Thói quen ngoáy, lấy ráy tai suốt ngày có thể khiến bạn bị điếc

19/08/2016 11:03 AM | Sống

Theo PGS Lê Công Định – trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai thói quen "ngứa – ngoáy, ngoáy – ngứa", lấy ráy tai của nhiều người hiện nay vô cùng nguy hiểm.

Nấm tai vì suốt ngày ngoáy

Theo PGS Lê Công Định – trưởng khoa tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông gặp rất nhiều bệnh nhân bị viêm da ống tai, viêm tai thậm chí là nấm ống tai vì thói quen ngoáy tai suốt ngày.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Lan – trú tại Hoàng Mai, Hà Nội vào viện vì tai chảy nhiều dịch và ngứa ngáy ở tai.

Chị Lan cho biết hầu như hàng ngày chị đều phải tự lấy ráy tai vì rất ngứa nếu không ngoáy ngoáy vào tai chị cảm thấy khó chịu. Việc lấy ráy tai hàng ngày, chị Lan nghĩ rằng đó là cách vệ sinh tai sạch sẽ.

Tuy nhiên, khi bị viêm ống tai đi khám chị Lan mới biết nguyên nhân là do thói quen lấy ráy tai hàng ngày của mình.

Hay như trường hợp của anh Trần Văn Thuận trú tại Bưởi, Ba Đình, Hà Nội thì khác. Anh Thuận thấy cảm giác ngứa trong ống tai, ngứa tăng dần nên phải ngoáy tai liên tục, càng ngoáy càng ngứa.

Sau 1 - 2 ngày, anh bắt đầu thấy đau tai, đau tăng lên khi nhai hoặc ngáp. Tai thấy nặng, cảm giác đầy tức trong tai đồng thời nghe kém hơn hẳn, anh Thuận đi khám bác sĩ cho biết anh bị nấm ống tai.

Lúc này, anh Thuận mới kể hầu như cuối tuần nào anh cũng ra quán cắt tóc nhờ người lấy ráy tai vì lấy ráy tai xong anh cảm thấy rất dễ chịu.

Khi nghe bác sĩ nói anh bị nấm ống tai do lấy ráy tai ở quán cắt tóc, anh Thuận giật mình vì hầu như chuyện lấy ráy tai này anh làm từ rất lâu đến nay mới biết nó có thể mang bệnh vào người.

Khám tai cho anh Thuận, các bác sĩ thấy một số vảy, mảnh vụn hình thành ở trong ống tai ngoài và vành tai. Ống tai ngoài bị lấp đầy bởi những mảng màu xám, đen hoặc trắng.

Quan sát ở mặt trên những mảng này, các sợi bào tử nấm mọc trông như đám mạ. Các mảng này có mùi hôi rất khó chịu. Bóc lấy một phần của mảng bám đem đi soi tươi và nuôi cấy để chẩn đoán xác định loại nấm gây bệnh.

Cực kỳ nguy hiểm

PGS Định cho biết thói quen này cực kỳ nguy hiểm mọi người tốt nhất không nên lấy ráy tai dù ráy ướt hay ráy khô vẫn phải đến bác sĩ khám.

Bình thường, theo PGS Định ráy tai chính là một lớp bảo vệ thính lực của mình tránh được những vi khuẩn xâm nhập vào trong. Lớp màng ráy này bình thường không cần phải lấy ra mà theo cơ chế của ống tai nó sẽ tự rơi ra ngoài.

PGS Định cho biết trường hợp phải lấy ráy tai nhất thiết phải đến bác sĩ khám chứ không được tự ý lấy ráy tai dù đó là ráy tai khô hay ướt.

Có những bệnh nhân khi vào khám, ráy tai đóng đầy ống tai vì ráy tai ướt và lấy bông tăm ngoáy. Họ không biết rằng càng ngoáy càng đẩy sâu ráy tai vào phía trong ống tai đến giới hạn hết ống tai ráy tai bít tắc.

Có những bệnh nhân bác sĩ phải xử lý mấy ngày mới hết được ráy tai phải có dụng cụ chuyên biệt lấy ra từng tý một chứ không lấy ra được hết.

Hay có một số trường hợp cục ráy to mà cố tình lấy gây xước xát ống tai làm viêm ống tai. Những trường hợp ráy tai to, cứng bác sĩ phải bơm nước vào cho mềm ra và lấy ra từng ít một để đảm bảo ống tai không bị tổn thương.

PGS Định cho biết việc lấy ráy tai hàng ngày vô tình đưa vi khuẩn vào tai vì dụng cụ lấy ráy tai không được sạch sẽ nên càng lấy nhiều càng ngứa gây nên vòng xoáy "ngứa ngoáy, ngoáy ngứa".

Đặc biệt, một số người có thói quen ra ngoài hàng cắt tóc gội đầu lấy ráy tai có thể mang các bệnh như HIV, nấm ống tai, viêm tai. Bởi vì các dụng cụ lấy ráy tai dùng chung, với chiếc đèn soi tai không thể đảm bảo lấy được ráy tai.

Tổn thương do nấm gây nên thường ở ống tai ngoài hoặc vành tai. Trong thời gian đầu, người bệnh không để ý vì chưa có biểu hiện gì đặc biệt; chỉ bị hơi viêm và hơi khó chịu.

Sau đó, bệnh trở nên mạn tính, tổn thương dần dần lan rộng, chất mủ có thể xuất hiện do nhiễm khuẩn thứ phát; có một số vảy, mảnh vụn hình thành ở trong ống tai ngoài và vành tai.

Người bệnh có triệu chứng cơ năng rất ngứa, cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến sức nghe, có thể dẫn đến bị điếc.

Theo Tiểu Nhã

Cùng chuyên mục
XEM