Ký ức đau thương ám ảnh nạn nhân Hiroshima suốt hơn 7 thập kỷ

27/05/2016 15:31 PM | Xã hội

Với những người là nạn nhân của thảm họa hạt nhân Hiroshima, ký ức của nó không bao giờ có thể phai nhạt trong tâm trí họ ngay cả khi thảm họa đã qua đến 7 thập kỷ.

Hôm nay, 27/5, Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Hiroshima, trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm thành phố của Nhật Bản từng bị Mỹ thả bom nguyên tử cách đây 71 năm khiến 140.000 người thiệt mạng.

Theo Reuters, hành động này được Washington và Tokyo mong đợi sẽ gắn kết hơn nữa liên minh giữa hai nước đồng thời gia tăng các nỗ lực nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Hai chính phủ hy vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ nhấn mạnh một cấp độ mới của sự hòa giải và thắt chặt quan hệ giữa 2 nước trước đây từng là kẻ thù.

Với những người là nạn nhân của thảm họa hạt nhân Hiroshima, ký ức của nó không bao giờ có thể phai nhạt trong tâm trí họ, ngay cả khi thảm họa đã qua đến 7 thập kỷ.

Khi thảm họa xảy ra, bà Emiko Okada mới 8 tuổi. Bà cùng chị gái mình ở cách tâm chấn hạt nhân 2,8 km và bị thương nặng. Sau đó bà may mắn sống sót nhưng chị gái đã ra đi mãi mãi. Bà sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh thi thế chị gái gần như nát bấy ngay trước mắt mình, thứ để nhận dạng duy nhất chỉ còn là chiếc vòng bạc trên tay.

Bà Okada kể lại: “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được một tia sáng lóe lên trên bầu trời, sau đó tôi bị hất lên rồi bị dập xuống đất. Tôi không biết điều gì đang xảy ra. Lửa cháy khắp nơi. Nhiều thi thế bất động. Những ai còn sống thì cố gắng lê lết đi. Hình ảnh người chết xung quanh tôi thật kinh sợ, da của họ cháy và bốc lên mùi thịt người nướng. Con ngươi của nhiều đứa trẻ bắn ra khỏi tròng.”

“Và đến tận bây giờ, tôi chỉ muốn ở trong phòng tối. Mỗi khi bước ra ánh nắng mặt trời, tôi lại nhớ đến những ký úc kinh hoàng xưa kia. Sau thảm họa, nhiều người trở lại thành phố, các băng đảng yakuza đến giúp người dân, phân phối thực phẩm, thuốc men, sữa cho họ.”

Khi được biết, lần đầu tiên trong 7 thập kỷ sau thảm họa, sẽ có một Tổng thống Mỹ đến thăm Hiroshima, bà Okada nói: “Tổng thống Obama là người có sức mạnh đủ để làm thay đổi thế giới. Tôi hy vọng chuyến thăm của ông sẽ giúp người ta hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra tại Hiroshima và Nagasaki, dưới màn che phủ của những đám mây bom hình nấm.”

Những du khách đến thăm Hiroshima suốt nhiều năm qua luôn chứng kiến một cụ bà cần mẫn dẫn khách đi giới thiệu quanh khu vực này, kể lại những ký ức còn sống mãi với bà suốt 70 năm qua.

“Sau khi bom nổ, trời mưa. Trời mưa một thứ nước mưa đen kịt và có mùi rất kinh khủng. Tôi nhìn thấy hàng dài người bị bỏng đi âm thầm dưới mưa như những bóng đen. Bất chợt một bé gái túm lấy tay tôi và xin tôi nước. Nhiều người khác cũng gào lên yếu ớt để xin nước.”

“Tôi mang nước cho một số người, nhưng nhiều người chết ngay sau khi uống nước. Tôi thấy tiếc chỗ nước đó. Suốt bao nhiêu năm qua, chúng tôi vẫn luôn đối diện với nỗi sợ của hạt nhân. Những người may mắn được sinh ra sau này không bao giờ có thể hiểu được cảm giác đó.”

Bà Misako Katani năm nay 86 tuổi, là một trong số ít những người may mắn sống sót qua cả thảm họa hạt nhân Hiroshima và Nagasaki. Lý do khiến khi đó bà phải đối đầu với cả hai thảm họa hạt nhân là bởi sau thảm họa Hiroshima, mẹ và chị gái bà bị phát hiện đã chết, bà và bố đưa thi thể họ về quê ở Nagasaki thì khi đến nơi, họ tiếp tục phải đối diện với thảm họa hạt nhân lần thứ 2.

Ký ức của lần trông thấy mẹ và chị gái chết vẫn ám ảnh bà đến tận bây giờ. Theo bà hiểu, mẹ bà đã cố gắng lấy thân mình che cho chị gái để chị gái không chết, nhưng trần nhà sập xuống và cả hai bị đè nát bét.

Bà Katani nhớ lại: “Tôi nhặt những mảnh thi thể của họ vào một cái hộp cứng nhưng tôi nhận ra rằng thịt và xương đã quá nát và bị lẫn với bụi đất đá. Cả hai người họ được cho chung vào một cái hộp bởi gần như không thể phân biệt được mảnh thi thể nào của ai. 70 năm trôi qua, lần nào nhớ lại những ký ức trên là những ngày tôi chìm trong nước mắt. Thế nhưng tôi không ghét người Mỹ ở hiện tại, quá khứ đã qua, tôi chỉ mong trong tương lai sẽ không còn dân tộc nào trên thế giới phải chịu thảm cảnh tương tự.”

Ký ức đau thương vẫn còn ám ảnh như vậy nhưng phần lớn những nạn nhân của thảm họa Hiroshima không yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama phải xin lỗi. Là một trong số vài ngàn người còn sống sót, bà Yoshiko Kajimoto cảm thấy may mắn vì mình còn được chứng kiến đất nước Nhật của ngày hôm nay, và được chứng kiến lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước từng ném bom họ đến thăm Hiroshima.

Bà không cần phía Mỹ phải xin lỗi, nhưng bà cần cả chính phủ Mỹ và chính phủ Nhật phải thừa nhận họ đã sai lầm trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Bà Tamiko Shiraishi cũng là người như vậy, nhưng bà ứng xử với hậu quả của cuộc chiến theo một cách khác. Ngay khi cuộc sống ổn định trở lại, bà đã cố gắng học tiếng Anh, bởi trong suốt ký ức tuổi thơ của bà, người Mỹ là kẻ thù, vì thế nếu muốn chiến đấu với kẻ thù thì phải hiểu họ trước đã.

Tuy nhiên khi thời gian qua đi, vốn tiếng Anh của bà khá lên, bà hiểu hơn về nước Mỹ thì bà đã không còn coi họ là kẻ thù, bà nói: “ Tất cả mọi sự viện xảy ra đều có nguyên nhân của nó, và cái chúng ta cần ghét là chiến tranh mà chiến tranh có thể do bất kỳ nước nào gây ra.”

“Tôi đã tha thứ cho nước Mỹ và với việc tha thứ đó, ký ức mất cả cha lẫn mẹ và chị gái cũng bớt xót xa hơn theo thời gian. Tôi muốn làm người rộng lượng, biết tha thứ để con cháu tôi cũng học được điều đó. Tôi vẫn còn nhớ khi mẹ tôi còn sống, bà dạy tôi rằng con gái luôn phải biết mỉm cười bởi nụ cười sẽ mang lại may mắn. Chính vì thế, tôi chào mừng Obama đến đây, chuyến viếng thăm của ông sẽ khiến người ta không bao giờ quên thảm họa giúp thảm họa không lặp lại và cướp đi thêm nhiều sinh mạng nữa.”

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM