"Cô gái sống sót sau bão tuyết Nepal" gây sốt với hành trình xuyên Mỹ chỉ tốn vỏn vẹn 300 USD

25/11/2016 20:50 PM | Sống

Chính xác là 300 USD - hay tính ra chỉ hơn 6 triệu VNĐ một chút, nghe dùng bao nhiêu đây đi Mỹ còn khó, ấy vậy mà Võ Thị Mỹ Linh - người từng sống sót sau vụ lở tuyết trên núi ở Nepal đã dùng chỉ vỏn vẹn 300 USD để đi... xuyên Mỹ!

Mỹ từ lâu đã là một vùng đất mơ ước của tất cả mọi người. Đặc biệt là với những ai đam mê du lịch, khám phá thì lại càng phải một lần đặt chân đến đất nước này vì nền văn hóa lâu đời, phong cách sống thú vị cũng như muôn vàn khung cảnh nửa thực nửa mơ đang chờ đợi để được bạn tận mắt chiêm ngưỡng. Tuy nhiên vấn đề đầu tiên lúc nào cũng là... tiền đâu??? Nhắc đến Mỹ là nhắc đến mức sống cao, những khoản chi tiêu đắt đỏ hay chi phí sinh hoạt toàn trên nóc nhà. Chính vì vậy mà không phải ai cũng đủ điều kiện để đến với đất nước này.

Ấy vậy mà Võ Thị Mỹ Linh - cô nàng từng nổi bật một thời khi là một trong những người sống sót sau vụ lở tuyết trên núi ở Nepal mới đây đã khiến rất nhiều người hứng thú khi chia sẻ về hành trình phượt xuyên Mỹ mà chỉ tốn vỏn vẹn... 300 đô, tức hơn 6 triệu VNĐ. Tưởng không thật nhưng thật không tưởng đấy nhé!

Nếu không ngại vất vả thì hãy thử một lần couchsurfing!

Couchsurfing là một hình thức đi du lịch tiết kiệm mà bạn sẽ xin ngủ ở bất kì đâu, cách làm này vừa giúp bạn đỡ tốn chi phí khách sạn mà còn có thêm nhiều người bạn ở mỗi nơi mà bạn đặt chân tới. Trước khi bắt đầu chuyến đi của mình, Mỹ Linh đã lên trang web Couchsurfing để tạo một event (sự kiện), sau đó trình bày kế hoạch về chuyến road trip và mời gọi mọi người tham gia.

Nhờ vào bức thư mời trung thực, đáng tin cậy, duyên dáng và thể hiện rõ đam mê khám phá mà chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều người bạn trên khắp Thế giới đã nhảy vào ngỏ ý muốn tham gia cùng Linh.

Để chuyến đi hiệu quả, khám phá nhiều vùng đất với chi phí ít nhất, Mỹ Linh lập kế hoạch, sử dụng các ứng dụng để tính toán thời gian di chuyển, xác định được tuyến đường đi cho phù hợp với thời gian cũng như lịch trình. Linh chọn lịch trình West Coast vì tập trung nhiều công viên quốc gia đẹp, với lộ trình đi 11 ngày, bắt đầu ở San Francisco ghé thăm Lake Tahoe sau đó ghé các công viên quốc gia (Yosemite, Sequoia, Death Valley, Zion, Horseshoe Bend, Antelope, Monument Valley, Grand Canyon) và cuối cùng kết thúc hành trình ở Las Vegas.

"Ở Mỹ, bạn không được tự do cắm trại mà phải cắm vào khu vực được quy định. Những khu vực có nhà vệ sinh và chỗ tắm, bạn thông thường phải trả khoảng $20 cho một nhóm đi cùng 1 xe. Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể tìm chỗ cắm trại miễn phí (không có nhà vệ sinh). Một ứng dụng giúp hỗ trợ tìm chỗ cắm trại miễn phí hoặc có phí theo nhu cầu và chỉ bạn đường đi là WikicampsUSA. Sóng điện thoại ở các công viên quốc gia thường rất yếu vì thế bạn nên chuẩn bị bản đồ offline trong trường hợp không có GPS." - Linh chia sẻ thêm.

Ở các siêu thị lớn của Mỹ nhất là Walmart luôn có đầy đủ dụng cụ cắm trại phân cấp theo giá cả để bạn thoải mái mua. Một lỗ hổng lớn ở Mỹ đó là khách hàng có thể hoàn trả lại sản phẩm nếu cảm thấy không hài lòng sau thời gian dùng thử. Cộng đồng dân du lịch bụi tận dụng điều này để tiết kiệm chi phí bằng cách chọn mua lều trại chất lượng tốt, sau khi kết thúc chuyến "road trip", mang hoàn trả lại sản phẩm. Tuy nhiên bản thân Mỹ Linh cũng chia sẻ rằng mình không ủng hộ cách làm này.

Về thức ăn, nước uống: để tiết kiệm chi phí và dễ dàng cho việc di chuyển, các bạn nên mua những thứ có thể giúp bạn sinh tồn nhưng không cần chế biến rườm rà như mì gói, bánh mì, thịt ham. Ở mỗi công viên quốc gia của Mỹ đều có vòi nước uống tự động nên bạn không cần lo lắng về nước uống.

Thế giới quả thật rất rộng lớn và có nhiều nơi để đi!

Linh chia sẻ, với cô road trip là chuyến đi tuyệt vời giúp bạn bước ra khỏi sự bí bách, ngột ngạt của những thành phố tấp nập người để nhìn thấy sự bao la rộng lớn của nước Mỹ và cũng để có thời gian chiêm nghiệm, tìm lại chính mình. "Nhưng hơn cả là những người bạn đồng hành tôi gặp, những câu chuyện về sự sẻ chia giúp tôi lớn lên. Tôi nhớ lúc chúng tôi cùng leo lên thác Nevada, tôi đi chậm vì chứng huyết áp thấp, Ben dừng lại đợi tôi. Tôi bảo anh ta cứ đi trước đi, nếu không sẽ lạc các bạn đồng hành khác mất. Ben động viên tôi bảo đừng lo, họ nhất định sẽ đợi chúng ta".

Bên cạnh đó Mỹ Linh cũng bị ấn tượng bởi lòng tốt, sự hiếu khách và thân thiện của những người dân nơi đây. Như trong một buổi chiều đi lạc vì khu cắm trại quá rộng lớn, Lin đã may mắn được một bà cụ dắt tìm đường về. "Dù mỏi chân vì cuốc bộ cùng tôi ròng rã cả tiếng đồng hồ, bà vẫn cố động viên tôi rằng, "Đừng lo, các bạn khác chắc đang chuẩn bị bữa tối đón cháu trở về". Rồi bà cười phá lên khi nghe tôi bảo "Không có đâu, bọn họ chắc đang dáo dác khắp nơi đi tìm cháu vì cháu là đầu bếp!""

Hay một cậu bạn người Nga tên Oleg lúc nào cũng ôm giấc mơ nhìn thấy nước Mỹ với hầu bao ngặt nghèo và vốn tiếng Anh bập bẹ. Chàng trai này xin đi nhờ xe suốt từ bang này sang bang khác, với một chiếc balo nặng 32kg trên vai. Cậu thậm chí không đòi hỏi gì nhiều từ chuyến đi, chỉ mong đi đến đâu có thể giữ lại những bức hình kỉ niệm ở đó. Vì thế cứ hễ dừng chân là cậu lấy máy ảnh ra "selfie".

Linh cũng bị ấn tượng với sự trung thực của người Mỹ. "Chúng tôi đã dừng chân ở các khu cắm trại nơi mà hầu như không có nhân viên kiểm soát vé, nhưng tất cả khách đến đây đều tự động đóng phí bằng cách bỏ tiền vào phong bì ở cổng check-in hoặc là đến đóng tiền ở máy thu tiền tự động với thẻ tín dụng của họ".

Kết thúc bài chia sẻ cực kì chi tiết và đầy cảm xúc, Linh tóm gọn lại chuyến đi đầy thú vị của mình trong hai câu nói: "Tôi trở về sau chuyến đi với những người bạn mới, trải nghiệm mới và một tâm trạng mới. Như ai đó từng bảo, chúng ta du lịch không phải để chạy trốn cuộc sống, mà là để cuộc sống đừng chạy trốn khỏi chúng ta."

Chuyến đi này của Mỹ Linh hiện đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều cư dân mạng. Bên cạnh nhiều ý kiến tỏ ra thích thú, hào hứng trước hành trình này của Linh thì cũng có không ít người đặt ra câu hỏi về liệu có nói quá không khi Linh đi qua từng ấy địa điểm mà chỉ tốn 300 USD. Dù đã ghi khá rõ về những khoản chi tiêu cho ăn uống, đi lại nhưng nhiều người vẫn hồ nghi rằng số tiền thật sự có thể cao hơn so với những gì được đăng tải.

Tuy nhiên dù thế nào nữa thì tốn bao nhiêu vẫn không phải là vấn đề quan trọng nhất. Dù sao thì Linh cũng đã có một chuyến đi thật vui và đã truyền được niềm cảm hứng dịch chuyển của mình đến với rất nhiều người khác.

Cùng chuyên mục
XEM