Startup ở tuổi 32, cựu sinh viên Ngoại Thương làm ứng dụng vừa tìm điểm ăn ngon, lại vừa cho thêm tiền mặt

28/06/2017 08:19 AM | Startup

Tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, Trần Hải Quang đã sớm chọn con đường du học Mỹ và hoàn thành tấm bằng MBA danh giá. Mặc dù cơ hội lập nghiệp ở xứ sở cờ hoa rộng mở, nhưng Quang sau đó vẫn quyết định quay trở về Việt Nam, để làm được một điều gì đó.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, Trần Hải Quang đã sớm chọn con đường du học Mỹ và hoàn thành tấm bằng MBA danh giá. Mặc dù cơ hội lập nghiệp ở xứ sở cờ hoa rộng mở, nhưng Quang sau đó vẫn quyết định quay trở về Việt Nam, để làm được một điều gì đó.

Năm 2012, anh chàng sinh năm 1981 quyết định khởi nghiệp với ý tưởng MOEX (xe ôm viết ngược), đưa ra thị trường Việt Nam dịch vụ nhận giao hàng bằng xe ôm.

Đối tượng chính mà MOEX hướng đến là các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Quãng 1 năm đầu hoạt động, dịch vụ mà Quang cung cấp khá ế ẩm. Ngay cả khi thực hiện chiến lược "free ship" cũng chẳng có mấy khách hàng ngó ngàng tới startup này.

Trần Hải Quang sau đó mới phát hiện ra, sở dĩ MOEX "ế" là bởi bản thân khách hàng - các cửa hàng bán lẻ truyền thống cũng đang "ế".

Điều này đã khiến anh suy nghĩ rất nhiều. Bởi muốn có nhiều đơn giao, nhận hàng, trước hết Quang phải giúp các cửa hàng này chống "ế" đã. Và thế là ý tưởng Clingme ra đời từ đây.

Vừa tìm được chỗ ăn ngon, vừa được cho thêm tiền

Startup Clingme được Trần Hải Quang thành lập ngày 01/07/2013, đi với anh còn có 1 nhà sáng lập nữa, 3 kĩ sư, 1 cố vấn và 1 thiết kế. Đội ngũ 7 người chọn hướng đi cho Clingme là làm ứng dụng trên di động, giúp kết nối nhà bán lẻ truyền thống với người tiêu dùng.

Bởi theo Quang, ngay từ thời điểm năm 2012, xu hướng di động đã quá phổ biến, ai ai cũng có smartphone - vừa là một phương thức kết nối, vừa là một phương thức mua/bán hàng tiềm năng.

Ở góc độ người tiêu dùng, Clingme có thể hiểu là một ứng dụng di động giúp chọn địa điểm ăn uống, mua sắm tốt nhất; với 3 tiêu chí được đặt ra: đúng sản phẩm bạn thích, tiết kiệm nhất, tiện lợi nhất.

Trong đó, tính năng hấp dẫn nhất của Clingme phải kể đến là Cashback - mua sắm nhận tiền. Sau khi cài đặt ứng dụng, lựa chọn địa điểm mua sắm, sử dụng dịch vụ và thanh toán tại cửa hàng, người dùng chỉ cần chụp lại hóa đơn và nhận tiền hoàn lại theo 3 cách: nhận tiền mặt trực tiếp tại Clingme, nhận chuyển khoản qua ngân hàng, hoặc dùng để nạp tiền điện thoại.

Tuy nhiên, theo Trần Hải Quang, Cashback chỉ là lợi ích ngắn hạn, để người dùng dễ nhận biết, dễ tiếp cận. Lợi ích lâu dài mà Clingme đem đến, đó là giúp người trẻ không bỏ lỡ cơ hội tiết kiệm tiền, tiết kiệm thời gian. Hay nói cách khác là đưa ra những gợi ý phù hợp nhất với nhu cầu người dùng.

Anh lấy ví dụ, cùng là chọn quán ăn Nhật, nhưng một doanh nhân và một sinh viên sẽ có nhu cầu khác nhau. Họ sẽ quan tâm tới chất lượng phục vụ, có chỗ đỗ xe không, có hợp tiếp khách không, có xuất hóa đơn không...

Và đó cũng chính là căn cứ để Clingme hiểu được người dùng của mình, từ đó, đưa ra các gợi ý phù hợp nhất. Tất nhiên, để hiểu được người dùng là ai không phải chuyện đơn giản.

Nhà sáng lập này nói vui: "Lúc đầu để biết ai là doanh nhân, ai là sinh viên, mình phải đoán. Vì khi tham gia Clingme, người dùng không phải khai báo bất kì thông tin gì, nên mình phải phân tích dựa trên hành vi của họ. Quan trọng là Clingme nhìn vào quá trình tương tác với ứng dụng, dựa vào thuật toán để hiểu khách hàng".

Khác với các sản phẩm đang có trên thị trường, Clingme được Trần Hải Quang ví như một người bạn sành ăn, một người trợ lý, hiểu được và tư vấn được cho khách hàng.

Bởi theo CEO này, mục tiêu mà startup của anh hướng tới là đưa thông tin phù hợp nhất với người sử dụng, thay vì cố gắng tạo ra một cuốn menu, một trang vàng tràn ngập các quán ăn, nhà hàng, rồi bắt người dùng phải liên tục cuộn xem, tìm kiếm như các đối thủ.

Ý tưởng chống ế cho các cửa hàng bán lẻ truyền thống

Đứng ở góc doanh nghiệp, Trần Hải Quang cho rằng, thị trường mà Clingme hướng đến là khá rộng mở, bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn trong hoạt động tiêu dùng tại Việt Nam. Clingme ra đời nhằm giúp các cửa hàng bán lẻ truyền thống thay đổi theo hướng hiện đại hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn.

"Người Việt có truyền thống kinh doanh mặt phố. Kinh doanh lâu như vậy, nhưng chúng ta lại không có bất kì công cụ marketing, bán hàng, hay chăm sóc khách hàng nào hiệu quả. Hầu như chỉ mở cửa hàng xong là bán. Thời đại smartphone tới rồi, làm sao để giải được bài toán bán hàng tốt hơn?", nhà sáng lập Clingme chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp lần 2.

Theo Quang, khi hợp tác với Clingme, các đơn vị bán lẻ sẽ nhận về 2 lợi ích.

Thứ nhất, Clingme giúp họ tăng lượng khách hàng mới, tăng doanh số, với mỗi khách hàng mới, họ được đảm bảo có lợi nhuận, thay vì phải "cắt lãi" để quảng cáo như hiện nay. Bởi chỉ khi Clingme tạo ra lợi nhuận, thì các đơn vị này mới phải trả tiền, đồng thời duy trì được tỉ suất lợi nhuận lành mạnh.

Thứ hai, Clingme còn giúp các cửa hàng bán lẻ truyền thống hiểu rõ khách hàng hơn, tiếp cận được nhiều đối tượng hơn. Làm sao để họ nắm được thông tin khách đến mua hàng, có thêm kênh liên lạc tự nhiên, chi phí thấp, và đưa được khách hàng tới mua sắm.

Đổi lại, đối tác sẽ chia sẻ một phần doanh thu với Clingme. Một phần là Cashback cho khách hàng, một phần là doanh thu cho Clingme.

Trong đó, đối tác của startup này chủ yếu là các cửa hàng F&B, mua sắm quần áo, spa, sắp tới là thực phẩm sạch - liên quan tới tiêu dùng cá nhân, các sản phẩm, dịch vụ được khách hàng sử dụng thường xuyên.

Để nói về lợi thế cạnh tranh của Clingme so với các sản phẩm cùng ngành, Trần Hải Quang lấy ví dụ ngay với các cửa hàng F&B:

"Trước đây, các cửa hàng F&B thường kết hợp với mô hình săn deal để hút khách, nghĩa là giảm giá ồ ạt 40-50%. Hình thức này có tỉ lệ % giảm giá cao, ăn sâu vào lợi nhuận của cửa hàng, vô hình trung là không lành mạnh. Thêm vào đó, khách săn deal cũng không phải khách hàng trung thành, ngừng bán deal là ngừng doanh số".

Mà quan trọng, theo CEO Clingme, mục tiêu của các đơn vị bán lẻ phải là bán được đúng sản phẩm tới đúng khách hàng có nhu cầu. Ở đây, Clingme đóng vai trò kết nối người bán và mua với chi phí thấp nhất.

Đưa khách đến cửa hàng, Clingme sẽ cung cấp cho đối tác các dữ liệu về họ, từ hành vi, thói quen, cho tới nhu cầu, để từ đó người bán hiểu rõ được người mua. Và thông thường, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có được công cụ hữu hiệu như vậy. Trần Hải Quang mong muốn, đối tác dù là doanh nghiệp lớn, hay nhỏ cũng đều tiếp cận được nguồn thông tin cần thiết.

Tất nhiên, trong khoảng thời gian đầu thành lập, không nhiều đối tác thực sự quan tâm tới công nghệ bán hàng mà Clingme cung cấp. Vì không biết startup này là ai, startup này làm gì, nên hầu như đối tác không có niềm tin ở Clingme.

Trần Hải Quang kể lại: "Mình từng mời một anh bạn làm trong lĩnh vực điện máy hợp tác, giới thiệu thì anh đó biết vậy, cuối cùng cũng chẳng tham gia. Nhưng sau lại có một anh bạn khác được giới thiệu, làm ngành thời trang, thì lại nhanh chóng nhận lời. Câu chuyện ở đây là số lượng người làm bán lẻ rất nhiều, quan trọng là tìm ra ai sẽ chấp nhận Clingme".

Và cho tới thời điểm hiện tại, bài toán làm sao để tiếp cận được số đông các nhà bán lẻ vẫn luôn thường trực với startup 4 năm tuổi này.

CEO Clingme cho biết, số lượng nhân sự hiện tại của startup này là khoảng 45 người, trong 3 tháng nữa sẽ là 80 người, chủ yếu sẽ cần thêm rất nhiều nhân sự phát triển kinh doanh. Bởi mục tiêu tiếp theo của Clingme sẽ là thu hút được thêm nhiều khách hàng mới, đồng thời hướng tới dòng tiền dương trong 18 tháng nữa.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM