Thứ trưởng Bộ Công thương: Nhập siêu dưới 3 tỷ USD, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn

23/12/2015 14:31 PM |

Trả lời câu hỏi khâu kiểm soát nhập siêu của Việt Nam đã thực hiện tốt hay chưa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, nhập siêu hiện chỉ ở mức 1,9% của kim ngạch xuất khẩu, còn dưới mức mục tiêu 5% do Quốc hội đề ra.

Trả lời tại buổi phỏng vấn với Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Sẽ có thông tin chính thức tổng kết để nói khâu kiểm soát nhập siêu đã thực hiện tốt hay chưa.

“Còn để đánh giá về mục tiêu đề ra thì chúng ta đã đạt được và vượt mức so với mục tiêu Quốc hội đề ra cho Chính phủ, là giữ nhập siêu ở mức dưới 5% của kim ngạch xuất khẩu”, Thứ trưởng Anh nói.

Theo Thứ trưởng, đến hết tháng 11/2015, con số nhập siêu ở mức 2,87 tỷ USD, chỉ tương đương 1,9% của kim ngạch xuất khẩu.

“Chúng ta có đủ quyết tâm rằng cả 12 tháng của năm 2015 sẽ vượt mục tiêu”, Thứ trưởng nói.

“Tôi nhớ những thời điểm, khi có vấn đề về nhập siêu từ một số quốc gia, trong các mặt hàng nhập khẩu có xu thế đặc biệt một chút về tốc độ cũng như mức độ, Chính phủ đã chỉ đạo hoặc Bộ Công thương đã chủ động báo cáo để chúng ta nghiên cứu và tìm ra giải pháp”.

Theo Thứ trưởng, ngoài những chính sách chung trong đề án về kiểm soát nhập siêu, chúng ta cũng đã thực thi rất nhiêm túc và kịp thời, phù hợp với các cam kết hội nhập. Ví như một số mặt hàng xa xỉ hoặc một số mặt hàng trong lĩnh vực cần kiểm soát, hạn chế nhập khẩu đều áp dụng được những công cụ cho phép của hội nhập quốc tế để thực thi chính sách.

Qua phân tích, hầu hết hàng hóa thuộc nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và phải hạn chế nhập khẩu thì tốc độ tăng trưởng đều ở mức cho phép. Vì vây, đây chính là nhân tố giúp chúng ta đảm bảo mục tiêu nhập siêu.

Với mục đích kiểm soát nhập siêu nhằm đấu tranh chống gian lận và trục lợi, có những mặt hàng chúng ta đã từng chứng kiến vào giai đoạn nhất định có áp lực trong nhập khẩu, như mặt hàng thép hợp kim của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam có xu thế tăng trưởng rất nóng, rất nhanh, vì chính sách của chúng ta trong nhập khẩu phù hợp với thông lệ có ưu tiên về mặt thuế suất nhập khẩu.

Điều này dẫn đến những hiện tượng đối tác bên ngoài cũng tranh thủ khai thác, tạo ra làn sóng và quy mô nhập khẩu rất lớn, không chỉ đe dọa chính sách nhập siêu mà còn ảnh hưởng đến cả chủ trương thu hút đầu tư và phát triển sản xuất nội địa để ổn định thị trường nội địa của Việt Nam.

Trước hiện tượng trên, Thứ trưởng Anh cho biết chúng ta đã kịp thời nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng những chính sách mới trong kiểm soát về chất lượng sản phẩm cũng như quy định cụ thể trong việc nhập khẩu các mặt hàng để chúng ta có những đối sách kịp thời.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM