Sau khi uống rượu bia, nồng độ cồn đạt đỉnh cao nhất khi nào?

02/01/2024 13:36 PM | Sống

Thời gian hấp thu nồng độ cồn sẽ phụ thuộc vào trạng thái no - đói của người uống.

Trong dịp Tết đến, Xuân về, rượu bia là thức uống truyền thống gần như không thể thiếu và trở thành một phần của văn hóa Tết. Những ngày này, lượng rượu bia tiêu thụ tại Việt Nam tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, quy định xử phạt khi vi phạm nồng độ cồn cũng trở thành vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Bởi không biết nên uống như nào, uống bao nhiêu để cơ thể kịp đào thải được cồn ra ngoài.

Uống rượu mất bao lâu thì hết nồng độ cồn?

Theo đó, không có câu trả lời hoàn toàn chính xác cho câu hỏi sau bao lâu thì nồng độ cồn về 0 bởi tùy vào từng trường hợp mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.

Sau khi uống rượu bia, nồng độ cồn đạt đỉnh cao nhất khi nào? - Ảnh 1.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn như sau: một đơn vị cồn tương đương với 10 g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200 ml bia; 75 ml rượu vang (một ly); 25 ml rượu mạnh (một chén). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

Với người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì cứ sau một tiếng, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình, tùy theo thể trạng khác nhau quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi, như các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo. Ngoài ra, sau khi đã thải trừ rồi, gan cần ba tiếng nữa để nồng độ cồn trong máu về 0.

Nồng độ cồn lên cao nhất khi nào?

Trả lời trên Zingnews, ThS.BS Lê Thị Phương Thảo, phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, rượu đưa vào cơ thể được hấp thu 10% ở dạ dày, số còn lại ở ruột non. Nồng độ hấp thu rượu đạt đỉnh sau khi uống 30-90 phút. Thời gian hấp thu phụ thuộc vào trạng thái no - đói.

Chẳng hạn, khi no, nồng độ cồn hấp thu chậm hơn. Ngược lại, nếu uống rượu lúc đói, rượu nhanh ngấm vào cơ thể hơn.

Rượu có thể tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể nên khi được hấp thu vào hệ tuần hoàn, rượu được phân bố tới não và toàn bộ các mô. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác trong cơ thể…

Trong trường hợp cần uống rượu, mọi người không nên uống quá 5 ngày/tuần. Nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày. Con số này đối với nữ là một đơn vị cồn/ngày. 2 đơn vị cồn tương ứng với 1-1,5 chai, lon bia; 2 cốc bia; 2 ly rượu vang và 2 ly rượu 40 độ.

Cách giải rượu, giảm nồng độ cồn

Để nhanh giải rượu, giảm nồng độ cồn trong máu, bạn có thể áp dụng một vài cách sau:

Sử dụng trái cây sau khi uống bia rượu, tốt nhất là trái cây họ cam, quýt bằng cách ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu.

Uống nước gừng tươi. Đây là loại thực phẩm không chỉ được dùng trong chế biến món ăn mà còn “góp mặt” trong nhiều bài thuốc dân gian. Nước gừng có tính nóng có thể giảm các triệu chứng đau nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa,… ở người say rượu.  

Sau khi uống rượu bia, nồng độ cồn đạt đỉnh cao nhất khi nào? - Ảnh 2.

Uống nước gừng tươi để giải rượu

Ngoài ra, vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì, có thể giải rượu. Bạn dùng 30g vỏ quýt sao thơm tán vụn, mơ chua hai quả bỏ hạt thái vụn, đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống, có thể thêm gừng tác dụng nhanh hơn.

Giải rượu với rau má cũng được, bằng cách dùng 100g rau má tươi, hai quả chanh, 1g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, mỗi lần uống 150-300 ml.

Có thể dùng một quả chanh tươi, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả. Uống nhiều nước sau khi uống rượu là biện pháp đơn giản để giải rượu.

Khi uống rượu, bạn nên ăn đầy đủ, không để bụng rỗng, uống từ từ giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, gan kịp oxy hóa, ăn nhiều rau xanh.

Cách tốt nhất để nhanh giảm nồng độ cồn trong máu là uống ít rượu hơn. Lưu ý, khi uống rượu, tuyệt đối không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hay uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây tỉnh táo giả, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.

Tổng hợp

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM