Kinh tế Đài Loan nằm giữa 'làn đạn' chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

10/12/2018 19:04 PM | Xã hội

Mặc dù là quan hệ mật thiết với Mỹ nhưng những nhà máy của Đài Loan tại Trung Quốc đại lục vẫn được xác định là "Made in China" và chịu thuế đặc biệt khi nhập khẩu vào Mỹ.

Chiến tranh thương mại hiện đang là chủ đề nóng nhất hiện nay. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được một số thỏa thuận nhất định nhưng viễn cảnh ngừng xung đột là khá mờ nhạt.

Trong bối cảnh đó, nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng lao đao khi nằm giữa 2 bờ chiến tuyến khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng. Một trong số đó phải kể đến Đài Loan, thị trường sản xuất công nghệ cao nổi tiếng thế giới.

Nằm giữa 2 làn đạn

Suốt 20 năm qua, các tập đoàn lớn của Đài Loan đã xây dựng hàng loạt nhà máy nằm sâu trong Trung Quốc, nhất là tại vùng đồng bằng sông Trường Giang và Châu Giang. Việc có quan hệ mật thiết với Mỹ khiến những doanh nghiệp Đài Loan nhận được được rất nhiều ưu thế trong phát triển công nghệ, vay vốn cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, chi phí nhân công rẻ, lực lượng lao động dồi dào và hàng loạt chính sách ưu đãi đã hấp dẫn công ty Đài Loan đến Trung Quốc đại lục.

Chính xu thế này đã làm giàu không chỉ cho nền kinh tế Đài Loan mà còn nâng cao khả năng công nghệ, sản xuất của Trung Quốc đại lục trong những năm bùng nổ tăng trưởng.

Kinh tế Đài Loan nằm giữa làn đạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Những thị trường xuất/nhập khẩu hàng đàu của Đài Loan (%)

Trớ trêu thay, cuộc xung đột thương mại căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đưa Đài Loan đến ngã 3 đường. Hàng loạt công ty Đài Loan phải từ bỏ những nhà máy tốn công đầu tư ở Trung Quốc nhằm dịch chuyển sản xuất sang nước khác để tránh chiến tranh thương mại. Một số thì phân vân bởi Trung Quốc có hệ thống Logistic và cung ứng mà không phải nước nào cũng có được.

Khác với những nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đài Loan là thị trường cảm thấy áp lực nhất khi bị kẹp giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thị trường này vốn là tâm điểm xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là những bạn hàng lớn hàng đầu của Đài Loan và nền kinh tế này phụ thuộc rất lớn vào xuất nhập khẩu.

Mặc dù là quan hệ mật thiết với Mỹ nhưng những nhà máy của Đài Loan tại Trung Quốc đại lục vẫn được xác định là "Made in China" và chịu thuế đặc biệt khi nhập khẩu vào Mỹ. Chính điều này khiến Đài Loan lo ngại nền kinh tế của họ sẽ chịu ảnh hưởng mạnh khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại hội nghị G20 ở Buenos Aires-Argentina, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thống nhất hoãn 90 ngày cho việc Mỹ áp thuế 25% lên 200 tỷ hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, có rất ít chuyên gia tin rằng Mỹ-Trung sẽ đạt được một thỏa thuận chính thức sau cuộc gặp này.

Với tình thế bấp bênh như vậy, các doanh nghiệp Đài Loan phải nhanh chóng tìm kiếm lối thoát đề phòng họ bị ảnh hưởng bởi những đòn chiến tranh thương mại.

"Đài Loan là một nền kinh tế nhỏ bị kẹt giữa 2 nền kinh tế lớn và không ai có thể dự đoán khi nào chiến tranh thương mại sẽ chấm dứt", Chủ tịch C.C Wang của Hiệp hội công nghiệp máy móc Đài Loan (TAMI) chia sẻ.

Các công ty Đài Loan hiện đang khá bối rối với những lựa chọn cho tương lai. Một số công ty đã mở rộng đầu tư sang các thị trường khác do chi phí nhân công tăng ở Trung Quốc đại lục thì dễ dàng hơn bởi họ chỉ việc tiếp tục chính sách mình đang thực hiện, trong khi các công ty khác lại khó lựa chọn. Những thị trường như Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ hay Indonesia đều có ưu thế nhất định nhưng cũng có nhược điểm riêng.

Kinh tế Đài Loan nằm giữa làn đạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 2.

Chỉ số sản xuất PMI của Đài Loan

Việc đưa các nhà máy trở lại Đài Loan cũng là một lựa chọn nhưng không thực sự sáng suốt khi thị trường này "đất chật người đông". Việc suy giảm tín nhiệm có thể khiến Tổng thống Thái Anh Văn xem xét giảm thuế cũng như kéo công việc trở lại Đài Loan, nhưng việc không thừa nhiều quỹ đất cũng như ảnh hưởng đến môi trường có thể cản trở những cố gắng này.

Một ví dụ điển hình là Quanta Computer, hãng sản xuất hợp đồng máy tính cá nhân và server lớn nhất thế giới, đã tuyên bố đầu tư 138 triệu USD để xây trụ sở tại Đài Loan.

"Chúng tôi quyết định chuyển một số dây truyền sản xuất dòng sản phẩm chất lượng cao trở về Đài Loan nhằm tránh thuế quan thương mại… Mặc dù chi phí sản xuất sẽ cao hơn một chút so với làm ở Trung Quốc đại lục nhưng khách hàng của chúng tôi chấp nhận được điều đó. Bằng cách này, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại lên Quanta sẽ được giảm thiểu", Chủ tịch Barry Lam của Quanta nói.

Quyết định của Quantar là dễ hiểu bởi dù Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những thỏa thuận "miệng" nhưng không ai xác định chiến tranh thương mại sẽ chấm dứt khi nào. Nhớ lại thập niên 1980, cuộc chiến thương mại Mỹ-Nhật do Tổng thống Ronald Reagan thời đó khơi mào đã kéo dài tới 10 năm và khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi đầu tháng 11/2018, Bộ tư pháp Mỹ đã cáo buộc 2 công ty Fujian Jinhua Intergrated Circuit của Trung Quốc và United Microelectronics của Đài Loan tội ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ từ một doanh nghiệp Đài Loan có trụ sở ở Mỹ là Micron Technologies. Rõ ràng, cuộc chiến thương mại và những cáo buộc ăn cắp bản quyền của Nhà Trắng nhằm vào Trung Quốc đang lan dần đến Đài Loan.

Trước tình hình này, chính phủ Đài Loan đang tranh luận xem họ có thể làm gì để giúp các công ty của mình dịch chuyển sản xuất nhằm tránh chiến tranh thương mại. Chủ tịch hội đồng phát triển quốc gia Đài Loan Chen Mei Ling cho biết hơn 40 tập đoàn lớn đang bày tỏ quan điểm muốn dịch chuyển nhà máy quay trở lại Đài Loan.

Hãng sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới Giant cho biết đang dịch chuyển trở lại Đài Loan nhằm tránh các tác động tiêu cực. Xe đạp và các thiết bị xe đạp hiện nằm trong danh sách đánh thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kinh tế Đài Loan nằm giữa làn đạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 3.

Tăng trưởng GDP của Đài Loan và tăng trưởng thu nhập hàng tháng của người dân (%)

"Đối với thị trường Mỹ, chúng tôi sẽ vận chuyển hàng trực tiếp từ Đài Loan nhằm tránh các hàng rào thuế quan", người phát ngôn Ken Li của Giant nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Bonnie Tu của Giant thừa nhận không một sản phẩm nào có thể giữ ưu thế cạnh tranh nếu chịu mức thuế bổ sung 25% mà Mỹ áp lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thương vong nặng nề

Không riêng gì những công ty xuất khẩu sang Mỹ, nhiều doanh nghiệp Đài Loan cung ứng cho nhà máy ở Trung Quốc cũng chịu tổn thất nghiêm trọng. Ví dụ trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu máy công nghiệp của Đài Loan cho Trung Quốc chỉ tăng 5%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 27% của năm 2017.

"Tăng trưởng 5% là một con số rất thấp. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã khiến nhà đầu tư Trung Quốc mất niềm tin, qua đó giảm nhu cầu nhập khẩu máy công nghiệp Đài Loan", Chủ tịch Wang của TAMI nói

Trái ngược lại, xuất khẩu máy công nghiệp từ Đài Loan sang Mỹ lại tăng 32,6% trong 10 tháng đầu năm 2018 do Tổng thống Trump muốn đưa nhà máy trở về Mỹ, qua đó làm tăng nhu cầu sản xuất. Điều trớ trêu là thị trường Mỹ chỉ chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu máy công nghiệp của Đài Loan, trong khi Trung Quốc chiếm tới 32%.

Theo Chủ tịch Wang, tất cả những gì các doanh nghiệp Đài Loan hiện nay có thể làm là cố tránh chiến tranh thương mại cũng như củng cố lợi thế cạnh tranh nhằm sống sót trong thị trường đầy biến động hiện nay.

Kinh tế Đài Loan nằm giữa làn đạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 4.

Một xưởng sản xuất của hãng Giant-Đài Loan

Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Đài Loan là Formosa Plastics hiện cũng đang "đau đớn" vì chiến tranh thương mại khi doanh thu giảm sút.

"Nền kinh tế Trung Quốc thực sự yếu hơn so với dự đoán trong khi chiến tranh thương mại và bất ổn địa chính trị càng khiến tình hình hiện nay hỗn loạn hơn", Phó chủ tịch F.Y Hong của Formosa Chemicals & Fibre cho biết.

Tệ hơn, việc dịch chuyển sản xuất tránh chiến tranh thương mại không hề dễ dàng. Đài Loan đã đầu tư hàng chục năm cho những nhà máy ở Trung Quốc và việc di chuyển sản xuất sang các nước khác cần thời gian dài quy hoạch và đầu tư. Trong khi đó, những nước Đông Nam Á hay Ấn Độ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng cho sản xuất đối với nhiều nhà máy Đài Loan.

Bởi vậy không có gì khó hiểu khi Đài Loan hối thúc Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đi đến một thỏa thuận thương mại tự do với thị trường này trong cuộc gặp APEC tháng 11 vừa qua tại New Guinea.

"Thách thức thật sự vẫn còn nằm ở phía trước với các vòng đàm phán. Trận đánh mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, ví dụ vấn đề về sở hữu bản quyền trí tuệ, công nghệ hay cải tổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đang ngày càng nóng dần lên. Nói cách khác, chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ còn tiếp tục", Phó giám đốc Roy C. Lee của Trung tâm đàm phán WTO & RTA của Đài Loan thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Chung Hua nhận định.

Kinh tế Đài Loan nằm giữa làn đạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 5.

Một nhà máy của Formosa Plastics

AB

Cùng chuyên mục
XEM