Không cam chịu với bản án phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ ra 6 sai phạm: Không định giá cổ phần, vi phạm Luật DN khi tước đoạt quyền cổ đông, ép bà Thảo nhận tiền để giao toàn quyền sở hữu Trung Nguyên cho ông Vũ

10/12/2019 09:19 AM | Kinh doanh

Phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã vạch ra 6 sai phạm của bản án phúc thẩm, một nửa trong số đó liên quan đến việc phân chia cổ phần ở 7 công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên. Các luật sư của bà Thảo cũng bày tỏ mong muốn Viện kiểm sát nhân dân sẽ có văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án này.

"Một bản án sơ thẩm đã sai phạm pháp luật khiến dư luận phản ứng quyết liệt, nay lại tiếp tục được chồng thêm một bản án phúc thẩm sai trái", đại diện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết.

"Ngay sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm, Tòa án tuyên bố hai vợ chồng ly hôn, giao toàn bộ Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tự chuyển đổi cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo ra bằng tiền, trong khi còn chưa hề có cuộc thẩm định giá nào diễn ra".

Các luật sư của bà Thảo đã vạch ra 6 sai phạm của bản án phúc thẩm, một nửa trong số đó liên quan đến việc phân chia cổ phần ở 7 công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, cho rằng Hội đồng xét xử (HĐXX) đã "can thiệp thô bạo đến quyền và tư cách cổ đông được quy định trong Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp khi đã tước bỏ các quyền về tài sản của bà Thảo với tư cách là cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên và các Công ty trực thuộc".

3 sai phạm liên quan trực tiếp đến việc phân chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên gồm:

1- Cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không định giá cổ phần và phần vốn góp. Bản án sơ thẩm đã quyết định về tài sản chung là cổ phần và phần vốn góp. Như vậy, đối tượng tài sản để chia là cổ phần và phần vốn góp. Từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án, chưa có văn bản tố tụng nào thể hiện các bên thoả thuận về giá cổ phần và phần vốn góp.

Các luật sư của bà Thảo khẳng định việc định giá cổ phần và phần vốn góp là bắt buộc (không phải định giá công ty), chứng thư thẩm định giá là định giá công ty và không phải là tài liệu mà Toà án thu thập theo quyết định định giá đã ban hành. Hồ sơ vụ án, chưa có văn bản tố tụng nào thể hiện thủ tục định giá riêng biệt về cổ phần và phần vốn góp; Chưa có kết luận định giá cổ phần và phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng.

Hiện Toà án chỉ định giá các công ty, mà Công ty là pháp nhân (một chủ thể của quan hệ pháp luật) - không phải là tài sản chung để chia. "Đặc biệt nghiêm trọng là tước đoạt toàn bộ số cổ phần và phần vốn góp mà bà Thảo đang đứng tên sở hữu, buộc bà Thảo phải giao cổ phần cho ông Vũ; buộc bà Thảo phải nhận tiền", các luật sư của bà Thảo cho hay.

Không cam chịu với bản án phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ ra 6 sai phạm: Không định giá cổ phần, vi phạm Luật DN khi tước đoạt quyền cổ đông, ép bà Thảo nhận tiền để giao toàn quyền sở hữu Trung Nguyên cho ông Vũ - Ảnh 1.

Ảnh: Tổ quốc.

2- Vi phạm trong việc áp dụng trái pháp luật về nội dung trong việc giải quyết vụ án. Theo quy định tại Điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP ngày 06/01/2016 trong việc xác định công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

"Nghiêm trọng hơn, dù ông Vũ đã khẳng định "không có tài sản riêng trước hôn nhân, không được tặng cho tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, số tiền góp vốn trong các công ty là lợi nhuận kinh doanh của các công ty trong quá trình hoạt động giữ lại", nhưng cả hai cấp Tòa phúc thẩm và sơ thẩm lại chấp nhận ngay lời khai một chiều, không có chứng cứ của những người được ông Vũ ủy quyền tham gia phiên tòa để xác định công sức đóng góp của ông Vũ nhiều hơn, quyết định phân chia khối tài sản chung là cổ phần tại các công ty theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40% là hoàn toàn không chính xác. Đã vi phạm Điều 29, 33 Luật Hôn nhân và gia đình", phía bà Thảo khẳng định.

3- C2 cấp Tòa phúc thẩm và sơ thẩm tiếp tục vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan khi tuyên buộc bà Thảo phải giao toàn bộ số cổ phần do bà Thảo đứng tên sở hữu và được phân chia theo tỷ lệ 60% - 40% cho ông Vũ.

Không cam chịu với bản án phúc thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ ra 6 sai phạm: Không định giá cổ phần, vi phạm Luật DN khi tước đoạt quyền cổ đông, ép bà Thảo nhận tiền để giao toàn quyền sở hữu Trung Nguyên cho ông Vũ - Ảnh 2.

​Việc Bản án sơ thẩm tuyên ông Vũ được quyền sở hữu toàn bộ số cổ phần do bà Thảo đứng tên sở hữu và phần được chia theo tỷ lệ 60% - 40% tại các Công ty trong Tập đoàn Trung nguyên (07 công ty) đã vi phạm nghiêm trọng các quy định được nêu trên, đồng thời đã vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của bà Thảo với tư cách là một cổ đông theo quy định tại các Điều 110, 114, 119, 126 Luật Doanh nghiệp 2015.

"Đây là hành vi cố ý lợi dụng việc phân chia tài sản chung trong một vụ án ly hôn để tước đoạt quyền của cổ đông, ép buộc cổ đông chuyển nhượng cổ phần trái pháp luật một cách trắng trợn, bằng một Bản án vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, của một cơ quan công quyền nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam", đại diện bà Thảo phản pháo.

Căn cứ các điểm nêu trên, các luật sư của bà Thảo đã đưa ra lời khuyên với bà rằng là nên làm ngay các thủ tục pháp lý để đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án này, đồng thời bày tỏ mong muốn VKSND sẽ có văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM