Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách nào?

23/02/2017 10:48 AM | Xã hội

Nếu áp dụng phương án thứ ba thì tổng công suất sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nâng lên 43-45 triệu khách/năm khi tổng mức đầu tư khoảng 19.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng trong 2-3 năm.

Ngày 22/1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Tham dự có lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Giao thông, Xây Dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, UBND TP HCM.

3 phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn - Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) đã trình bày chi tiết 7 phương án, chia làm 3 nhóm để điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, nhóm phương án thứ nhất: xây mới đường cất - hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường cất - hạ cánh 25R/07L 1.800 m; xây dựng 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf.

Tổng mức đầu tư 201.350 tỉ đồng. Thời gian xây dựng trên 15 năm. Giải phóng 626 ha mặt bằng, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 ha đất dân cư với khoảng 140.000 hộ dân.

Nhóm phương án thứ hai: gồm 3 phương án xây dựng đường cất - hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T4 ở phía Bắc, nhà ga T3 ở phía Nam.

Tổng mức đầu tư thấp nhất là 100.961 tỉ đồng, cao nhất 187.265 tỉ đồng. Thời gian xây dựng từ 10 đến trên 15 năm.

Nhóm phương án thứ ba: gồm 3 phương án là không xây mới đường cất - hạ cánh mà chỉ xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật ở cả hai phía Bắc và Nam của sân bay. Theo đó, sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất - hạ cánh 25L/07R, 25L/07L; xây dựng nhà ga T3 và T4, mỗi nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm; xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc.

Tổng công suất sân bay Tân Sơn Nhất nâng lên 43-45 triệu hành khách/năm. Giải phóng mặt bằng 24,52 ha đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải tỏa đất dân sự.

Tổng mức đầu tư khoảng 19.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng trong 2-3 năm.

Phương án nào là khả thi?

Tại cuộc họp, ADCC đã có báo cáo theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng về việc lập phương án 3B có cùng công suất với phương án 3 nhưng đầu tư xây dựng ở phía bắc (khu vực sân golf, một số đơn vị quốc phòng và nhà dân).

Cụ thể, thay vì xây dựng nhà ga, các công trình kỹ thuật ở phía nam như phương án 3, sẽ xây dựng hoàn toàn ở phía bắc đường lăn, sân đỗ, khu dịch vụ kỹ thuật và nhà ga T4 công suất 20 triệu khách/năm, cải tạo đường hạ cất cánh 25R/07L.

Với phương án 3B, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt 43-45 triệu hành khách/năm nhưng sẽ phải giải phóng mặt bằng 276 ha, trong đó đất dân cư 28,6 ha, đất quân sự 90,1 ha và đất sân golf 157,3 ha đồng thời tái định cư cho 6.050 hộ dân. Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.590 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với phương án 3.

Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành cũng dài hơn, mất từ 10 đến 12 năm, trong đó riêng công tác giải phóng mặt bằng đã mất khoảng 5 năm.

Theo ADCC, phương án này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác khu bay, ảnh hướng đến quốc phòng, an ninh và đến quy hoạch của TP HCM, đồng thời không thể tận dụng tối đa công suất của các công trình đã có ở phía nam.

Qua rà soát, nghiên cứu kỹ các phương án, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đủ cơ sở khoa học để lựa chọn phương án 3 là phù hợp nhất.

Theo đó, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung hoàn thiện các phương án quy hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tuần tới. Bên cạnh đó, UBND TP HCM chủ động lập quy hoạch chỉnh trang đô thị khu vực sân bay điều chỉnh hệ thống giao thông kết nối với sân bay để đảm bảo giảm ùm tắc giao thông, cảnh quan đô thị.

Mai Lan

Cùng chuyên mục
XEM