Đại diện Xiaomi: Chúng tôi từng vượt qua các đối thủ lớn nhất tại Ấn Độ, nên thị trường Việt Nam cũng sẽ sớm thành công

29/07/2017 09:34 AM | Công nghệ

Giám đốc quản lý sản phẩm và Marketing toàn cầu của Xiaomi cho biết: "Trong gần 3 năm có mặt ở đây, chúng tôi đã vươn lên vị trí số 1 về kênh bán hàng online. Theo số liệu từ IDG, từng có thời điểm chúng tôi chiếm tới 40% thị phần kênh bán hàng online tại Ấn Độ, nhiều hơn tổng thị phần 3 hãng xếp sau cộng lại".

Vừa qua, tại sự kiện ra mắt bộ đôi Mi 6 và Mi Max 2, ông Donovan Sung - Giám đốc Quản lý Sản phẩm và Marketing toàn cầu của Xiaomi đã có buổi giao lưu với báo giới ở Việt Nam.

Chiến lược kinh doanh của Xiaomi trong thời gian sắp tới, cũng như cách làm thị trường của thương hiệu này là 2 trong số những nội dung nổi bật được ông Donovan Sung đề cập.

Dưới đây sẽ là những thông tin chi tiết được lãnh đạo Xiaomi chia sẻ trong sự kiện lần này.

PV: Chào ông Donovan. Xin ông cho biết, Xiaomi đánh giá thế nào về thị trường di động tại Việt Nam?

Chúng tôi đánh giá thị trường di động Việt Nam rất hấp dẫn, người dùng rất trẻ, và đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, bao gồm cả điện thoại thông minh và feature phone.

Sứ mệnh của chúng tôi là phát triển ra các sản phẩm tốt nhất, mức giá phù hợp nhất, và người Việt chắc chắn sẽ thích các sản phẩm của Xiaomi.

Bản thân chúng tôi khi nghiên cứu về thị trường, đã nhận thấy người dùng Việt rất thích các hoạt động gắn liền với giải trí, nghe, nhìn. Mà nhu cầu này thì Xiaomi đáng ứng rất tốt.

Như chiếc Mi 6 và Mi Max 2 là một ví dụ, máy sở hữu màn hình lớn, chơi game, xem phim đều cho trải nghiệm tốt. Do đó, chúng tôi tin là các model của Xiaomi sẽ phù hợp ở thị trường Việt Nam.

PV: Hiện tại, thị trường di động Việt Nam đã có rất nhiều tay chơi lớn góp mặt, như Samsung, OPPO... Điểm chung của các ông lớn này là họ đã có kinh nghiệm và thời gian đủ lâu để hiểu thị trường, hiểu người dùng. Vậy chân ướt, chân ráo, tiến vào Việt Nam, Xiaomi có lo lắng gì không, thưa ông?

Chúng tôi hiểu đó đều là những người chơi lớn. Nhưng bản thân Xiaomi lại không lo lắng lắm, vì chúng tôi có hướng đi rất riêng. Mấu chốt của Xiaomi là kinh doanh sản phẩm chất lượng, nhưng mức giá rất hợp lí. Và đó là sự khác biệt rõ nhất, khi so sánh Xiaomi với các đối thủ.

Ví dụ như tại thị trường Ấn Độ, cả Samsung và OPPO đều rất mạnh. Nhưng tại đây, chúng tôi vẫn đạt được những kết quả rất tốt. Trong gần 3 năm có mặt ở đây, chúng tôi đã vươn lên vị trí số 1 về kênh bán hàng online.

Và đây cũng là lần đầu tiên, có một thương hiệu vượt qua được Samsung ở Ấn Độ. Theo số liệu từ IDG, từng có thời điểm chúng tôi chiếm tới 40% thị phần kênh bán hàng online tại Ấn Độ, nhiều hơn tổng thị phần 3 hãng xếp sau cộng lại.

Còn như Samsung, họ đã có mặt ở Ấn Độ được 10-15 năm, hẳn có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng kết quả là chúng tôi vẫn kinh doanh tốt, vẫn cạnh tranh được. Do đó, việc đến sau với chúng tôi không phải là trở ngại quá lớn.


Mẫu điện thoại Redmi Note 4 được bán rất chạy của Xiaomi

Mẫu điện thoại Redmi Note 4 được bán rất chạy của Xiaomi

PV: Ông có thể chia sẻ kĩ hơn về bí quyết giúp Xiaomi vươn lên ngôi vị số 1 trên kênh bán hàng online tại Ấn Độ?

Theo tôi, thành công này của Xiaomi đến từ sự tổng hòa của nhiều yếu tố.

Đầu tiên là chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm không tốt, bạn nói gì cũng vậy. Ngay trong nội bộ công ty, chúng tôi thường nói với nhau: chính sản phẩm là công cụ marketing hữu hiệu nhất. Do đó, dù ở thị trường, phân khúc nào, chúng tôi cũng ưu tiên yếu tố chất lượng.

Như viên pin trên smartphone Xiaomi là một ví dụ. Dù bạn so sánh với thương hiệu nào, dung lượng pin trên điện thoại Xiaomi luôn "khủng" hơn.

Bạn biết đấy, ngày nay mọi người dùng điện thoại rất nhiều, cả chơi, làm và xem video. Cho nên ai cũng thích một chiếc điện thoại có pin mạnh. Bằng cách chăm chút cho công nghệ pin, chúng tôi đã ghi điểm trong mắt người dùng với yếu tố chất lượng.

Thứ hai là mức giá. Bản thân Xiaomi khi tung ra bất kì sản phẩm nào, luôn có sự cân bằng giữa chất lượng và giá bán.

Sản phẩm ở đây chúng tôi muốn nhắc tới là chiếc điện thoại Redmi Note 4, cũng có bán ở thị trường Việt Nam. Redmi Note 4 là sản phẩm bán chạy nhất trong Q1/2017 tại Ấn Độ, và đây lần đầu tiên một chiếc điện thoại không phải của Samsung dành được thương hiệu này.

Triết lý thành công của chúng tôi rất đơn giản, tạo ra một sản phẩm đủ tốt, với mức giá hấp dẫn nhất có thể.

Thứ ba là chiến lược marketing. Cách chúng tôi làm marketing rất khác các thương hiệu khác. Vì điện thoại Xiaomi được bán ra rất sát với giá sản xuất, nên chúng tôi hầu không chi nhiều tiền cho các chiến dịch marketing, hay thuê các đại sứ thương hiệu. Thay vào đó, Xiaomi tập trung vào cộng đồng người dùng, cũng như các mạng xã hội.

Nhờ chiến lược đi thẳng tới cộng đồng như vậy, nên thương hiệu Xiaomi được xây dựng bền vững và ngày một có vị thế vững chắc trong lòng cộng đồng yêu công nghệ.

Một câu chuyện khác có thể kể, đó là Xiaomi rất biết bắt "trend". Cách đây 3 năm, khi Xiaomi mới thâm nhập thị trường Ấn Độ, các kênh online chỉ mới bắt đầu khởi sắc.

Khi đó, chỉ có Amazon và Flipkart là 2 kênh bán hàng online lớn nhất. Bắt được xu hướng này, Xiaomi đã tự mở kênh TMĐT riêng và đầu tư rất nhiều vào đó, là Mi.com. Kết quả là việc kinh doanh online của Xiaomi rất tốt. Hiện nay, ở thị trường Ấn Độ, khoảng 30% người mua điện thoại là qua kênh online. Và Xiaomi là một trong những trang TMĐT rất lớn.

Do đã thành công ở Trung Quốc, Ấn Độ, nên chúng tôi rất tự tin. Nhìn về cuộc chơi dài hạn, chúng tôi rất tin tưởng Xiaomi sẽ thành công thị trường Việt Nam.


Ông Donovan Sung - Giám đốc Quản lý Sản phẩm và Marketing toàn cầu của Xiaomi

Ông Donovan Sung - Giám đốc Quản lý Sản phẩm và Marketing toàn cầu của Xiaomi

PV: Quả là một chiến lược ấn tượng. Nhưng có lẽ bức tranh thị trường di động tại Việt Nam có những điểm khác biệt so với thị trường Ấn Độ. Trên thực tế, hoạt động bán lẻ tại Việt Nam vẫn chiếm tới 95%, trong khi TMĐT chỉ là 5%. Vậy Xiaomi đã có chiến lược cụ thể nào cho hoạt động bán lẻ tại Việt Nam chưa, thưa ông?

Để giải bài toán này, chúng tôi dự kiến sẽ mở một chuỗi các cửa hàng ủy quyền của Xiaomi tại Việt Nam, được gọi là Mi Store, giống cách chúng tôi làm chuỗi Mi Home tại Trung Quốc - các cửa hàng trưng bày và bán trực tiếp các sản phẩm của Xiaomi.

Chúng tôi cũng biết kênh online tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5%, nên có lẽ chúng tôi sẽ kiên nhẫn chờ thêm.

Điểm duy nhất chúng tôi có thể bật mí ở thời điểm này, đó là nếu Xiaomi có mở chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, chúng tôi sẽ làm theo một cách rất riêng, khác biệt hoàn toàn với các thương hiệu khác. Về kế hoạch, hay thời gian mở chuỗi, chúng tôi chưa thể tiết lộ được.

PV: Tự mình mở chuỗi bán lẻ, ông có lo ngại, chuỗi Mi Store của Xiaomi tại Việt Nam sẽ "gây chiến" với các chuỗi bán lẻ truyền thống như Thế Giới Di Động, FPT Shop - vốn đã có rất nhiều kinh nghiệm và thị phần lớn không?

Ở đây, chúng tôi muốn hướng tới việc hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh. Nếu mở chuỗi cửa hàng Mi Store ở Việt Nam, chúng tôi sẽ làm việc chung với đối tác là Digiworld.

Ở thị trường Trung Quốc, chuỗi Mi Home là do chính chúng tôi xây dựng và vận hành. Trong khi đó, Mi Store là chuỗi mà chúng tôi sẽ ủy quyền và làm chung với các nhà phân phối, các nhà bán lẻ. Hơn bao giờ hết, chúng tôi hiểu rằng, muốn thành công ở nước ngoài thì Xiaomi phải kết hợp với các đối tác bản địa - vốn đã rất hiểu khách hàng và thị trường.

PV: Có một thực tế là điện thoại Xiaomi "rẻ" nhờ cắt giảm tối đa chi phí mở cửa hàng, hay quảng cáo. Tuy nhiên, nếu quyết định chi tiền mở chuỗi bán lẻ Mi Store, điện thoại Xiaomi có còn "rẻ" nữa không, thưa ông?

Thực ra, chúng tôi vẫn chưa xây dựng cửa hàng Mi Store nào tại Việt Nam, nên chi tiết này chúng tôi vẫn chưa thể trả lời được.

PV: Vậy còn sản phẩm thì sao, thưa ông? Sau một khoảng thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Việt Nam, ông cho rằng đâu sẽ là phân khúc sản phẩm chủ lực của Xiaomi ở thời điểm này?

Chúng tôi tin là sản phẩm nào của Xiaomi cũng sẽ bán tốt ở Việt Nam. Bởi dù là ở phân khúc nào, giá bán của chúng tôi cũng rất cạnh tranh, đặc biệt phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam.

Ở phân khúc cao cấp, chúng tôi có chiếc Mi 6. Còn Mi Max 2, chúng tôi nhắm tới đối tượng trẻ trung, năng động, có thể xếp vào tầm trung. Hoặc như Redmi Note 4, giá bán và hiệu năng tốt, phù hợp với người tiêu dùng có túi tiền eo hẹp.

Như vậy, dù ở phân khúc nào, chúng tôi cũng đều có sản phẩm mang tính cạnh tranh, cân bằng giữa 2 yếu tố là giá và chất lượng.


Một cửa hàng thuộc hệ thống Mi Home của Xiaomi tại Trung Quốc

Một cửa hàng thuộc hệ thống Mi Home của Xiaomi tại Trung Quốc

PV: Có vẻ như Xiaomi đang ấp ủ một tham vọng to lớn hơn, phải không thưa ông?

Đúng vậy, năm 2018 chúng tôi đặt mục tiêu bán được 100 triệu sản phẩm trên toàn cầu, và không có nhiều công ty trên thế giới hoàn thành được mục tiêu này.

Còn trong năm nay, chúng tôi đang ngày một tiếp cận mục tiêu doanh thu 100 tỷ NDT, bao gồm cả bán điện thoại và các sản phẩm IoT.

Cũng mới ngày hôm qua thôi, CEO Lei Jun của chúng tôi cũng đặt ra một mục tiêu quan trọng trong 3 năm tới, đó là mở 1.000 cửa hàng Mi Home ở Trung Quốc. Đồng thời, số lượng cửa hàng Mi Store ủy quyền trên thế giới cũng sẽ phải đạt 1.000.

Và tất nhiên, thị trường Việt Nam sẽ là một phần trong lộ trình này.

PV: Cảm ơn ông vì những chia sẻ thú vị này!

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM