Trong khi thị trường bế tắc, FPT Shop kinh doanh sữa, TGDĐ buôn rau, chuỗi bán lẻ di động này lại vạch ra hướng đi mới là bán nước hoa

29/06/2017 10:53 AM | Doanh nghiệp công nghệ

Vị đại diện Hnam Mobile khẳng định: "Bán nước hoa khác với bán điện thoại. Dù Hnam Mobile đã có hệ thống, đã có tên tuổi, nhưng đặc thù ngành hàng mới nên phải học lại nhiều thứ".

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Gfk, năm 2013, người Việt tiêu thụ khoảng 6,2 triệu chiếc smartphone, giúp thị trường này thu về 34.000 tỷ đồng. Tốc độ này đã tăng mạnh vào năm 2014, với mức tăng trưởng gần 40%.

Đi qua đỉnh nóng, vài năm trở lại đây, doanh số smartphone đã có dấu hiệu chững lại. Dự đoán trong năm 2017 này, số lượng smartphone bán ra sẽ đạt 23,6 triệu chiếc, tăng trưởng khoảng 19% so với năm 2016. Đó cũng là một tín hiệu cho thấy thị trường bước vào giai đoạn bão hòa.

Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng hơn cho các nhà bán lẻ. Đó là doanh số được dự báo tăng 19%, nhưng doanh thu thị trường dự báo chỉ tăng khoảng 7%, từ mức 73,3 nghìn tỉ lên mức 78,6 nghìn tỉ đồng trong năm 2017.

Số lượng smartphone tiêu thụ ở Việt Nam tăng hơn 3 lần, nhưng giá trị thị trường tăng chưa tới gấp đôi. Điều này cho thấy nhà bán lẻ ngày càng thu được ít tiền hơn. Cộng thêm giá smartphone đang ngày một rẻ đi, lợi nhuận biên của nhà bán lẻ tiếp tục bị bào mỏng.

Do đó, để duy trì mức tăng doanh thu, các nhà bán lẻ buộc phải liên tục tìm kiếm, mở rộng sang các lĩnh vực mới. Như TGDĐ đang đẩy mạnh chuỗi Điện máy Xanh và năm nay là Bách hóa Xanh. Với FPT Shop, chuỗi này cũng đang tìm hướng đi mới mà điển hình là tuyên bố hợp tác bán sữa Vinamilk hồi năm ngoái.

Vậy ở các chuỗi bán lẻ di động khiêm tốn hơn, họ sẽ xoay sở như thế nào?

Như CellphoneS, từ tháng 3/2017, chuỗi này đã triển khai thêm thương hiệu sửa chữa thiết bị di động có tên Điện Thoại Vui, tập trung vào phục vụ các khách hàng có nhu cầu: sửa chữa kí gửi, sửa chữa trực tiếp, được quan sát quá trình sửa chữa...

Còn ở khu vực phía Nam, Hnam Mobile - chuỗi bán lẻ di động với gần 20 cửa hàng tại TP. HCM, mới đây cũng vừa mở bán thêm... nước hoa.

Ông Hoàng Phú Nam, sáng lập Hnam Mobile cho biết, sở dĩ chuỗi này chọn bán nước hoa bởi đây là mặt hàng tiêu dùng phổ biến, hầu như ai cũng có nhu cầu sử dụng. Do đó, sau khi cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng, Hnam Mobile đã quyết định kinh doanh mặt hàng nước hoa.

Tuy nhiên, bản thân chuỗi này sẽ không trưng bày mặt hàng mới ở cửa hàng, do việc bày bán nước hoa bên cạnh các sản phẩm công nghệ như di động, máy tính... là không phù hợp.

Vị đại diện Hnam Mobile khẳng định, sẽ chỉ tập trung bán nước hoa online - giao hàng thu tiền tận nơi miễn phí.

Bởi lợi thế của chuỗi này là đã và đang triển khai bán điện thoại online rất tốt. Không chỉ điện thoại mà hầu như tất cả sản phẩm đang kinh doanh trên website đều được bán online. Chính sách giao hàng tận nơi, 60 phút trong nội thành TP. HCM miễn phí khiến khách hàng rất hài lòng.

Tất nhiên, ông Nam không phủ nhận: "Bán nước hoa khác với bán điện thoại. Dù Hnam Mobile đã có hệ thống, đã có tên tuổi, nhưng đặc thù ngành hàng mới nên phải học lại nhiều thứ".

Theo nhà sáng lập Hnam Mobile, động thái bán thêm nước hoa chỉ đơn thuần là việc tìm kiếm thêm ngành hàng mới để chuỗi bán lẻ di động mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu. Còn ở thời điểm hiện tại, hướng đi chính của Hnam Mobile vẫn là bán lẻ di động, đồng thời tập trung vào dịch vụ chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM