'Cuộc đổ bộ' của các mạng xã hội Trung Quốc tại Ấn Độ

17/03/2019 08:48 AM | Kinh doanh

Các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc như TikTok đang đổ bộ Ấn Độ và đang vướng nhiều cáo buộc, từ phát tán nội dung không lành mạnh đến gián điệp. Chính phủ Ấn Độ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và cân nhắc ra lệnh cấm.

Một cô gái đi đi lại lại trước mặt bạn trai, tỏ ra muốn thăm dò ý kiến anh ta về bộ trang phục mà cô đang mặc. Chàng trai liên tục lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý. Cô tiếp tục thử nhiều bộ đồ khác, nhưng những gì cô nhận lại vẫn cái lắc đầu từ người bạn trai. Cuối cùng, khi cô ấy mặc lên người bộ burqa của người đạo Hồi che cả người và mặt, người bạn trai chợt reo lên “Hoàn hảo”.

Nội dung của vở kịch ngắn này mang hàm ý châm biến những người đàn ông Ấn Độ - những người luôn giữ quan niệm bảo thủ trong cách ăn mặc của bạn đời hoặc bạn gái, là sản phẩm của Radhika Bangia trên mạng xã hội TikTok. Đây là ứng dụng được phát triển bởi một công ty Trung Quốc chuyên dùng để dựng và chia sẻ những video ngắn, trở nên khá phổ biến tại Ấn Độ gần đây.

Số lượng người dùng tại quốc gia Nam Á chiếm đến 40% trong tổng số hơn 500 triệu tài khoản mà TikTok đang sở hữu, theo thống kê của công ty Similar Web.

Những ngôi sao mới nổi như Bangia là một trong nhiều bên được hưởng lợi từ mạng xã hội này. Cô là một trong số khoảng 50 người Ấn Độ, chủ yếu là các diễn viên kịch và truyền hình, có lượng người theo dõi trên TikTok vượt qua con số 1 triệu.

Sự nổi tiếng của họ phần nào phản ánh đặc điểm nhân khẩu học độc đáo tại quốc gia này khi có đến 65% trong tổng dân số hơn 1,3 tỷ người có độ tuổi dưới 35 và hơn 400 triệu người trong số đó sở hữu điện thoại thông minh. Nó cũng cho thấy một thực trạng xã hội mà trong đó người dùng đang chuyển dần sang sử dụng những nền tảng mạng xã hội đến từ Trung Quốc.

Những nền tảng ứng dụng kết nối mạng và thương mại điện tử như UC Browser, SHAREit, Club Factory, Helo, Vigo và LIKE đều chứng kiến một sự bùng nổ người dùng tại thị trường Ấn Độ. Helo, một ứng dụng lướt Web được phát triển bởi công ty Toutiao của Trung Quốc đã chứng kiến một sự tăng trưởng người dùng thần tốc từ 60.000 người trong tháng 6/2018 lên đến hơn 6 triệu người trong tháng 1/2019, theo Similar Web.

Về trường hợp của TikTok, ứng dụng này thuộc về công ty Bytedance và thường được biết đến với cái tên Douyin tại thị trường Trung Quốc. TikTok thu hút được lượng lớn người dùng một phần bởi khả năng dễ tiếp cận của nó.

Bất kỳ ai sở hữu một chiếc điện thoại thông minh cơ bản nhất với tốc độ kết nối internet trung bình cũng có thể tạo cho riêng mình và chia sẻ một đoạn video trông rất chuyên nghiệp dài 15 giây kết hợp nền nhạc, điều được coi là “sự hấp dẫn không thể cưỡng lại” tại một quốc gia mà người dân “phát cuồng” về nền công nghiệp điện ảnh.

TikTok cho phép người dùng sử dụng nhiều hiệu ứng đặc biệt và những người như Bangia cần chỉ là một chút tài năng diễn xuất. “Có rất nhiều những thử thách thú vị mà chúng ta có thể tham gia, có hàng trăm những bộ lọc ảnh, nhãn dán và hiệu ứng để có thể tạo ra những đoạn video độc và lạ”.

Sự phát triển như vũ bão của những ứng dụng trên cũng vấp phải nhiều làn sóng phản đối. Nhiều ứng dụng đã bị cáo buộc lan truyền thông tin giả mạo, những lời nói miệt thị hoặc những sản phẩm chứa nội dung phản cảm. Và TikTok, một ứng dụng cho phép ai cũng có thể sử dụng được miễn là người đó trên 13 tuổi, cũng không tránh khỏi những rắc rối.

Bang Tamil Nadu, miền nam của Ấn Độ, đã yêu cầu chính phủ ban hành một lệnh cấm triệt để với TikTok với lý do mạng xã hội này là một kênh lan truyền các video “nhạy cảm”. Trong tháng 12 năm ngoái, đường dây nóng của chính quyền bang đã nhận được 36 cuộc gọi phàn nàn về việc họ bị quấy rầy và trêu chọc trên ứng dụng TikTok.

Cảnh sát bang cũng đã bắt giữ một vài cá nhân có liên quan đến việc sử dụng những video trên TikTok để quảng cáo mại dâm. Với lệnh cấm này, Tamil Nadu muốn sử dụng sức mạnh quyền lực để kiểm soát việc sử dụng các ứng dụng trên phạm vi toàn bang. Cảnh sát địa phương tại một vài khu vực khác cũng đã khuyến cáo các bậc phụ huynh để ý đến con cái nhiều hơn khi chúng sử dụng ứng dụng này.

Những vấn đề trên thậm chí còn được “trầm trọng hóa” thêm bởi những chiến lược marketing của chính TikTok cũng như các ứng dụng khác. Phần lớn ứng dụng đến từ các công ty Trung Quốc đều nhắm đến người dùng tại các địa phương cấp 2 hoặc cấp 3, những khu vực bán nông thôn, bán thành thị của Ấn Độ và nhường lại thị trường ở các đô thị lớn cho những “đối thủ” sừng sỏ hơn như Whatapps, Twitter và Facebook. Những lời chỉ trích cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc một tỷ lệ người dùng không cân đối mới có cơ hội tiếp xúc với internet và dễ dàng bị lôi kéo bởi “cơn sốt” mạng xã hội.

Bản thân các ứng dụng này cũng không chịu ngồi yên trước những làn sóng tranh cãi. TikTok gần đây đã bổ nhiệm Sndhya Sharma, cựu nhân viên của Mastercard, giữ chức giám đốc chính sách quan hệ công chúng, và cho biết công ty sẽ cân nhắc chiêu mộ nhiều “nhân tài” hơn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề.

Cuộc đổ bộ của các mạng xã hội Trung Quốc tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình ứng dụng TikTok. Ảnh: SCMP.

Cho dù thế, những áp lực liên quan đến chính trị lại ngày một tăng lên.

Hồi tháng 2, tổ chức Swadeshi Jagaran Manch (SJM), đơn vị bảo trợ kinh tế cho tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (đơn vị được coi là tổ chức sáng lập ra đảng cầm quyền Bharatiya Janata) đã viết một bức thư gửi đến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong đó đề xuất một lệnh cấm lên các ứng dụng của Trung Quốc để đảm bảo sự an toàn cho nền quốc phòng an ninh.

“Dữ liệu ngày nay được coi là một nguồn tài nguyên mới. Chúng ta không nên cho phép những công ty Trung Quốc khai thác dữ liệu người dùng Ấn Độ mà không có sự kiểm soát chặt chẽ”, trong bức thư gửi tới thủ tướng Modi có đề cập.

Ashwani Mahajan, đồng chủ tịch SJM cho biếttổ chức của ông phản đối các ứng dụng đến từ Trung Quốc vì họ thu thập những thông tin nhạy cảm như ví trí và ảnh của người dùng và những dữ liệu này có thể được sử dụng sai mục đích.

Khi được hỏi những yếu tố nào đã tạo ra sự khác biệt giữa những ứng dụng trên với một loạt ứng dụng của các nhà cung cấp nước ngoài khác cũng thu thập thông tin người dùng tương tự, ông đáp một cách thẳng thừng rằng: “Vì đó là những ứng dụng của Trung Quốc”.

“Chúng tôi dành sự quan tâm với tất cả những ứng dụng khi chúng đều là những 'mỏ khai thác dữ liệu', nhưng đối với những ứng dụng đến từ Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy bất an nhất về khía cạnh an ninh”, Mahajan cho biết.

SJM không phải là tổ chức duy nhất hoài nghi về các ứng dụng Trung Quốc. Hồi tháng 1, trong một báo cáo thực hiện bởi công ty công nghệ thông tin Arrka Consulting đã cho thấy 6 trong tổng số 10 ứng dụng Trung Quốc phổ biến nhất tại thị trường Ấn Độ khai thác nhiều thông tin không bắt buộc như quyền truy cập vào camera và mic. Một nghiên cứu, được tài trợ bởi thời báo Economics Times, đã tố cáo những ứng dụng này đang thực hiện truyền dữ liệu đến nhiều nguồn khác nhau, với 69% trong số đó được gửi đến Mỹ.

TikTok được cho rằng đã gửi dữ liệu cho China Telecom, trong khi UC Browser chuyển dữ liệu về công ty mẹ- công ty cung cấp dịch vụ internet di động Trung Quốc UCWeb. Vigo Video được cho rằng đã gửi thông tin về cho ông lớn Tencent.

Cuộc đổ bộ của các mạng xã hội Trung Quốc tại Ấn Độ - Ảnh 2.

Ảnh: SCMP.

'Con rồng tham lam'

Sự bùng nổ của các ứng dụng Trung Quốc tại thị trường Ấn Độ đã dẫn đến sự thất bại của nhiều đối thủ khác, trên quy mô cả nội địa lẫn toàn cầu. Các ứng dụng Trung Quốc trong năm 2019 chiếm đến 44 trong tổng số 100 ứng dụng được tải nhiều nhất trên Google Playstore, so với con số 17 trong năm trước.

Để đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ ứng dụng Helo của ByteDance, hai công ty khởi nghiệp của Ấn Độ là ShareChat và Clip App đã buộc phải hợp nhất. ShareChat, ứng dụng cũng nhắm vào người dùng tại các thành phố nhỏ, đã có 7 triệu lượt tải về trong tháng 1 năm nay, ít hơn so với 10 triệu lượt tải của Helo.

Những nguồn lực dồi dào đứng sau các công ty Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến nhằm đánh bại đối thủ.

“Những ứng dụng Trung Quốc tham gia cuộc chơi với một nguồn tài chính dồi dào và ổn định”, theo Zafar Rais, CEO của công ty nghiên cứu thị trường Mindshift Interactive.

Với việc một đảng chủ nghĩa dân tộc đang cầm quyền tại Ấn Độ thì câu chuyện về sự áp đảo của những sản phẩm công nghệ Trung Quốc cũng tự tạo cho họ những rắc rối riêng. Chính quyền Thủ tướng Modi luôn mang quan điểm hoài nghi với Bắc Kinh và điều này phần nào đã được phản ánh rõ trong những chính sách liên quan đến hàng hóa và dịch vụ đến từ Trung Quốc gần đây.

Vào tháng 12/2017, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã khuyến cáo các đơn vị lực lượng vũ trang không nên sử dụng 42 ứng dụng của Trung Quốc trong đó có SHAREit, WeChat và MiStore, cho rằng chúng là những ứng dụng “gián điệp”. Cơ quan này yêu cầu các quân nhân gỡ bỏ ứng dụng trên điện thoại.

Bộ Điện tử và Thông tin Ấn Độ cũng không đứng ngoài cuộc. Cơ quan này đang dự thảo một bộ luật yêu cầu những công ty chủ quản của các ứng dụng có trên 5 triệu người đăng ký trên lãnh thổ Ấn Độ phải thành lập một văn phòng đại diện tại đây để có thể dễ dàng quản lý hơn. Theo đó, các công ty chủ quản còn phải xây dựng những “công cụ tự động để có thể chủ động phát hiện và loại bỏ những nội dung hoặc thông tin vi phạm pháp luật”.

Trong những động thái nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng của “làn sóng” ứng dụng, New Delhi cũng đã tham khảo những bài học đúc rút từ nhiều quốc gia châu Á khác. Một cuộc điều tra của SCMP trong tháng 5/2018 chỉ ra rằng nhiều trẻ em mới chỉ 9 tuổi tại Hong Kong đã công khai thông tin cá nhân cho hàng triệu người dùng khác khi sử dụng TikTok.

Tại Indonesia, TikTok cũng đã phải đối mặt với một lệnh cấm khi dung túng nội dung “khiêu dâm, không phù hợp và những từ ngữ báng bổ”, trong khi các cơ quan chức năng Mỹ gần đây cũng đã áp một án phạt lên ứng dụng chia sẻ video khi ứng dụng này đã thu thập dữ liệu từ người dùng là trẻ em.

Một quan chức cấp cao quân đội Ấn Độ tiết lộ chính phủ đang cân nhắc một cách nghiêm túc về việc ban hành những quy định chặt chẽ hơn và thủ tướng chỉ đang đợi một thời điểm thích hợp. Ông cho biết việc các ứng dụng Trung Quốc nằm dưới quyền kiểm soát là điều chắc chắn, đó chỉ là “vấn đề thời gian”.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM