập tức, kể cả buổi tối muộn hay cuối tuần".

WeChat của tập đoàn Tencent là một trong những siêu ứng dụng hàng đầu cho phép 1 tỷ người người dùng của mình trò chuyện, chơi trò chơi, mua sắm, đọc tin tức, thanh toán trực tuyến.

Tuy nhiên, cũng chính vì sự tiện lợi này mà giới "làm công ăn lương" Trung Quốc nhận thấy rằng ngày càng nhiều ông chủ công ty sử dụng WeChat để phân công công việc cho nhân viên.

Giờ đây, các nhà chức trách ở quận Tương Châu của thành phố ven biển phía nam Chu Hải đang tìm cách áp dụng những biện pháp khả thi để tách biệt giữa công việc và giải trí trên ứng dụng WeChat.

Theo một đề xuất được công bố đầu tháng 5 trên tài khoản WeChat chính thức của quận, ngoài giờ làm việc, các nhóm chat phục vụ công việc trên WeChat không nên hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên sẽ không phải nhận chỉ đạo từ cấp trên sau giờ làm.

Các nhóm WeChat ban đầu được tạo ra để cải thiện hiệu quả công việc nhưng với số lượng nhóm hình thành ngày càng tăng, nó đã trở thành gánh nặng cho một bộ phận không nhỏ nhân viên. Về nguyên tắc, một công ty chỉ có thể thành lập một nhóm WeChat và nhóm trao đổi về một dự án nào đó nên được "giải tán" sau khi hoàn thành.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh WeChat đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hầu hết người dân Trung Quốc. Hiện đại diện của công ty chưa trả lời bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này.

Trung Quốc: Đề xuất cấm sếp nhắn tin phân công công việc cho nhân viên ngoài giờ làm việc, cơn ác mộng của giới ‘làm công ăn lương’ sắp chấm dứt - Ảnh 1.

WeChat là một trong những siêu ứng dụng hàng đầu tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đề xuất cũng cho rằng nhân viên không nên gửi tin nhắn ngẫu nhiên hoặc "thả" biểu tượng cảm xúc trong nhóm trừ khi có liên quan đến thông tin mới quan trọng về dự án.

Ngay lập tức, kế hoạch của quận Tương Châu đã thu hút đông đảo sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc, đặc biệt là nhân viên công sở, những người cũng đang gặp vấn đề tương tự với nhóm chat công việc.

Một người bình luận: "Tôi thực sự rất ghen tị với những người làm việc ở Tương Châu. Tôi hi vọng các biện pháp sẽ sớm được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương hơn nữa".

Một người khác phàn nàn: "Chúng tôi phải trả lời tin nhắn công việc gần như mọi lúc mọi nơi. Sếp của tôi biết rằng tôi rất hay online trên WeChat nên ông ấy yêu cầu tôi trả lời ngay lập tức, kể cả buổi tối muộn hay cuối tuần".

Đề xuất cấm nhắn tin công việc ngoài giờ làm của Tương Châu tuy được rất nhiều người ủng hộ nhưng cũng có ý kiến cho rằng các công ty sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.

Từ khi ra mắt năm 2011, WeChat đã thu hút được 1 tỷ người dùng. Trong thập kỷ qua, ứng dụng này đã "thống trị" cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc bằng việc cung cấp khả năng trò chuyện với gia đình, bạn bè, mua sắm trực tuyến, đặt lịch hẹn với bác sĩ và thậm chí là nộp đơn ly hôn trực tuyến.

Một vài năm gần đây, phạm vi của WeChat đã mở rộng ra môi trường làm việc. Dù được thiết kế dưới dạng ứng dụng dành cho thiết bị di động nhưng số người đăng nhập vào WeChat trên máy tính đã tăng gần 10 lần trong năm 2018 so với năm 2015. Sau khi đăng nhập, người dùng có thể lập các nhóm làm việc nhỏ để phân công, chia sẻ nội dung, gọi điện, thực hiện mua hàng theo nhóm và gửi tiền cho các thành viên trong nhóm một cách thuận tiện.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM