Những người thường xuyên trễ giờ, đi làm muộn: Mắc bệnh lý về tâm thần?

21/12/2018 13:15 PM | Sống

Tôi là một người hay trễ giờ. Thú thật, sáng nay, vẫn như mọi buổi sáng khác, tôi lại đi làm trễ.

Nhưng không duy mình tôi đi làm trễ. Sáng nào, tôi cũng phải chen chúc để lách mình vào chiếc thang máy chật ních và mong rằng có đủ chỗ cho hai bàn chân đứng yên, không phải nhón gót hay kiễng lên. Ở đấy, thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp những khuôn mặt còn ngái ngủ, đầu tóc rối bù, mặt mũi sưng húp; một số nhìn thấy người quen của mình đành thật thà: "Ôi sáng nào em đi giờ này mà! Quen rồi!". Thế đấy, tình cảnh mỗi sáng đi làm của tôi luôn chật vật như vậy.

Chắc hẳn bạn cũng có một người bạn thường xuyên trễ giờ hay chí ít cũng một lần gặp một người trễ giờ phải không?

Và một tin xấu mà tôi cần phải thông báo cho các bạn rằng: Một người hôm nay trễ hẹn 5 phút, ngày mai sẽ là 10 phút, ngày kia là 15 phút và ngày kìa có thể là 30 phút không biết chừng, nếu không tự ý thức được thói quen này.

Và một tin xấu nữa mà tôi cần bật mí cho các bạn rằng: Rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi phải chịu đựng thói quen trễ giờ của người khác.

Nhưng hãy thông cảm cho họ. Một nghiên cứu tâm lý về những người thường xuyên trễ giờ cho thấy đây là dấu hiệu cho thấy một chức năng nào đó của não bộ đang không hoạt động bình thường.

Những người thường xuyên trễ giờ, đi làm muộn: Mắc bệnh lý về tâm thần? - Ảnh 1.

Những người trễ hẹn không hề lười biếng, ích kỷ như định kiến

Harriet Mellotte, một chuyên gia về tâm lý tại London cho biết: "Họ bị đánh giá là những người vô tổ chức, bừa bãi và không coi ai ra gì, và những đánh giá đó chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. Tôi thường rất khó chịu trước những người đi trễ.”

Trên thực tế, nhiều người đi trễ vẫn có đầu óc rất tổ chức và muốn làm hài lòng bạn bè, gia đình cũng như sếp của mình. Họ hoàn toàn ý thức được thói quen của mình có thể tác động xấu đến những mối quan hệ, sự nghiệp và thu nhập của mình.

Lời giải thích thường được coi là lời bào chữa khó ưa

Bị ốm, nhà có việc gấp, xe hỏng, đường tắc… Muôn vàn lí do được cho là lời giải thích khi đi muộn. Một, hai lần đầu, những lời giải thích sẽ được chấp nhận. Một vài lí do đưa ra được chấp nhận còn số khác sẽ bị từ chối ngay khi mở miệng xin lỗi. 

Có những người thường hay lý giải là do mình xem trọng những vấn đề to lớn hơn là đúng giờ, hoặc do có đồng hồ sinh học của loài cú - thích sống về đêm.

Joanna, một giáo viên ở London, nói bà nổi tiếng là đi muộn, nhưng điều này đôi khi là do sự khác biệt về nhận thức. “Một người bạn hẹn tôi là ‘hãy đến sau 7 giờ. Thế nhưng khi tôi đến lúc 8 giờ hoặc muộn hơn, họ sẽ khó chịu.”

Bạn trễ giờ thường xuyên không hẳn do lỗi của bạn mà là do tính cách, cách nhìn nhận của bạn như vậy. Các chuyên gia cho rằng những người hay hối hả, vội vội vàng vàng do muộn giờ thường có cùng một số cá tính như lạc quan, khó tự chủ, hay lo lắng hoặc hay có thói quen tìm kiếm cảm giác mạnh. Một nghiên cứu năm 2001 nói rằng những tính cách khác nhau có thể khiến ta nhận thức về thời gian khác nhau.

Những người thường xuyên trễ giờ, đi làm muộn: Mắc bệnh lý về tâm thần? - Ảnh 2.

Trễ giờ liệu có phải vấn đề về tâm thần hoặc các hội chứng về thần kinh?

Đối với một số người, sự trễ giờ là “một biểu hiện cho vấn đề về tâm thần hoặc các hội chứng về thần kinh”, Mellotte cho biết. Biểu hiện của họ là hay lo lắng, thường cố gắng tránh một số tình huống. Họ tỏ ra không tự tin, tự mình thường đánh giá thấp công việc của mình và hay bỏ ra rất nhiều thời gian để kiểm tra chất lượng công việc.

Đối với Joana thì đúng, khi phải viết báo cáo ở trường: “Tôi chưa bao giờ nộp báo cáo đúng hạn, và điều này làm người ta nghĩ rằng tôi không quan tâm. Thế nhưng tôi dành hàng tuần để làm báo cáo, và tôi cố gắng viết một cách chi tiết nhất có thể về từng học sinh. Vậy nhưng điều này không được xem trọng khi báo cáo đến muộn.”

Tim Urban, một diễn giả trên TED và là người tự nhận mình hay trễ giờ, viết vào năm 2015: "Những người hay trễ giờ thường coi mình là chính kẻ thù của mình."

Những người thường xuyên trễ giờ, đi làm muộn: Mắc bệnh lý về tâm thần? - Ảnh 3.

Điều chỉnh não bộ để thay đổi cuộc đời

Cùng ý kiến với Mellotte, Tiến sỹ Linda Sapadin, một nhà tâm lý học tại New York và tác giả cuốn "How to beat procrastination in the digital age" nói một số trường hợp hay trễ hẹn là do "có vấn đề trong cách suy nghĩ". Bởi lẽ, những người này thường tập trung vào mối lo ngại gắn liền với một sự kiện hoặc một thời hạn nào đó. Và đáng tiếc thay, thay vì nghĩ ra cách để vượt qua nỗi lo này, họ lại biến chính nỗi lo đó thành nguyên nhân bào chữa.

Chẳng hạn, trong đầu bạn suy nghĩ: “Tôi muốn tới sự kiện đó đúng giờ nhưng tôi lại không biết mặc gì. Cái quan trọng là những gì đến sau từ ‘'nhưng'’, hãy biến nó thành từ "và''. Vì từ "và" giúp các nhiệm vụ trở nên ít khó khăn hơn, và mối lo ngại không trở thành chướng ngại, khác với từ "nhưng" đại diện cho sự đối nghịch và chướng ngại."

Đối với những người phải chịu đựng thói xấu này, họ cho rằng đó là điều không thể chấp nhận. Một số khách hàng của Sapadin đến gặp bà sau khi người thân của họ không thể chịu đựng thêm thói quen trễ giờ được nữa. Khi ấy, bà đã đưa ra lời khuyên: "Thay vì giận dữ, bạn nên đặt ra những giới hạn. Hãy nói với người kia rằng điều gì sẽ xảy ra nếu họ không đúng giờ.” Tốt hơn hết, hãy kiểm soát tình hình.

Có những thói quen vô cùng khó bỏ. Thế nhưng nếu tiếp tục một thói quen xấu, ảnh hưởng tới những người khác, hãy cố gắng nhìn lại suy nghĩ của mình và tìm cách thay đổi nó, dù chỉ là một chút.

V.D

Cùng chuyên mục
XEM