Khi người tiêu dùng thay đổi hậu Covid-19, Chủ tịch hay CEO cũng livestream bán hàng

12/11/2022 13:40 PM | Kinh doanh

Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam - chỉ ra thực tế rằng sau đại dịch, từ nhân viên bán hàng đến CEO, chủ tịch đều livestream, khi người tiêu dùng đã quá quen thuộc với việc mua sắm qua mạng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Khoảng thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của Covid-19 được đánh giá đã làm thay đổi đáng kể hành vi của người tiêu dùng. Họ quan tâm bảo vệ sức khỏe hơn, ưu tiên những mặt hàng thiết yếu, và dường như quen sinh hoạt trên môi trường số hơn, mua bán trực tuyến nhiều hơn.

Trước những thay đổi đó, các thương hiệu phải định vị lại mình cũng như chiến lược xây dựng thương hiệu, đồng thời kết nối với khách hàng qua những kênh khác nhau, đặc biệt là qua các nền tảng số.

Bây giờ không chỉ nhân viên bán hàng làm công tác bán hàng nữa, mà cả CEO, Chủ tịch cũng livestream để giới thiệu sản phẩm trên các kênh online”, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Thương hiệu 2022 do Forbes Việt Nam tổ chức.

Bà chỉ ra rằng trong thời gian qua, người tiêu dùng đã có khá nhiều cơ hội trải nghiệm mua sắm từ các kênh vật lý đến online. Những công cụ trước đây chỉ để giải trí như livestream hiện được sử dụng nhằm phục vụ các mục đích khác nhau.

23% người Thái Lan đang sử dụng livestream như một kênh social media cho các mục đích khác nhau như giao lưu, học tập, mua sắm. Con số này thậm chí cao hơn nữa ở Trung Quốc. 33% người Trung Quốc đang tiếp cận các app livestream, trong đó gần 10% sử dụng cho mục đích bán hàng”, bà Hà nêu ra các con số dựa trên những nghiên cứu của NielsenIQ, công ty chuyên về nghiên cứu thị trường.

Cũng theo báo cáo của NielsenIQ, thương mại điện tử đã tăng trưởng bứt phá từ năm 2016 đến nay. Tại Việt Nam, 75% số người tham gia khảo sát cho biết họ mua sắm trên các kênh thương mại điện tử nhiều hơn.

Chúng ta có thể thấy trước đây thương mại điện tử chỉ bán một số mặt hàng như đồ công nghệ hay thời trang. Còn bây giờ, kể cả hàng hóa tiêu thụ nhanh cũng được bán qua kênh này rất nhiều. Nếu nhìn thị trường Trung Quốc, có thể thấy rằng trên 30%, có thể nói là 40% hiện nay đang mua sắm hàng hóa tiêu thụ nhanh qua trên kênh online”, bà Hà phát biểu.

Bà còn cho biết xu hướng phân phối D2C (trực tiếp tới khách hàng) gần đây được các doanh nghiệp đưa ra trong chiến lược và nhận phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng.

Không những đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng, D2C còn giúp giảm thiểu phụ thuộc vào các kênh hỗ trợ trung gian. Ví dụ được đưa ra là Nike đặt mục tiêu đến năm 2024 đạt 40% doanh thu từ chiến lược D2C.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM