Học được gì khi bạn may mắn được làm việc cùng Steve Jobs?

17/11/2014 14:00 PM | Quản trị

Với Mark Tacchi, quãng thời gian làm việc cho Steve Jobs từ NeXT cho đến Apple khi còn chưa tốt nghiệp đại học là "những năm tháng thay đổi cuộc đời".

Mark Tacchi là một người may mắn. Khi gần tốt nghiệp đại học năm 1993, anh quyết định bỏ học để vào đầu quân cho NeXT, công ty mà Steve Jobs thành lập sau khi bị buộc rời khỏi Apple.

Có được công việc này với Tacchi như "giấc mơ biến thành hiện thực". Anh hiện là chủ tịch của Vendini, một hãng bán vé vào cửa của các lễ hội và vé xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật với doanh nhu 300 triệu USD vào năm ngoái.

Anh nói: “Khi 15 tuổi, tôi mua chiếc máy tính Apple đầu tiên và nghĩ, sau này, mình muốn làm việc cho Steve Jobs". Lớn lên tại Winnigeg, Tacchi thậm chí không biết thung lũng Silicon ở đâu, nhưng có một điều chắc chắn là anh luôn muốn tới đó.

Làm việc được một thời gian, Apple mua lại NeXT và mời Jobs quay trở lại dẫn dắt Apple. Tacchi đã làm việc được tổng cộng 4 năm tại NeXT và Apple. Trong quãng thời gian đó anh đã học hỏi được rất nhiều điều về cách điều hành một doanh nghiệp.

Dưới đây là những kinh nghiệm anh học hỏi được từ Steve Jobs:

Tạo ra sản phẩm đơn giản

Ban đầu, Tacchi đã được mời về làm sản phẩm thử nghiệm cho một hệ thống thương mại điện tử mới mà anh miêu tả như “một cửa hàng Amazon đơn giản”. Vào lúc đó, đây là một công nghệ cực kỳ tiên tiến.

“Chúng tôi được nói rằng, hãy tìm ra một thứ gì đó và chúng ta sẽ thành công nếu Steve thích nó”. Tacchi cùng các đồng nghiệp đã làm việc chăm chỉ trên giao diện người sử dụng, khiến nó trở nên đơn giản và trực quan hết sức có thể.

5 phút trước khi bước vào phòng trình bày, người giám sát của Tacchi dừng lại. “Anh ấy đóng cửa, ngồi xuống, nhìn tôi rất nghiêm túc và nói: ‘Tôi chỉ muốn bạn hiểu rằng, bất cứ điều gì Jobs nói, bạn không nên để bụng’”.

Sau đó Tacchi bước vào phòng. “Đó là một căn phòng họp rất rộng với rất nhiều bản thử nghiệm. Và rồi Jobs bước vào. Jobs lần lượt đến các mẫu thử nghiệm. Trong bản đầu tiên, ông ngay lập tức nói: “Không, tôi không thể sử dụng được cái này”. Ở mẫu thứ hai, ông nói: “Tôi có thể sử dụng được nó nếu giao diện đồ hoạ được sửa. Và rồi đến lượt bản thử nghiệm của Tacchi.

Bởi phiên bản này được thiết kế nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện nhất với người sử dụng nên mẫu này không có hướng dẫn sử dụng. Họ nghĩ Jobs sẽ ngồi xuống và ngay lập tức bỏ đi. Và đó đúng là những gì xảy ra. “Ông ấy nhìn vào sản phẩm, ấn một số nút và sau đó ngồi lại và nói: “Ok, cái này tôi có thể sử dụng được”. Tacchi và các bạn của anh rất vui sướng.

Từ đó Tacchi luôn tâm niệm “thiết kế đơn giản nhất” dành cho tất cả các sản phẩm của mình. “Một trong những quy tắc hàng đầu của tôi là nếu cần phải có một quyển sách hướng dẫn sử dụng thì đó là một sản phẩm thất bại".

Tạo ra giải pháp, không phải sản phẩm

“Steve Jobs thích tạo ra những công nghệ có thể giải quyết được các vấn đề. Tại NeXT chúng tôi xây dựng các giải pháp cho Fortune 100. Vendini cũng đang đi theo chiến lược đó. Chúng tôi không chỉ là một công ty bán vé xem, chúng tôi tạo ra giải pháp hoàn hảo cho những lễ hội và buổi hoà nhạc. Mọi việc để giúp các công ty này sáng tạo và thành công hơn”.

Tạo ra một giải pháp hoàn hảo là cách xây dựng công ty trong dài hạn. Tạo ra một sản phẩm và tạo ra một công ty thành công thật sự rất khác nhau.

Chăm chút cho từng điều nhỏ nhặt

Sự chăm chút đến từng chi tiết của Jobs đã trở thành huyền thoại, nó được thể hiện rõ nét tại NeXT. Tacchi nói, những vật trang trí trong phòng của ông phải có cùng hình khối và chủ yếu là các màu đen, trắng và xám- những gam màu cơ bản của các sản phẩm tại công ty.

Sự tỉ mỉ này thể hiện trong cả thiết kế sản phẩm. “Màu sắc, vị trí của các nút bấm, kích thước, lựa chọn từ ngữ đều được làm hết sức tỉ mỉ”.

Cũng chính bởi việc chú ý đến từng chi tiết sản phẩm nên các sản phẩm của Apple luôn được định giá cao hơn so với đối thủ cạnh tranh . “Nhiều vấn đề nhỏ được quan tâm sẽ khiến nó trở nên quan trọng”.

Luôn thuê những người tốt nhất

Tacchi đã rất ngạc nhiên với quá trình phỏng vấn ứng viên tại NeXT. Và khi chính thức làm việc tại đây, anh đã hiểu được phần nào: “Tôi nhanh chóng nhận ra, xung quanh mình đều là những nhân tài đỉnh cao. Vì vậy, trên cương vị là một nhà lãnh đạo, tôi luôn nhắc nhở mình cần phải thuê được những nhân viên tài năng nhất”.

Điều này được áp dụng tại Vendini. “Đừng chỉ hỏi những câu hỏi đơn giản. Hãy chắc chắn mỗi người đến phỏng vấn có một lĩnh vực đặc biệt để bạn tìm hiểu”.

Tuyển dụng là một khâu hết sức quan trọng, nó rất đáng để bạn dành nhiều thời gian. “Bạn phải loại bỏ những ứng viên không phải hạng A. Bản thân nhân viên trong công ty cũng không muốn phải làm việc cùng những người hạng B”.

Khuyến khích nhân viên phát triển, ngay cả khi nó không có lợi cho bạn

Nhân viên lập trình hiển nhiên luôn yêu thích các mã code, vì vậy một trong những đồng nghiệp của Tacchi đã dành cả một buổi sáng thứ 7 để giúp giải quyết vấn đề mà một lập trình viên khác hỏi. Đồng nghiệp của Tacchi đã giải quyết được vấn đề nhưng điều không may là vấn đề đó tồn tại trong sản phẩm của công ty vốn là đối thủ của NeXT.

Phía yêu cầu được giúp đỡ sau đó đã rất cảm kích và gửi một món quà giá trị cho đồng nghiệp của Tacchi. Tuy nhiên, khi Jobs biết việc này, ông đã nổi nóng và khăng khăng bắt trả lại món quà. 

Nhìn đồng nghiệp của mình, Tacchi đã rất lo lắng khi anh giành chiến thắng trong một cuộc thi tạo ra khuôn khổ trò chơi cho Java, một điều rất mới mẻ lúc đó. Anh đã quyết định không nói cho ai về được vinh danh trên sân khấu và giữ giải thưởng là một máy trạm Sun ở nhà. 

Hiện Tacchi rất hối tiếc về hành động đó, đáng ra anh phải chia sẻ thành công này với các đồng nghiệp. Vì vậy, ở Vendini anh không cấm, thậm chí khuyến khích nhân viên tham gia và theo đuổi những sở thích bên ngoài công việc. 

Bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp

Làm việc cùng Steve Jobs khiến suy nghĩ trở thành doanh nhân là điều không quá xa vời. 6 tháng sau khi Apple mua lại NeXT, công ty kết hợp đã gặp một số vướng mắc về vấn đề tài chính vì vậy Tacchi quyết định khởi nghiệp. Công ty đầu tiên của anh là Hipbone, cung cấp công cụ hỗ trợ CRM và sau đó được mua lại bởi công ty phần mềm Kana vào năm 2014. 

Dám bỏ việc và khởi nghiệp là một trong những bài học lớn nhất Tacchi học được trong những năm tháng làm việc tại NeXT và Apple. “Đó là những năm tháng thay đổi cuộc đời tôi”, Tacchi nói.

>> Khi Steve Jobs đi bán bút, bạn không thể không mua

Phương Linh

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM