Tổng thống Indonesia: Thật xấu hổ! Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau

24/03/2016 08:46 AM | Kinh tế vĩ mô

“Trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, các nhà lãnh đạo chúng tôi đứng nắm tay nhau chụp ảnh. Dẫu vậy, tôi vẫn xem họ là những đối thủ cạnh tranh. Nếu chúng ta không thay đổi, Indonesia sẽ bị bỏ lại phía sau trong thời đại đầy biến động này”, Tổng thống Widodo cho biết.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo gần đây đã có những bài phát biểu cho thấy quan điểm cải cách đối với hệ thống quan liêu nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nước này so với các quốc gia láng giềng, đồng thời ban hành nhiều quyết định hiện thực hóa quan điểm này.

Theo đó, ông Widodo cho rằng không có lý do gì mà Indonesia lại tụt hậu hơn so với các nước láng giềng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời với đó, Ban quản lý đầu tư quốc gia (BKPM) cũng đã giới thiệu 2 quyết định nhằm giảm thiểu tình trạng quan liêu trong hệ thống nhà nước.

Với việc Cộng đồng kinh tế chung ASEAN đã bắt đầu có hiệu lực và chính phủ Indonesia đang cân nhắc việc tham gia Hiệp định Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Widodo cho rằng quốc gia này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư nhằm tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, Tổng thống Widodo phàn nàn về thành quả kinh tế yếu kén của Indonesia trong báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2016 của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Theo đó, Indonesia xếp thứ 109/189 nước.

Mặc dù xếp hạng của Indonesia đã được cải thiện từ mức 120 năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn hầu hết các quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á. Singapore đứng đầu bảng xếp hạng, Malaysia đứng thứ 18 còn Thái Lan là 49, Việt Nam là 90.

“Tôi xin phép được nhắc lại một lần nữa: chúng ta chỉ đứng thứ 109. Điều này thật đáng xấu hổ”, ông Widodo nói.

Nhà lãnh đạo Indonesia này tuyên bố ông đang hối thúc các bộ trưởng và BKPM để đẩy thứ hạng của nước này lên mức 40. Đồng thời Tổng thống Widodo cũng bày tỏ quan điểm không muốn đất nước bị tụt hậu lại phía sau trong cộng đồng ASEAN và nhận định Indonesia hiện đang phải cạnh tranh với các nước làng giềng nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

“Trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN, các nhà lãnh đạo chúng tôi đứng nắm tay nhau chụp ảnh. Dẫu vậy, tôi vẫn xem họ là những đối thủ cạnh tranh. Nếu chúng ta không thay đổi, Indonesia sẽ bị bỏ lại phía sau trong thời đại đầy biến động này”, Tổng thống Widodo cho biết.

Tiếp theo đó, ông Widodo liên tục nhắc đến nỗi xấu hổ của Indonesia khi nói về việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã phải hủy bỏ đầu tư vào đây do sự quan liêu và phức tạp của hệ thống quản lý nhà nước.

Ông Widodo nói rằng ông không muốn nghe bất kỳ kiểu khiếu nại nào như phải mất 4-5 năm chỉ để cấp phép xây dựng cho một nhà máy điện.

“Nếu như vậy thì ai còn muốn xây nhà máy điện nữa? Trong khi đó người dân lại liên tục phàn nàn về tình trạng thiếu điện tại mất kỳ khu vực nào tôi đến thăm”, Tổng thống Widodo nói.


Các nước khác trong ASEAN sẽ là đối thủ của Indonesia?

Các nước khác trong ASEAN sẽ là đối thủ của Indonesia?

Đồng thời với đó, BKPM cũng ban hành 2 quyết định mới để hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, cơ quan này sẽ thúc đẩy ngay lập tức các dự án xây dựng tại 14 khu công nghiệp ở 6 tỉnh thành toàn quốc.

Theo đó, các doanh nghiệp có thể vừa thi công vừa xin giấy phép cũng như các chứng từ khác. Về cơ bản, các nhà đầu tư có thể khởi công ngay lập tức sau khi đã có giấy phép kinh doanh, một loại cấp phép thông thường để bắt đầu kinh doanh tại Indonesia.

Phía BKPM cũng cho biết tất cả các giấy tờ sẽ được hoàn tất trước khi công ty bắt đầu đi vào hoạt động.

Quyết định thứ 2 của BKPM được gọi là chương trình cấp phép đầu tư trong 3 tiếng. Theo đó, những dự án cơ sở hạ tầng trong 4 lĩnh vực như giao thông, năng lượng và khoáng sản, dịch vụ cộng đồng, thông tin liên lạc có thể nhận được tối đa 9 loại giấy phép cần thiết chỉ trong vòng 3 tiếng, bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, đăng ký thuế, đăng ký lao động,...

Tuy nhiên những doanh nghiệp muốn tham gia chương trình này được yêu cầu khoản đầu tư tối thiểu 7,3 triệu USD hoặc thuê ít nhất 1.000 nhân viên.

Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng đã thực hiện chương trình 1 cửa vào tháng 1/2015 khi các doanh nghiệp có thể gặp đại diện của 22 cơ quan ban ngành khác nhau tại trụ sở BKPM ở thủ đô Jakarta nhằm tiết kiệm thời gian làm thủ tục.

Hiện chương trình 1 cửa này đã được phát triển lên 34 tỉnh thành và dự kiến sẽ tiết kiệm được vô số thời gian cũng như tiền bạc cho các nhà đầu tư.

BKPM cho biết tổng giá trị đầu tư nước ngoài vào Indonesia năm 2015 đã tăng 17,4% so với năm 2014.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM