Trong cuộc đua hội nhập, Việt Nam nên là Rùa hơn Thỏ

13/11/2015 15:18 PM |

“Thà rằng là một con rùa hơn là con thỏ trong cuộc đua. Những nước dựa vào sự phát triển kinh tế vững chắc trong khi tập trung tích lũy vốn có thể không tăng trưởng nhanh, nhưng có thể ổn định hơn, tránh được khủng hoảng, và cuối cùng theo được các nước tiên tiến”.

“Việt Nam có 3 lĩnh vực tôi cảm thấy có những khoảng cách rất lớn với các nước”, GS Toshiro Nishizawa, Trường Chính Sách công, ĐH Tokyo, cho biết tại Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản về cơ hội đối tác cho Việt Nam thanh gia thành công vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sáng 13/11.

3 lĩnh vực GS Toshiro nhắc đến là Các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ; Sự hội nhập về thị trường tài chính; và Các vấn đề liên quan đến lao động.

“Với 3 lĩnh vực trên, tôi thấy tiềm năng rất lớn nhưng thách thức cũng rất to lớn. Để thực hiện các mục tiêu đặt ra với 3 lĩnh vực trên, cần có thời gian. Mục tiêu đó không thể thực hiện trong vòng vài năm. Có thể Việt Nam phải làm trong 10 năm, nhưng như vậy chưa đủ, nếu Việt Nam muốn đạt được trình độ phát triển tiên tiến hơn”, GS Toshiro nói.

Một điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, theo ông Johnathan Dunn – Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam – cho biết: Các doanh nghiệp Nhà nước chi phối ở một số lĩnh vực đã ngăn chặn sự phát triển của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ phát triển đến một quy mô nào đó rồi không thể phát triển thêm.

Về lĩnh vực tài chính, trong nhiều nền kinh tế Châu Á, nguồn vốn tăng trưởng chủ yếu thông qua ngân hàng. Trong giai đoạn này, theo Trưởng đại diện IMF Johnathan, hệ thống ngân hàng của Việt Nam có một số thách thức gắn chặt với khoản vốn tín dụng từ những doanh nghiệp Nhà nước với hiệu quả sử dụng thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn tài chính.

“Đây là những lĩnh vực chính Việt Nam cần cân nhắc nếu muốn được hưởng lợi tối đa từ quá trình hội nhập”, ông Johnathan khuyến nghị.

Nhiều chuyên gia cho rằng: Việt Nam đang rất “hăng hái” trong hội nhập. Nhưng trong một cuộc đua, không phải lúc nào “chạy nhanh” cũng thắng.

Thà rằng là một con rùa hơn là con thỏ trong cuộc đua. Những nước dựa vào sự phát triển kinh tế vững chắc trong khi tập trung tích lũy vốn có thể không tăng trưởng nhanh, nhưng có thể ổn định hơn, tránh được khủng hoảng, và cuối cùng theo được các nước tiên tiến”, GS Toshiro trích dẫn từ bài viết của một chuyên gia kinh tế mà ông tâm đắc.

“Tôi trích dẫn câu này vì đó là quan điểm của tôi về cách thức mà Việt Nam có thể tồn tại”.

TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cũng đồng tình: “Với một nước như Việt Nam, bằng lợi thế so sánh có thể bùng lên, tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, một đất nước có thể tăng trưởng chậm hơn nhờ cải cách, nhưng tăng trưởng ấy mới bền vững, đưa Việt Nam gần với thế giới, đi cùng với các nước phát triển”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM