Đồng Nhân dân tệ đang bị phóng đại thái quá?

23/11/2015 13:46 PM |

Toàn bộ số tiền gửi bằng Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục vẫn không bằng tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán Thái Lan.

Trung Quốc dường như đã có một bước tiến lớn trong việc gia tăng vị thế trên toàn thế giới sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có khả năng sẽ đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ các đồng tiền dự trữ chủ chốt của tổ chức này.

Theo nhiều chuyên gia, đây có thể là bước đi đầu tiên của chính quyền Bắc Kinh trong việc làm suy giảm vị thế của đồng USD. Tuy nhiên, hãng Bloomberg cho rằng những tín hiệu tích cực của IMF không mang nhiều ý nghĩa về tài chính.

Dù đồng Nhân dân tệ được đưa vào rổ dự trữ của IMF thì tổ chức này cũng không khuyến khích hay yêu cầu các ngân hàng trung ương cũng như nhà đầu tư phải sử dụng đồng tiền này. Trên website của IMF có ghi rõ rổ dự trữ các đồng tiền chủ chốt của họ không phải là một khuyến nghị chính thức của tổ chức về việc sử dụng tiền tệ.

Những đồng tiền trong rổ dự trữ của IMF được tổ chức này định nghĩa là được lưu hành rộng rãi trong giao dịch quốc tế cũng như trên thị trường ngoại hối. Vừa qua, Chủ tịch IMF Christine Lagarde đã có những tuyên bố cho rằng Nhân dân tệ đã đáp ứng được yêu cầu trên. Điều này là dễ hiểu khi tỷ lệ thông dụng của Nhân dân tệ đã tăng từ dưới 1% vào tháng 9/2013 lên 2,5% vào tháng 10/2015 và nằm trong top 5 đồng tiền thông dụng nhất thế giới.

Mặc dù vậy, những số liệu trên chỉ mang tính định lượng và phóng đại thái quá tầm ảnh hưởng của Nhân dân tệ. Theo Bloomberg, vị thế đồng Nhân dân tệ vẫn chưa vượt qua được đồng đô la Úc và đô la Canada. Dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng 70% giao dịch bằng Nhân dân tệ lại được thanh toán thông qua Hồng Kông cho các mục đích thương mại,vận chuyển,kinh doanh với Trung Quốc đại lục.

Ngay cả tại Châu Á, Nhân dân tệ vẫn chưa được chấp nhận là đồng tiền chính cho các giao dịch thương mại, tài chính. Thay vào đó, đồng tiền này chủ yếu được dùng cho tro đổi hàng hóa, thương mại với Trung Quốc như là một đối tác lớn trong khu vực.

Ngoài ra, Nhân dân tệ cũng không được giao dịch rộng rãi trên thị trường tài chính quốc tế. Trung tâm tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục là Hồng Kông cũng chỉ nắm giữ hơn 900 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 140 tỷ USD, thấp hơn 40 tỷ USD so với tổng mức vốn hóa thị trường của Coca Cola và chỉ bằng 1/5 tổng giá trị của hãng Apple. Toàn bộ số tiền gửi bằng Nhân dân tệ tại thị trường ngoài Trung Quốc đại lục vẫn không bằng tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán Thái Lan.

Bên cạnh đó, số liệu mới đây cho thấy Nhân dân tệ chiếm 2% dự trữ ngoại tệ toàn cầu nhưng hầu hết nằm dưới dạng thỏa thuận hoán đổi với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) chứ không phải dạng tiền mặt thực sự. Điều này đồng nghĩa với việc PBOC có thể kiểm soát tỷ giá và từ chối giao dịch nếu cần thiết như họ đã làm cách đây 1 tuần khi yêu cầu các ngân hàng tạm dừng cho vay bằng Nhân dân tệ ra thị trường quốc tế.

Trong khi nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu có kế hoạch mua vào Nhân dân tệ trong nước, họ lại gặp phải vấn đề sử dụng đồng tiền này trên thị trường quốc tế ngoài Trung Quốc. Đầu năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đồng ý cho các ngân hàng nước ngoài tham gia hoạt động thế chấp tài sản để vay Nhân dân tệ. Tuy nhiên, những giao dịch này vẫn phải đi qua các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc với các quy định giám sát và kiểm tra chặt chẽ. Theo Bloomberg, đây chưa thể gọi là tự do và thông dụng trong giao dịch tiền tệ quốc tế.

Nhiều chuyên gia có quan điểm ủng hộ Nhân dân tệ cho rằng việc IMF đưa đồng tiền này vào rổ dự trữ sẽ thúc đẩy động lực cải cách, mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc theo thời gian. Dẫu vậy, quan điểm này có rất ít bằng chứng hỗ trợ. Trong 2 năm qua, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên thị trường tài chính không hề có sự bùng nổ tăng trưởng nào. Hãng Barclays cho biết tổng số nợ bằng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế đã suy giảm kể từ giữa năm 2014, còn tỷ lệ tiền gửi Nhân dân tệ tại Hồng Kông thì không có thay đổi nhiều kể từ tháng 1 năm trước.

Trên thực tế, nhu cầu đối với Nhân dân tệ là có thật đối với các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương quốc tế. Hãng Goldman Sachs dự đoán khoảng 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối trên thế giới sẽ đổ vào trái phiếu bằng ngoại tệ nếu chính quyền Bắc Kinh thật sự mở cửa thị trường. Tuy vậy, PBOC có lẽ sẽ không dễ dàng dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát thị trường tiền tệ hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Barry Eichengreen của đại học California nhận định các nhà đầu tư quan tâm đến một đồng tiền có khả năng làm dự trữ ngoại tệ hay không chủ yếu dựa trên 3 yếu tố: số lượng tiền lưu thông, sự ổn định và tính thanh khoản. Hãng Bloomberg cho rằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chưa đạt yêu cầu về cả 3 yếu tố trên. Số lượng Nhân dân tệ thực tế được lưu thông trên thị trường quốc tế không quá lớn, tính thanh khoản và sự ổn định của đồng tiền này cũng không được đảm bảo vì còn phụ thuộc vào các hoạch định chính sách của chính phủ Trung Quốc.

Hiện nhiều nhà đầu tư đang dự đoán một cuộc biến động trên thị trường tiền tệ cũng như giá cả tài sản trên thế giới do lo ngại ảnh hưởng từ khả năng đưa Nhân dân tệ vào rổ dự trữ của IMF. Mặc dù vậy, Bloomberg cho rằng động thái của IMF sẽ khó làm Nhân dân tệ hấp dẫn hơn quá nhiều trừ khi các nhà đầu tư được tự do mua bán đồng tiền này mọi lúc mọi nơi.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM