Công nghiệp hóa thất bại đến mức nào?

22/04/2016 09:41 AM | Kinh tế vĩ mô

Lĩnh vực chế biến chế tạo của Việt Nam – ngành công nghiệp tạo năng lực cốt lõi cho phát triển – gần như giậm chân tại chỗ trong 30 năm qua.

Mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã thất bại như lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại kỳ họp Quốc hội vừa qua một lần nữa được nêu bật tại Diễn đàn Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam do VCCI tổ chức ngày 21/4 tại Hà Nội.

Nhận diện về sự thất bại của công nghiệp hóa, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam – khái quát rằng nguyên nhân thất bại chủ yếu do chúng ta chỉ tập trung phát triển xây dựng, chỉ thích khai khoáng, chỉ chú trọng vào gia công, còn lĩnh vực cốt lõi nhất là chế biến chế tạo thì chúng ta không tập trung.

Đó là lý do vì sao thành tích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dù rất tốt, nhưng thực trạng phát triển công nghiệp lại được đánh giá là “rất có vấn đề”.

TS Trần Đình Thiên cho biết, trong 30 năm đổi mới, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP của Việt Nam tăng tới 16%, tức là tăng rất nhiều. Việc dịch chuyển cơ cấu như thế là đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao dịch chuyển cơ cấu tốt như thế mà công nghiệp Việt Nam vẫn yếu.

Trả lời cho câu hỏi này, ông Thiên cho biết, khi phân tích cơ cấu của công nghiệp chế biến, chế tạo - tức lĩnh vực tạo năng lực cốt lõi cho phát triển - thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong 30 năm mới chỉ tăng được 1,6%.

“Trong thời đại công nghiệp hiện đại, trong thời đại công nghệ cao mà 30 năm mới chỉ tăng 1,6%, thì thử hình dung xem nền công nghiệp Việt Nam có giẫm chân tại chỗ, hay tụt lùi ghê gớm so với khu vực,” ông nói.

“Vì sao lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 16% mà chế biến chế tạo chỉ tăng 1,6%, là vì ta chỉ phát triển xây dựng, ta chỉ thích khai khoáng, ta chỉ tập trung vào gia công, còn lĩnh vực cốt lõi nhất của tương lai thì chúng ta rất yếu, không tập trung”, ông đánh giá.

Với thực trạng này, Việt Nam được đánh giá là còn cách mấy chục năm nếu muốn đuổi theo các nước trong khu vực như Thái Lan.

Ông Thiên cho rằng, bây giờ Việt Nam đang hội nhập, chúng ta bước vào sân chơi thế giới, lại ở đẳng cấp rất cao, nhưng phải nhìn nhận là thực lực công nghiệp của Việt Nam đang rất thấp. Và chúng ta không thể ở mãi đó được.

Ông đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, Việt Nam phải xem lợi thế thật sự trong điều kiện hiện tại, trong hội nhập là gì. Xưa nay chúng ta thường kể ra một đống lợi thế, nhưng dường như càng kể ra thì những lợi thế đó càng sắp mất đi: tài nguyên đang khan hiếm dần, lao động giá rẻ đang ít đi, ngay cả vị trí địa lý chiến lược của chúng ta cũng không phỉa dễ mà tạo lập được lợi thế cho mình.

Vị giáo sư này cho rằng phải nhận diện lợi thế thực sự của Việt Nam trong hội nhập, phải có tầm nhìn khác đi, phải vươn tầm lên, từ đó định hình các doanh nghiệp chúng ta. Trong thời đại này, cần tôn trọng sự định vị của các tập đoàn tư nhân, tạo điều kiện vĩ mô thuận lợi để các tập đoàn này phát triển công nghiệp.

Xưa nay Việt Nam cho doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo, nhưng những doanh nghiệp này không định hướng vào công nghiệp, nên công nghệ rất ít, chủ yếu tập trung vào ngành khai thá tài nguyên. Đến giờ chúng ta đã thay đổi thái độ đôi chút, nhưng các tập đoàn tư nhân vẫn rất yếu.

Thứ hai, phải xác định đúng cấu trúc doanh nghiệp. Việt Nam hiện có doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI, nhưng trong doanh nghiệp nội địa phải lấy doanh nghiệp tư nhân là lực lượng nền tảng, lực lượng quyết định. Trong công nghiệp, các tập doàn tư nhân phải là trụ cột, còn doanh nghiệp nhà nước có thể là trụ cột, nhưng không nhất thiết.

Việt Nam rất quý các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mời các nhà đầu tư đến phát triển hộ công nghiệp Việt Nam, nhưng chúng ta quý quá mức cần thiết. Khi các doanh nghiệp Việt Nam yếu, chúng ta dựa nhiều vào doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chúng ta vẫn cần phải biết cách phát triển các doanh nghiệp trong nước để có 1 khối doanh nghiệp tốt, nếu không các doanh nghiệp nước ngoài cũng không thể phát triển tốt được.

Thứ ba, để phát triển được công nghiệp, chúng ta không phải chọn hết tất cả các ngành, mà phải liên kết với nước ngoài, phải chọn chuỗi đúng. Một điểm nữa là Việt Nam làm sao để nhà đầu tư chọn mình, để các tập đoàn thế giới lớn thực sự có triển vọng chọn Việt Nam.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - đánh giá công nghiệp của Việt Nam cách quá xa so với thế giới và khu vực, kể cả Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Vậy nguồn lực quốc gia đang dặt ở đâu?

Ông cho biết các tỷ phủ trên sàn chứng khoán của Việt Nam chủ yếu lằm ở lĩnh vực tài chính, bất động sản, chứ không nằm ở lĩnh vực công nghiệp. Phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp lớn Việt Nam hiện nay họ làm giàu bằng mọi giá, nhưng lẽ ra họ phải tạo ra giá trị trước, sau đó mới là lợi nhuận, chỉ có như vậy cái giàu của họ mới tỷ lệ thuận với sự phát triển của đất nước, tỷ lệ thuận với đời sống, thu nhập của đại đa số người dân, nền kinh tế mới phát triển bền vững.

Ông Vũ cho rằng “chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần một điểm tựa từ chính phủ như bây giờ” - điểm tựa chứ không phải sự chống lưng.

Theo ông, muốn kinh tế phát triển thì chính phủ phải là chính phủ phục vụ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phát triển mới tạo ra ngân sách, tạo công ăn việc làm, mới tạo ra nguồn cung cho dân chúng. “Nếu thiếu điều đó, tất cả những cái nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ là viển vông”.

Theo Trung Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM