TP.HCM: Nhiều chó thả rông bị bắt, người nuôi chó hốt hoảng

15/08/2018 19:15 PM | Xã hội

Sáng 15/8, Đội bắt chó tại quận 1 (TP.HCM) phối hợp cùng Đội trật tự đô thị và Chi cục thú y đã tiến hành bắt chó thả rông trên nhiều tuyến đường thuộc trung tâm thành phố.

Khi nhìn thấy lực lượng này, nhiều người vội vàng chạy ra đường lùa chó vào nhà. Sau khoảng 2h, các thành viên đã bắt được 5 con chó. Những con vật này đều không được rọ mõm, không có người nuôi bên cạnh.

Xe bắt chó là một chiếc xe tải được cải tiến, thùng xe trở thành nơi nhốt chó, các thành viên của đội đứng ở bậc thang sắt được hàn phía dưới để dễ dàng nhảy xuống khi phát hiện chó thả rông. Số chó bắt được sẽ đưa về số 31 Mai Thị Lựu (phường Đa Kao, quận 1).

Tại đây, chó sẽ được chăm sóc và cho ăn uống trong vòng 72h. Quá thời gian trên, cơ quan thú y sẽ xử lý theo quy định. Trước khi thực hiện việc này, quận 1 đã thông báo tới các phường để tuyên truyền cho người dân biết việc không được thả rông chó ra đường.

Trong buổi sáng nay, một số chủ có chó bị bắt đã đến nộp phạt và nhận lại vật nuôi. Với các lỗi thả rông, không có chứng nhận chích ngừa, không rọ mõm, để chó phóng uế bừa bãi… người nuôi có thể bị phạt đến 1,5 triệu đồng.

TP.HCM: Nhiều chó thả rông bị bắt, người nuôi chó hốt hoảng - Ảnh 1.

Xe bắt chó đi qua các tuyến đường trong sáng 15/8.


Trước đó, vào cuối tháng 7, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi UBND 24 quận huyện và các sở, ngành liên quan yêu cầu tăng cường các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống bệnh dại.

Ngoài ra, các quận, huyện phải thống kê số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, từng hộ gia đình; đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống cũng như tầm quan trọng của việc tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.

TP.HCM: Nhiều chó thả rông bị bắt, người nuôi chó hốt hoảng - Ảnh 2.

Nhiều người vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dại do chó, mèo gây ra. (Ảnh minh họa)


Thành phố cũng yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo đăng ký với chính quyền địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến người xung quanh, không thả rông vật nuôi nơi công cộng và thực hiện tiêm phòng bệnh dại định kỳ hàng năm cho vật nuôi.

Theo Nguyễn Cường

Cùng chuyên mục
XEM