Stephen Hawking: Khi hố đen vũ trụ được giải mã trên xe lăn

14/03/2018 19:36 PM | Xã hội

Do nghiên cứu về sự hình thành của vũ trụ nhưng không loại trừ việc có một đáng sáng thế, chắc hẳn Chúa trời sẽ vui lòng đón nhận Hawking khi ông đã yên nghỉ.

Trong số những phát minh vĩ đại không giành được giải khoa học Nobel, giả thuyết hố đen phát nổ với hàng loạt tia gamma rồi mất dần trọng lượng và tan biến là một trong những công trình khá đặc biệt. Giả thuyết này không được chứng minh khi mới ra đời so hố đen tồn tại quá lâu nên khó quan sát chúng, nhưng ý tưởng này hiện đang được lý thuyết vật lý hiện đại củng cố.

Tuy nhiên, điều khiến ý tưởng này trở nên đặc biệt hơn nữa là chúng được phát minh bởi một người tàn tật, không có khả năng di chuyển hay thậm chí là nói, nhà khoa học Stephen Hawking.

Câu chuyện về một nhà thiên tài toàn học

Nói về Hawking, mọi người không quan tâm nhiều đến những giải thưởng hay thành tựu cá nhân bởi chính việc vượt qua số phận đã khiến nhà khoa học này trở thành niềm cảm hứng cho nhiều thanh thiếu niên, cho ngành điện ảnh và nghệ thuật thế giới.

Stephen Hawking khi còn trẻ

Sinh năm 1942 tại Oxford-Anh, gia đình của Hawking là những người trí thức, chú trọng đến chuyện học hành. Tuy nhiên kết quả học tập của ông đến năm 9 tuổi vẫn chỉ đứng cuối lớp và tình hình chỉ nhích dần lên trong các năm sau.

Nguyên nhân chính được bạn bè của ông thời đó cho là do ông quá lười chứ không phải kém thông minh. Trên thực tế, bạn bè cùng lứa  đều công nhận biệt danh của Hawking là "Einstein".

Năm 17 tuổi, Hawking vào học tại trường Oxford và cảm thấy buồn chán vì phải chung sống với những người lớn tuổi hơn mình. Ông chỉ học bình quân 1 giờ mỗi ngày và dành thời gian cho những việc khác. Tính lười biếng và khó tính này khiến kết quả học tập của ông không ấn tượng, dù vẫn vượt qua được các kỳ thi. Thời gian này, dù khó chịu với tính cách của Hawking nhưng bạn bè và các giáo sư đều phải công nhận ông có năng khiếu bẩm sinh trong toán học.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi Hawking được chẩn đoán mắc bệnh sơ cứng teo cơ và chỉ có thể sống 2 năm nữa khi mới 21 tuổi. Ban đầu Hawking khá trầm uất khi biết tin dữ nhưng mối quan hệ với người bạn gái Jane Wilde đã giúp ông tìm thấy niềm tin vào cuộc sống.

Dù là người tàn tật nhưng trí thông minh cùng tinh thần vượt khó của Hawking đã khiến toàn thế giới phải nể phục

Do khó có thể di chuyển, giọng nói cũng mất dần khi các cơ trên cơ thể bị teo, Hawking có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ cũng như theo đuổi nghiên cứu những ý tưởng của mình. Trí thông minh vốn có cùng thời gian dư dả cho khoa học khiến Hawking đạt được khá nhiều thành tựu nghiên cứu.

Đặc biệt, tính cách ngông cuồng của ông thu hút được sự chú ý của cộng đồng học thuật, nhất là khi nhà khoa học tàn tật này thách thức những công trình nghiên cứu của các tên tuổi lớn. Công trình nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ của ông đã nhận giải dành cho nghiên cứu toán học xuất sắc nhất của trường Cambridge.

Khám phá thế giới trên xe lăn

Kể từ khi mắc bệnh, Hawking có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về khoa học vũ trụ mà ông yêu thích. Giả thuyết về hố đen vũ trụ của ông năm 1970 được đánh giá là xứng đáng nhận giải Nobel nếu được chứng minh đầy đủ, dù chúng đã được khoa học hiện đại ngày nay công nhận rộng rãi.

Tuy nhiên khi bệnh tình ngày một nặng, Hawking buộc phải thôi giảng ở các lớp mà ông đang làm giáo sư giảng dạy. Khi mất dần khả năng viết bằng tay, Hawking đã sáng tạo ra phương pháp thị giác để bù đắp và công trình này thực sự khiến nhiều chuyên gia sốc.

Stephen Hawking: Khi hố đen vũ trụ được giải mã trên xe lăn - Ảnh 3.

Bệnh tật không thể ngăn nổi niềm đam mê và tài năng của Hawking

Điểm ấn tượng của phát minh này không chỉ là giúp người tàn tật có khả năng ghi chép mà còn chứng minh cá tính của Hawking không chịu đầu hàng trước số phận. Ngay cả người vợ Jane cũng phải thừa nhận cá tính độc lập này của ông khi chồng mình muốn được coi trước hết là một nhà khoa học chứ không phải kẻ tàn tật cần giúp đỡ.

Có một câu chuyện khá vui nhộn là ban đầu Hawking không chịu ngồi trên xe lăn, nhưng khi bị thuyết phục, ông lại là người gây phiền nhiễu trên trường đại học khi liên tục phóng xe lăn nhanh trên các hàng lang. Sinh viên trong trường nơi ông giảng dạy bị thu hút bởi cá tính mạnh mẽ, tính hài hước và sự thông minh của vị giáo sư tàn tật này.

Tiếp trong những năm sau đó, việc không thể cử động khiến ông có nhiều thời gian nghiên cứu hơn và cho ra hàng loạt những công trình nghiên cứu về vật lý cũng như tham gia giảng dạy, thuyết trình ở các hội thảo. Mặc dù mất giọng và không thể cử động, Hawking đã sử dụng một chiếc máy đặc biệt để giao tiếp bất chấp khó khăn về sức khỏe.

Bất chấp tàn tật, Hawking vẫn tham gia các hoạt động xã hội và dần trở thành một biểu tượng trên toàn cầu

Tinh thần của Hawking không chỉ gây ấn tượng mạnh trong giới khoa học mà còn truyền nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim. Ngoài những bộ phim khoa học về không gian, các tác phẩm điện ảnh giả tưởng như Star Trek cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ lý thuyết của Hawking. Hình ảnh của ông cũng được sử dụng rộng rãi cho nhiều tác phẩm nghệ thuật và câu chuyện về cuộc đời ông trở thành nguồn cảm hứng cho hàng loạt nghệ sĩ.

Đặc biệt hơn, dù tàn tật nhưng nhà khoa học này vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm cuộc sống, thậm chí là thử cảm giác không trọng lượng trên máy bay. Ông cũng tích cực tham gia các phong trào gây quỹ cho người tàn tật, trở thành đại diện vượt khó của những người bị bệnh.

Ngoài ra, Hawking còn xuất bản rất nhiều ấn phẩm viết về khoa học vũ trụ, từ đơn giản cho đến phức tạp. Không chịu đầu hàng bệnh tật, danh tiếng của Hawking được cả thế giới công nhận. Năm 2009, ông được Tổng thống Barack Obama trao Huân chương tự do, một vinh dự đối với người tàn tật như Hawking.

Nhờ những đóng góp của Hawking cho nền khoa học và xã hội, ông đã được vinh danh và nhận được vô số giải thưởng

Năm 2014, bộ phim "Theory of Everything" nói về cuộc đời Hawking gây được tiếng vang lớn trên thế giới, đem về thêm danh tiếng cho thiên tài này. Dẫu vậy, Hawking cuối cùng vẫn phải nhập viện vào năm 2015 khi tình hình sức khỏe ngày một suy giảm.

Mới đây, gia đình của Hawking đã phải thương tiếc thông báo sự qua đời của thiên tài khoa học không chịu đầu hàng số phận. Do nghiên cứu về sự hình thành của vũ trụ nhưng không loại trừ việc có một đáng sáng thế, chắc hẳn Chúa trời sẽ vui lòng đón nhận Hawking khi ông đã yên nghỉ.

AB

Cùng chuyên mục
XEM