Một đứa trẻ thức khuya, một đứa đi ngủ sớm, 1 năm sau khác biệt ra sao?

15/06/2023 10:40 AM | Sống

Không chỉ về chiều cao, trẻ thức khuya và ngủ sớm còn có những khác biệt khác.

Khi nhắc đến từ "thức khuya", đối tượng xuất hiện trong suy nghĩ của nhiều người là hoặc giới trẻ thức để chơi game, hoặc những người trưởng thành thức khuya để làm thêm giờ. Nhưng ngày nay, từ "thức khuya" không còn là vấn đề của riêng giới trẻ, rất nhiều trẻ em cũng mắc phải thói quen này.

Trẻ ngày càng lớn, áp lực học tập cũng ngày càng tăng. Nhiều trẻ thường phải ngồi viết bài đến tận nửa đêm. Cha mẹ dù lo lắng thì cũng phải giám sát hoặc ép buộc con hoàn thành vì một kết quả học tập không được thua bè kém bạn.

Nhưng điều mà nhiều phụ huynh không biết, đó là trẻ thường xuyên thức khuya học bài không những phản tác dụng mà còn có thể gây ra những tổn thương không thể khắc phục. Nếu thời gian ngủ không đủ, hệ thống miễn dịch sẽ không thể phục hồi, cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng trong thời gian dài, các cơ quan trong cơ thể sẽ dần xuất hiện tổn thương, gây ra một số bệnh nguy hiểm.

Với những đứa trẻ thức khuya thường xuyên, từ 1 năm trở lên sẽ có sự thay đổi về cả IQ và thể chất.

Một đứa trẻ thức khuya, một đứa đi ngủ sớm, 1 năm sau khác biệt ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều trẻ thức khuya để làm bài tập.

Đây là 3 điểm khác biệt giữa trẻ thức khuya và không thức khuya:

1. Khoảng cách về IQ

Thức khuya sẽ khiến trẻ ngày càng giảm trí thông minh. Các nhà khoa học tại Đại học Boston (Mỹ) đã ghi nhận những thay đổi của não bộ khi thức khuya. Trong khi ngủ, não sẽ thực hiện "tự làm sạch và giải độc": Một lượng lớn máu chảy ra khỏi não theo chu kỳ, dịch não tủy sau khi vào sẽ loại bỏ các chất độc, và quá trình "loại bỏ chất độc" này sẽ chỉ được thực hiện sau giấc ngủ.

Theo cách nói thông thường, thức khuya sẽ khiến "rác độc" tích tụ trong não và không thể thải ra ngoài một cách bình thường. Vì vậy, nếu trẻ thường xuyên thức khuya sẽ dẫn đến tình trạng "tẩy não" không đủ, càng để lâu "độc tố" tích tụ càng nhiều, xuất hiện tình trạng giảm trí nhớ… và chỉ số IQ sẽ bị giảm sút.

Các nhà khoa học tại đây cùng nhiều cộng sự quốc tế cũng đã thu thập số liệu xếp hạng từ những khảo sát giáo dục toàn cầu như Nghiên cứu về khuynh hướng học tập toán và khoa học quốc tế và Nghiên cứu Quốc tế về tiến bộ trong kỹ năng tập đọc. Công trình này được xem là những nghiên cứu định chuẩn giáo dục quốc tế lớn nhất liên quan đến 900.000 học sinh tiểu học và trung học tại 50 nước và vùng lãnh thổ.

Mức xếp hạng căn cứ vào thành tích học tập toán, khoa học và tập đọc được công bố hồi cuối năm ngoái, trong đó hệ thống giáo dục châu Á được xếp đầu bảng. Nhóm nghiên đặt câu hỏi với một số phụ huynh và thầy cô giáo về giấc ngủ của học sinh rồi đối chiếu với kết quả kiểm tra 3 môn học nói trên. Yếu tố dinh dưỡng cũng được tính đến trong khảo sát này.

Mỹ có số lượng học sinh thiếu ngủ cao nhất với 73% học sinh từ 9-10 tuổi và 80% từ 13-14 tuổi có kết quả học tập sút giảm do mất ngủ. Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ bình quân 47% học sinh tiểu học và 57% học sinh trung học thiếu ngủ trên thế giới.

2. Sự khác biệt về thể chất

Đầu tiên là chiều cao. 80% hormone tăng trưởng được tiết ra trong khi ngủ và hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều hơn vào nửa đầu của đêm. Vì vậy, trẻ không những không được thức khuya mà còn phải đi ngủ sớm nhất có thể.

Tiếp theo là sức khỏe. Trẻ em thường xuyên thức khuya dễ dẫn đến rối loạn hệ thống nội tiết, ảnh hưởng đến sự điều hòa bình thường của các hormone, làm rối loạn tiết melatonin, gây rối loạn nhịp điệu phát triển, dẫn đến cơ thể phát triển sớm.

Ngoài ra, thức khuya thường xuyên không chỉ khiến da sạm đen, vàng vọt mà còn gây ra quầng thâm và mụn. Nếu trẻ thức khuya trong thời gian dài sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao khiến trẻ tăng cân, ảnh hưởng lớn đến ngoại hình.

3. Khoảng cách học tập

Một học giả tại Đại học Lübeck ở Đức đã từng tiến hành một thí nghiệm. Ông chia một nhóm học sinh cấp hai thành hai nhóm, một nhóm thức khuya để ghi nhớ từ và nhóm còn lại ngủ đi bình thường sau khi ghi nhớ từ. Sau 48 giờ, kết quả thật bất ngờ: Tỷ lệ quên trung bình của những đứa trẻ thức khuya để ghi nhớ cao tới 15%, trong khi những đứa trẻ ngủ bình thường đã nhớ gần hết.

Trên thực tế, cha mẹ cẩn thận sẽ thấy rằng trong nhiều trường hợp, những điểm kiến thức mà trẻ không thể hiểu được vào ban ngày sẽ trở nên dễ dàng hơn vào ngày hôm sau, sau một giấc ngủ đêm. Điều này là do bộ não vẫn hoạt động khi chúng ta ngủ, nó tổ chức và xử lý thông tin được nhập vào trong ngày.

Sau một đêm ngủ, chất dẫn truyền của dây thần kinh trí nhớ dồi dào nhất vào buổi sáng. Vậy nên ngủ sớm và dậy sớm rất có lợi. Một đêm ngon giấc đồng nghĩa với trí não sử dụng tốt hơn, trẻ càng ngủ say thì khả năng học tập càng tốt.

Cha mẹ cần lập kế hoạch thời gian ngủ cho trẻ khoa học, học sinh tiểu học phải ngủ ít nhất 9 tiếng, học sinh THCS phải ngủ ít nhất 8 tiếng.

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM