Buồn của "họ" FLC: Gần 250 triệu cổ phiếu bị bán sàn mà không ai ngó ngàng
Loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết phiên sáng nay tiếp tục giảm sàn.
Chiều tối hôm qua, ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC bị bắt vì hành vi để điều tra hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngay lập tức, thông tin tiêu cực trên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cổ phiếu FLC và các công ty liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 30/3 với sắc đỏ bao trùm ngay từ những phút đầu. VN-Index có thời điểm giảm hơn 7 điểm. Tuy nhiên, ít phút sau, sắc xanh đã trở lại. Tại thời điểm này, lúc 10h50, chỉ số VN-Index đạt mức 1.499,72 điểm, tăng 1,96 điểm (0,13%). Các mã cổ phiếu có tính nâng đỡ thị trường mạnh phải kể đến VIC, FPT, VTP, BVH, HPG, PNJ...
Mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, các mã cổ phiếu "họ" FLC lại tiếp tục có phiên thứ 3 liên tiếp giảm mạnh. Điều đáng nói là tất cả các mã cổ phiếu này đã lập tức giảm sàn ngay từ những phút đầu giao dịch nên khối lượng dư bán kỷ lục trong khi trắng bên mua. Thậm chí trong phiên ATO, dư bán giá sàn của cả nhóm đã xấp xỉ ngưỡng 250 triệu cổ phiếu.
Biến động giá các cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.
Loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết ROS - Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, ART - CTCP Chứng khoán BOS, AMD - Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC STONE, KLF - CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS và HAI - Công ty nông dược HAI đều giảm sàn mất từ 6,72 - 9,3% giá trị so với phiên trước đó.
Cụ thể, sáng nay, giá cổ phiếu FLC lại tiếp tục có phiên giảm sàn, mất 6,72% giá trị, hiện giao dịch ở mức 11.800 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm sàn thứ 12 của FLC từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu này đã mất 35% giá trị từ đầu năm đến nay. Nếu so với đỉnh là 22.500 đồng/cổ phiếu hôm 7/1 vừa qua, trước khi thông tin bán chui cổ phiếu của ông Quyết bị phanh phui thì mã này đã mất gần 50% giá trị.
AMD sáng nay cũng giảm 6,95% xuống còn 5.760 đồng/cổ phiếu. ART mất 9,3%, đang giao dịch tại 8.800 đồng/cổ phiếu. HAI, ROS và KFL lần lượt "bay 6,97%, 6,98% và 8,5% so với phiên trước đó, giao dịch tại 5.470 đồng, 7.590 đồng và 5.400 đồng/cổ phiếu.
"Họ FLC" có duy nhất có GAB của Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC trong phiên giao dịch hôm nay không có biến động giá, ở mức 196.400 đồng/cổ phiếu.
Năm giữ một lượng lớn của cổ phiếu gồm: 215.436.257 cổ phiếu FLC, 23.717.556 cổ phiếu ROS, ở 7.614.000 cổ phiếu GAB và 3.156.000 cổ phiếu ART, việc giảm sàn này của các mã khiến ông Quyết "bay hơi" lượng lớn tài sản.
Cập nhật theo giá thị trường, hiện số cổ phiếu của ông Quyết là 4.245 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với ngày hôm qua. Còn nếu so với thời kỳ đỉnh cao của ông Quyết, khi ông đạt danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt (2017) khi ông có trong tay gần 60 nghìn tỷ thì con số trên đã giảm gần 13 lần.
Cơ quan chức năng xác định ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thông đồng mua, bán nhằm đẩy giá cổ phiếu FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).
Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 với giá 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.