Đây là lý do đẩy nợ công Việt Nam tăng mạnh lên tới 2,3 triệu tỷ đồng

26/08/2016 10:26 AM | Kinh tế vĩ mô

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều lý do khiến nợ công tăng chóng mặt. Các địa phương, các Bộ, cơ quan trung ương chi vượt dự toán lên tới 90%, 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản, nhiều dự án được bảo lãnh vay đã giải thể hoặc phá sản…

Dư nợ công đến 31/12/2014 là 2,3 triệu tỷ đồng, bằng 58,02% GDP. Mức nợ công này đã tăng tới 17,1% so với năm 2013.

Trong giai đoạn 2010-2014, mức tăng bình quân của dư nợ công ở mức 18,6%/năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính. Tính đến 31/12/2015, nợ công chiếm khoảng 62,2%GDP và nợ Chính phủ khoảng 50,3%GDP.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ công và công tác quản lý nợ công vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể:

- Danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; tốc độ nợ công tăng nhanh.

Công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo; Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để KTNN xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014.

- Việc giao kế hoạch vốn ngoài nước tại Quyết định số 2011/QĐ-BKH&ĐT ngày 31/12/2013 của Bộ KH&ĐT chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chưa đảm bảo theo tiến độ của các dự án, dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch NSNN đã được Quốc hội quyết định.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, số giải ngân năm 2014 của các Bộ, cơ quan trung ương là 13.074 tỷ đồng, vượt 82,8% so với kế hoạch.

Số giải ngân của 63 địa phương là 14.658 tỷ đồng, vượt 90,3% so với kế hoạch.

- Bộ Tài chính ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng niên độ

- 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản; các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất.

Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải bán, giải thể hoặc phá sản.

Tính đến 31/12/2014, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 1,3 tỷ USD, chiếm 10,06% tổng dư nợ, trong đó 60 dự án và Vinashin sử dụng vốn vay về cho vay lại, vốn trái phiếu quốc tế có nợ quá hạn tương đương 416,7 triệu USD.

Một số dự án được bảo lãnh vốn vay khác có thể kể đến dự án Thiết bị thi công - Công ty Xây dựng Thủy lợi 27 (nợ quá hạn 0,285 triệu USD); Dự án Thiết bị thi công dự án Ayun hạ - Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi 42 (nợ quá hạn 0,152 triệu USD; Nhà máy Bột giấy Phương Nam từ năm 2008 không trả được nợ, đến 31/12/2014 còn phải trả Quỹ Tích lũy 52,7 triệu EUR và nợ vay nước ngoài chưa thanh toán 26,8 triệu EUR nhưng có nguy cơ hoàn toàn mất khả năng trả nợ.

- Một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; không bố trí đủ dự toán để trả nợ; 19/50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM