Ngược dòng đưa cá tra hồi hương, đến gần hơn với bữa ăn của người Việt

11/12/2019 18:00 PM | Sống

Trong khi bị người tiêu dùng Việt Nam quay lưng, cá tra lại được thị trường quốc tế đón nhận, có khi không đủ để bán.

Hiện nay, xuất khẩu chính ngạch cá tra của Việt Nam qua hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, vượt hơn 2 tỷ USD/năm (chưa tính những kênh xuất khẩu khác). Nếu như cá tra "được lòng" ở thị trường quốc tế thì tại Việt Nam, lượng tiêu thụ vẫn còn rất hạn chế và chưa được người tiêu dùng ưa chuộng.  

Đây là thông tin tại buổi trò chuyện với chủ đề: Từ công thức dinh dưỡng mới đến việc đưa cá tra vào bữa ăn cho người Việt do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cung cấp. 

Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết: "Bản thân doanh nghiệp chúng tôi xuất cá tra đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt gần 1.000 tỷ đồng /năm. Trong đó, sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê để phù hợp với nhiều món ăn nước ngoài. Nhưng, chúng tôi vẫn chưa tìm được kênh phân phối tại Việt Nam, kể cả hệ thống siêu thị và chợ truyền thống. Các công ty chế biến thủy sản ưu tiên cho vùng nuôi của họ, khi giá lên thì ưu tiên xuất khẩu cá tra do họ nuôi, khi giá giảm, lại thu mua của nông dân. Có doanh nghiệp phải đổi tên sản phẩm thành cá ba sa cho dễ bán". 

Ngược dòng đưa cá tra hồi hương, đến gần hơn với bữa ăn của người Việt - Ảnh 1.

Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ trong buổi toạ đàm

Một trong số các nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, phân tích: Bao lâu nay, cá tra bị mang tiếng oan vì nhiều tin đồn thất thiệt như cá tra được nuôi theo kiểu "cầu tõm" không sạch, nên lượng tiêu thụ trong nước không nhiều. Nhưng vừa qua, Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Mỹ. Theo đánh giá này, cá tra ở Nam Bộ là ngon nhất, không nơi nào sánh bằng, bởi cá được nuôi rất sạch, sạch hơn tất cả các loại cá khác, thậm chí còn sạch hơn các loài động vật trong môi trường thiên nhiên.

Ông Chiêm Thành Long, Tổng giám đốc Khu du lịch Bình Quới chỉ rõ thêm: Khi đưa cá tra vào nhà hàng, khách sạn, mặc dù đã chế biến bằng nhiều phương khác nhau và đa dạng thực đơn ẩm thực, nhưng thực khách vẫn e ngại. Bên cạnh đó, một trong những lý do cá tra chưa được tiêu dùng phổ biến tại thị trường nội địa, là do chưa hình thành được mạng lưới phân phối và điểm bán phổ biến.

"Điều này dẫn đến tình trạng, các nhà hàng, khách sạn muốn lấy hàng thì phải đến tận vùng nuôi; hoặc liên kết với đơn vị sản xuất, nuôi trồng nhưng phải tiêu thụ với số lượng lớn. Chính vì vậy, quan trọng nhất là làm sao xây dựng được kênh phân phối để cá tra đến tay người tiêu dùng nội địa", ông Long nói. 

Ngược dòng đưa cá tra hồi hương, đến gần hơn với bữa ăn của người Việt - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp cá tra chủ yếu tồn tại nhờ kênh xuất khẩu (Nguồn ảnh: Internet)

Huấn luyện viên sức khoẻ kiêm chuyên gia dinh dưỡng Trần Lan Hương cho rằng doanh nghiệp cần có nhiều hình thức quảng bá về quy trình sản xuất và giá trị dinh dưỡng của cá tra, để người tiêu dùng hiểu rõ cá tra ngon, sạch và cần có trong các bữa ăn hàng ngày. Chuyên gia khẳng định, cá tra Việt Nam có giá trị dinh dưỡng cao, dù rã đông vẫn ngọt thịt, tươi ngon. Bổ sung cá trong bữa ăn hàng ngày là cần thiết, bởi trong cá chứa nhiều hợp chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có thể giúp cơ thể phòng ngừa được bệnh ung thư. Hợp chất chống oxy hóa coenzyme Q10 giúp loại bỏ những yếu tố gây ung thư, axit béo omega-3 giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư vú, ung thư thận, ung thư ruột, các bệnh về tim mạch, suy giảm trí nhớ... 

Hiện, thách thức đối với cá tra đến với người tiêu dùng Việt và chinh phục thị trường nội địa là do thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân. Bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, quảng cá cá tra tại thị trường trong nước. Về vấn đề này, ông Phạm Minh Thiện cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng cho các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp... trong thời gian tới. 

Lưỡng Anh

Cùng chuyên mục
XEM