Dù iPhone 7 có bán chạy tới mấy, Apple vẫn cứ phải cầu cạnh Samsung vì lý do này

17/11/2016 16:23 PM | Công nghệ

Trong khi Apple đang muốn đẩy nhanh tiến trình đưa tấm màn OLED lên iPhone thế hệ mới, các nhà cung ứng lại trả lời chưa sẵn sàng.

Theo nguồn tin từ Bloomberg, Apple hiện đang ấp ủ một kế hoạch lớn cho chiếc iPhone 2017. Đó là tìm cách lôi kéo thêm nhiều người dùng mới, thông qua việc đưa những tấm màn hình OLED lên iPhone - công nghệ vốn đã được các nhà sản xuất như Samsung áp dụng từ lâu.

Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, cả 4 nhà cung ứng chính cho Apple lại không đủ năng lực sản xuất cho kế hoạch này. Thậm chí, tới năm 2018, chưa chắc iPhone đã có màn OLED như mong đợi. Và đây được xem là thách thức mới đối với công ty có trụ sở tại Cupertino.

Hiện tại, thế giới có 4 nhà sản xuất màn hình OLED chính là Samsung Display, LG Display, Sharp và Japan Display. Trong đó, Samsung Display chiếm lượng thị phần lớn hơn cả. Nhưng xem ra, nhà sản xuất Hàn Quốc lại không mấy mặn mà với Apple, bởi lãi suất thấp cộng thêm doanh số iPhone đang ngày một tăng, không thể đáp ứng kịp.

Nguồn cung hạn chế đang đẩy Apple vào thế bí, nhiều khả năng, công ty này chỉ trang bị duy nhất màn hình OLED cho một phiên bản iPhone, thay vì 2 phiên bản như mọi khi. Chắn chắn người dùng sẽ không vui khi biết điều này, thêm vào đó, Apple cũng sẽ tự "đẩy lùi công nghệ" trên iPhone nếu chỉ đưa OLED lên 1 phiên bản.

"Apple sẽ phải lường trước được sự khan hiếm nguồn cung màn hình OLED, nhất là trong bối cảnh nhu cầu màn hình OLED từ các nhà sản xuất đang tăng cao như hiện nay," Dan Panzica, chuyên gia phân tích của IHS Markit nhận định.

Dan Panzica cũng giải thích thêm, nguồn cung màn hình OLED trên toàn thế giới vốn đã khan hiếm, yêu cầu nghiêm ngặt của Apple về chất lượng màn hình lại càng khiến nguồn cung này khan hiếm hơn.

Còn theo chuyên gia Ming-Chi Kuo, người được mệnh danh là "ông thầy" đoán-toàn-trúng về iPhone cho rằng, trong lễ kỉ niệm 10 năm tới, Apple sẽ tung ra model iPhone hoàn toàn mới sử dụng tấm màn OLED với số lượng hạn chế. Trong khi model còn lại sẽ dùng tấm màn LCD thế hệ cũ.

Nhưng ít nhất, theo Ming-Chi Kuo, iPhone trong năm 2017 sẽ được đổi mới hoàn toàn về thiết kế, bao gồm: màn hình không viền, mặt kính phía trước liền mạch, nút Home ảo đặt dưới tấm màn kính, thay cho nút Home vật lý.

Quay trở lại với câu chuyện về chuỗi cung ứng màn hình OLED, Samsung hiện là hy vọng duy nhất dành cho Apple. Sharp và Japan Display vẫn đang trong quá trình đầu tư và mở rộng dây chuyền sản xuất màn hình OLED, sớm nhất là vào năm 2018 mới hoàn thành.

Còn như LG Display, dự án 1,5 tỷ USD sản xuất màn hình OLED tại Hải Phòng, Việt Nam cũng vừa mới được khởi công vào tháng 5 năm nay. Nghĩa là iPhone thế hệ mới trong năm 2017 sẽ khó lòng kỳ vọng vào năng lực sản xuất màn hình OLED của LG.

Tất nhiên, phía Apple đã lường hết được trước những khó khăn đó. Nhưng điều này không đồng nghĩa, CEO Tim Cook đại tài có thể một tay che phủ cả thị trường màn hình OLED.

Cách đây không lâu, một số nguồn tin từng cho rằng, Apple đã kí với Samsung một thỏa thuận cung ứng màn hình OLED cho iPhone vào năm 2017, với yêu cầu lên tới 100 triệu tấm màn mỗi năm. Thế nhưng, thỏa thuận này nhiều khả năng sẽ có nguy cơ đổ bể.

Bởi ngay cả Samsung cũng phải "toát mồ hôi hột" mới đáp ứng đủ lượng màn hình OLED cho smartphone của chính hãng này. Vậy hà cớ gì, họ phải tiếp tay cho đối thủ trực tiếp của mình trên thị trường smartphone cao cấp?

Chưa rõ, CEO Tim Cook sẽ xoay sở ra sao trong trường hợp này. Nhưng nếu không thể giải quyết được vấn đề nguồn cung màn hình OLED với Samsung, iPhone 2017 của Apple sẽ khó gây được ấn tượng với người dùng, nhất là khi iPhone 7/7 Plus trong năm liên tục bị chê nhàm chán.

Điều này giải thích tại sao, trong mọi kế hoạch phát triển bất kì sản phẩm, Apple luôn phải liên kết với rất nhiều nhà cung ứng, tránh trường hợp chơi "tất tay" để rồi thua cả. Như câu chuyện về nguồn cung ứng màn hình OLED trong năm tới là một ví dụ.

Trước đó, Apple đã ít nhất một lần thất bại với dự định đưa màn hình sapphire lên iPhone 6 vào năm 2014. Mặc dù đã tìm được nhà sản xuất đáng tin cậy là GT Advanced Technologies, nhưng nguồn cung nguyên liệu khan hiếm đã khiến kế hoạch này đi vào ngõ cụt. Kết cục là Apple từ bỏ màn hình sapphire, còn GT Advanced Technologies thì phá sản.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM