Một Hàn Quốc không hậu duệ?

31/08/2016 09:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Năm 2016, Hàn Quốc có ít đám cưới và trẻ sơ sinh hơn bao giờ hết. Việc có quá ít hậu duệ có thể khiến dân số nước này sụt giảm thê thảm chỉ trong 50 năm nữa. Chính phủ Hàn Quốc đã chi hàng chục tỷ USD vào việc ngăn chặn thảm họa này nhưng chưa có kết quả.

Một dân tộc có nguy cơ quá ít người

Chính phủ Hàn Quốc đã chi 72 tỷ USD (tương đương 80 tỷ won) vào các nỗ lực tăng tỷ lệ sinh ở những phụ nữ đã kết hôn. Thế nhưng Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn cho biết chưa có cải thiện gì về số ca sinh, đám cưới ở Hàn Quốc cũng ngày càng hiếm, thấp nhất kể từ khi đất nước bắt đầu thống kê các số liệu này vào năm 2000.

Nguyên nhân thứ nhất là tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15 - 29 lên đến 9,2% cùng với chi phí nhà ở quá đắt đỏ khiến thanh niên Hàn Quốc thậm chí không có điều kiện để kết hôn. Do đó, số tiền chính phủ đổ vào việc trẻ hóa dân số đã không nhắm trúng đích.

Yoo Jin Sung - nhà nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại Seoul nói với Bloomberg: "Những thanh niên thất nghiệp khiến độ tuổi trung bình kết hôn và sinh con đầu lòng ở Hàn Quốc ngày càng cao, ảnh hưởng đến kế hoạch nâng tổng số trẻ sơ sinh của chính phủ”.

Nguyên nhân thứ hai là văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc khiến nhiều phụ nữ có con gặp khó khăn trong sự nghiệp, làm cho họ càng dè dặt trong việc kết hôn và có con. Thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 65% so với đàn ông. Theo The World Economic Forum, nước này ở vị trí 115/145 về chỉ số phân biệt giới tính, tương đương tỷ lệ của Burkina Faso và Zambia - hai nước ở châu Phi.

Một cuộc khảo sát vào năm 2012 cho thấy, những bé gái 15 tuổi có khao khát xây dựng sự nghiệp mãnh liệt hơn bạn trai đồng lứa. Vào năm 20 tuổi, lực lượng lao động nữ cũng đông đảo hơn nam giới, thế nhưng nhiều phụ nữ bị "đào thải" khỏi thị trường lao động khi vào tuổi 30.

Nguyên nhân thứ ba là Hàn Quốc từ một nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế giàu có và kèm theo văn hóa làm việc khắc nghiệt nhất toàn cầu. Nước này có thời gian làm việc dài thứ ba trong những nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, bao gồm 34 nước thành viên). Thời gian ít ỏi còn lại, người lao động đi uống rượu, giải trí thay vì muốn làm việc nhà, chăm sóc con cái.

Do đó, thanh niên Hàn có quá nhiều lý do để ngày càng không mặn mà với việc kết hôn và sinh con. Riêng phụ nữ phải đứng giữa lựa chọn công việc hay sinh con vì họ không thể có cả hai.

Với tình trạng này, tỷ lệ tăng dân số của Hàn Quốc vào năm 2018 là bằng 0. Theo Techinsider, đến năm 2045, Hàn Quốc có thể trở thành nước có dân số già nhất thế giới, với độ tuổi trung bình là 50. Thậm chí, vào năm 2750, thế giới sẽ chứng kiến sự tuyệt chủng của dân tộc này nếu tình hình không được cải thiện. Sự già hóa dân số cũng sẽ đẩy Hàn Quốc vào tình trạng kinh tế tồi tệ.

Tuy nhiên trước mắt Hàn Quốc cũng được hưởng những "quả ngọt" ngắn hạn do dân số già thúc đẩy tiết kiệm, tạo ra thặng dư tài khoản vãng lai và là nguồn chính của các quỹ đầu tư. Nhà kinh tế và là cựu Giám đốc Khu vực châu Á của Nomura International Young Sun Kwon cho biết, lợi ích này sẽ chỉ kéo dài không bao lâu. Ngay trong năm 2017, nền kinh tế này sẽ gánh chịu tình trạng số người trong độ tuổi lao động thấp đi và số người từ 65 tuổi trở lên tăng nhiều hơn, trong khi đó số người dưới 14 tuổi thấp kỷ lục.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hyundai (Hyundai Research Institute), nếu những hành động của Chính phủ vẫn không thành công, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Hàn Quốc sẽ giảm xuống mức 2% vào giữa năm 2026 - 2030, thấp hơn mức 2,7% hiện nay. Điều đó càng làm cho việc thay đổi tình trạng nhân khẩu trở thành vấn đề cấp bách của Hàn Quốc.

Giải pháp nào cho cơn ác mộng vô sinh

Nếu người dân Nhật Bản, Hong Kong và Singapore có thể giàu trước khi già thì hầu như những người già Hàn Quốc chưa được hưởng đời sống sung túc. Dân số già hóa gây ra gánh nặng về kinh tế do thiếu hụt lao động, tăng tiết kiệm nhưng giảm chi tiêu, chi phí y tế và chăm sóc người già tăng cao.

Tỷ lệ sinh sản của châu Âu giảm mạnh trong năm 2011 mà nguyên nhân bắt nguồn từ suy thoái kinh tế năm 2008, kết thúc mọi nỗ lực phục hồi tỷ lệ sinh sản trong 10 năm trước đó. Trong khi Anh tăng gấp đôi lượng người trên 65 tuổi thì 50 năm tới, Nhật Bản giảm đi 1/3 dân số. Theo báo cáo của Moodys Investor Service, vào năm 2020, 13 quốc gia trên thế giới rơi vào tình trạng già hóa với 20% dân số có độ tuổi trên 65.

Tuy nhiên, cũng có những quốc gia đã thành công trong việc cân bằng dân số. Đó là những nền kinh tế có tỷ lệ lao động nữ cao, dẫn đến tỷ lệ sinh cao như Thụy Điển, Đan Mạch và Mỹ. Ngược lại, những nước có tỷ lệ lao động nữ thấp như Italy, Hàn Quốc và Nhật Bản thì tỷ lệ sinh đẻ cũng thấp. Mô hình "nhà nước vú em" đã có tại Pháp và Thụy Điển, đảm bảo phụ nữ sau khi sinh con vẫn có việc làm.

Tại Pháp, chính phủ trợ cấp cho việc có thêm con và phụ nữ không gặp bất cứ trở ngại nào khi quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ thai sản. Nữ lao động ở Mỹ sau khi sinh con được quay lại làm việc với thời gian linh hoạt hơn như làm bán thời gian, làm việc trực tuyến, tạo cơ hội vừa thực hiện được tham vọng nghề nghiệp lẫn chăm sóc gia đình.

"Mọi điều kiện ở Pháp và Thụy Điển đều tốt hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi mà bước ra khỏi quỹ đạo nghề nghiệp, bạn không còn đường trở lại" - CNBC bình luận.

Hàn Quốc cũng như Nhật Bản cần có mô hình "nhà nước vú em" ngay bây giờ để ngăn chặn thảm họa "vô sinh" đang đến rất gần. "Cần phải tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ, đồng thời giữ người già ở lại lâu hơn trong thị trường lao động" - theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Kim Jung-su. Bên cạnh đó, theo Richard Jackson - Giám đốc Tổ chức Global Aging Institute, giải pháp cốt lõi nhất là thay đổi vấn đề việc làm, cân bằng giới tính và trẻ em phải luôn là trọng tâm của bất kỳ chiến lược dân số của quốc gia nào.

Người nhập cư cũng góp phần giải quyết vấn đề nhân khẩu học khi số phụ nữ Trung Quốc, Philippines đến Hàn Quốc kết hôn tăng đến 700% trong giai đoạn 2006 - 2014. Đến năm 2030, các gia đình quốc tế sẽ giúp tăng thêm 10% dân số, so với chỉ 2% hiện nay. Vấn đề của chính phủ là phải thiết lập lại các giá trị chuẩn mực xã hội như không kỳ thị những ông bố, bà mẹ đơn thân, xóa bỏ sự phân biệt những gia đình quốc tế, những đứa con lai.

Tháng 12/2015, Bộ Tài chính Hàn Quốc ra một tuyên bố về kế hoạch thay đổi nhận thức xã hội về các hình thức gia đình khác nhau để thúc đẩy tỷ lệ sinh. Và cuối cùng, nếu hai miền Nam - Bắc Triều Tiên thống nhất, tỷ lệ sinh sẽ tăng cao, dân số được trẻ hóa cũng như Hàn Quốc có thể tận dụng được nguồn nhân lực có sẵn từ phía bắc.

Theo TĂNG KHÁNH

Cùng chuyên mục
XEM