Phương pháp này giúp bạn vượt qua các kì thi hiệu quả hơn việc học thuộc lòng, ngay cả khi bị căng thẳng hay áp lực

06/12/2016 08:59 AM | Công nghệ

Một lần nữa, các nhà khoa học lại chứng minh, việc học thuộc lòng trước mỗi kì thi không hề đem lại hiểu quả như bạn mong muốn.

Các nhà thần kinh học tin rằng, sự căng thẳng chỉ khiến ta ghi nhớ kém hơn. Một bài báo đăng trên tạp chí Science cho biết, một kỹ thuật đặc biệt - là làm các bài test thực hành ghi nhớ - có thể giúp bạn vượt qua những vấn đề về ghi nhớ liên quan đến stress.

Để thực hiện nghiên cứu này, 120 người được yêu cầu phải xem lần lượt các danh sách danh từ. Sau khi xem, một nửa số người được phép đọc lại các danh sách này để ghi nhớ. 60 người khác cố gắng ghi nhớ danh sách bằng cách làm các bài test thực hành.

Một ngày sau hoạt động thử nghiệm trên, 30 người thuộc nhóm "đọc lại để nhớ" và 30 người thuộc nhóm "làm test để nhớ" được đặt vào một tình huống có độ căng thẳng cao trong đó họ sẽ bị đánh giá rất cay nghiệt. 60 người còn lại của 2 nhóm cũng phải thực hiện một tác vụ với thời lượng tương đương nhưng không hề căng thẳng.

Các nhà khoa học đo lường trạng thái cơ thể của họ bằng một thiết bị đeo ở cổ tay để đo nhịp tim và xung động mạch nhằm xác định xem sự căng thẳng có tạo ra phản ứng mà họ trông đợi hay không - và câu trả lời là Có.

Khi kết quả ghi nhớ của các nhóm khác nhau được so sánh, có 3 nhóm kết quả chính.

Thứ nhất, những người bị căng thẳng thuộc nhóm "đọc lại để nhớ" nhớ được ít từ hơn so với những người không bị căng thẳng. Điều này khẳng định lại kết luận stress khiến trí nhớ giảm sút.

Thứ hai, các nhà nghiên cứu nhận thấy thời điểm làm test cũng là yếu tố quan trọng. Nếu bài test về ghi nhớ được thực hiện trong vòng 5 phút sau khi bị căng thẳng thì không hề có sự khác biệt nào về khả năng ghi nhớ, dù họ có bị đặt vào tình huống căng thẳng hay không. Nếu bài test được thực hiện 20 phút sau trải nghiệm căng thẳng, thì có sự khác biệt rõ rệt giữa 2 nhóm "đọc lại để nhớ" và "làm test để nhớ".

Điều này cho thấy cần phải có thời gian để các hormone liên quan đến trải nghiệm căng thẳng tác động lên khả năng nhớ lại thông tin.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu lặp lại các tác động phân biệt và nhận thấy những người thuộc nhóm "đọc lại để nhớ" có thể nhớ lại được trung bình 8,2 từ trong 5 phút sau khi trải qua sự căng thẳng, và trung bình 7,9 từ sau trải nghiệm căng thẳng 20 phút.

Còn những người thuộc nhóm "làm test để nhớ" có thể nhớ lại được trung bình 9,9 từ trong 5 phút sau khi trải qua sự căng thẳng, và trung bình 10,7 từ sau trải nghiệm căng thẳng 20 phút.

Kết quả này cho thấy rõ ràng kỹ thuật "làm test để nhớ" có hiệu quả hơn rất nhiều trong việc ghi nhớ thông tin.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm trí nhớ sau trải nghiệm căng thẳng có thể do tính chất 2 pha của phản ứng căng thẳng. Cơ thể phản hồi với căng thẳng bằng 2 thay đổi chính trong hormone.

Một phản hồi diễn ra nhanh và ngắn, trong đó có tiết ra epinephrine (hormone vỏ thượng thận) và norepinephrine (hormone tuyến thượng thận). Phản hồi còn lại là sự tiết ra cortisol dần dần và kéo dài.

Nghiên cứu này cho thấy một số kỹ thuật ghi nhớ có hiệu quả hơn so với những kỹ thuật khác, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng. Các nghiên cứu sau này có thể tiếp tục tìm hiểu hiện tượng này nhưng ở một môi trường tự nhiên hơn.

Dù sao đi nữa, đối với những người cần phải học bài để chuẩn bị cho các kỳ thi, sử dụng các bài test thực hành để củng cố trí nhớ rõ ràng là một lựa chọn sáng suốt.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM