Ngân hàng OCB - một trong các “chủ nợ” lớn của FLC nói gì về khoản vay và lịch sử tín dụng của tập đoàn này?

30/03/2022 14:29 PM | Kinh doanh

Mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã có chia sẻ với truyền thông xung quanh khoản cho vay với Tập đoàn FLC.

Thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" đã gây rúng động toàn thị trường. Kéo theo đó là những lo ngại về các khoản vay mà Tập đoàn FLC đang nợ nhiều ngân hàng.

Mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã có chia sẻ với truyền thông xung quanh khoản cho vay với Tập đoàn FLC. Theo đó, các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều.

Ngân hàng OCB - một trong các “chủ nợ” lớn của FLC nói gì về khoản vay và lịch sử tín dụng của tập đoàn này? - Ảnh 1.

ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Cụ thể, tài sản bảo đảm của khoản vay của FLC tại ngân hàng chủ yếu là bất động sản, trị giá khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Một phần nhỏ là thế chấp bằng cổ phần của Bamboo Airways, trị giá khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp

Đại diện OCB khẳng định tổng giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB vì thông thường ngân hàng chỉ cho vay 70 - 80% tổng giá trị tài sản đảm bảo. Chính vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

Quan điểm của ngân hàng luôn luôn là: bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung.

Trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, ông Tùng cho rằng: "Thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt là thông tin xấu, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Tuy vậy, đến thời khắc này, chúng tôi tương đối yên tâm về khoản cho vay với FLC, do tài sản đảm bảo lớn và doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định”.

Bên cạnh đó lãnh đạo OCB cũng chia sẻ, từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu.

"FLC hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID và giai đoạn đáng lo nhất là năm 2020 và 2021 đã qua.

Tuy nhiên, đến nay các hoạt động hàng không và du lịch đều đã khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Mặc dù Chủ tịch FLC bị bắt, nhưng doanh nghiệp cũng đã có lãnh đạo mới. Các bộ phận khác của FLC cũng hoạt động bình thường, bao gồm cả Bamboo Airways", ông Tùng nói thêm.

Riêng với cổ phần BAV, Bamboo Airways là hãng hàng không tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành du lịch, hàng không nói riêng hồi phục, cổ phiếu BAV không phải là không có giá trị. Vì vậy, đến thời điểm này, OCB không có ý định bán giải chấp cổ phiếu.

Ngân hàng OCB - một trong các “chủ nợ” lớn của FLC nói gì về khoản vay và lịch sử tín dụng của tập đoàn này? - Ảnh 2.

Hiện OCB đang là chủ nợ lớn của Tập đoàn FLC, với dư nợ cuối 2021 gần 600 tỷ đồng và dư nợ trái phiếu hơn 800 tỷ đồng.

Nếu gộp chung cả 2 nghĩa vụ trái phiếu hơn 800 tỷ đồng phát sinh trong năm 2021, thì OCB là chủ nợ lớn thứ 3 của FLC với tổng dư nợ tại 31/12/2021 vào khoảng 1.389 tỷ đồng.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM